Liên kết - xu thế tất yếu

DIỄM LỆ 17/08/2013 15:09

Đến thời điểm hiện tại, lực lượng lao động ở Khu Kinh tế mở  (KKTM) Chu Lai đã phát triển mạnh cả về số lượng và chất lượng. Dù còn nhiều hạn chế do xuất phát điểm từ nền nông nghiệp và chất lượng đào tạo chưa cao, nhưng người lao động cơ bản đã đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp (DN).

Nâng chất lượng lao động

Tại khu vực huyện Núi Thành, hiện đang có 2 cơ sở đào tạo nghề, góp phần cung ứng nguồn nhân lực cho KKTM Chu Lai, đó là trường Trung cấp nghề Nam Quảng Nam và Trường Cao đẳng nghề Chu Lai - Trường Hải.

Trường Trung cấp nghề Nam Quảng Nam đào tạo theo 2 hướng: đáp ứng nhu cầu của người học và theo đơn đặt hàng của DN. Ông Bùi Xuân Tuấn, Phó Hiệu trưởng trường Trung cấp nghề Nam Quảng Nam cho biết: “Muốn đạt được mục tiêu cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng, chúng tôi phải liên kết với DN. Trước khi mở lớp đào tạo, chúng tôi đặt vấn đề với DN hoặc DN đặt hàng chúng tôi. Trong quá trình đào tạo, kỹ sư của DN tham gia đứng lớp, đào tạo nghề cho học sinh, và học sinh đến DN học cách làm trên dây chuyền công nghệ hiện đại mà nhà trường không đủ điều kiện trang bị. Như thế, khi người học bị khuyết chỗ nào, DN sẽ kịp thời bổ sung theo đúng yêu cầu công việc mà họ cần, đảm bảo các em ra trường làm được việc”. Năm năm qua, nhà trường đã cung ứng cho thị trường hơn 1.000 lao động có trình độ trung cấp, sơ cấp nghề và hàng ngàn lao động trình độ nghề dưới 3 tháng. Các DN trong KKTM Chu Lai như Công ty CP ô tô Chu Lai - Trường Hải, Công ty may Như Thành, Công ty may Dacotex Hải Âu Xanh, Công ty CCI... đã tin tưởng và thường xuyên đặt hàng hoặc nhận lao động sau khi họ hoàn thành khóa đào tạo nghề tại trường. Nếu người học có nhu cầu học lên cao đẳng ở các ngành nghề, nhà trường sẽ giới thiệu tiếp tục đến một trường nghề có trình độ đào tạo cao hơn như trường Cao đẳng nghề Quảng Nam hoặc trường Cao đẳng nghề Chu Lai - Trường Hải...

Học và thực hành ngay tại doanh nghiệp sẽ giúp người học đạt chất lượng cao hơn.  Ảnh: D.L
Học và thực hành ngay tại doanh nghiệp sẽ giúp người học đạt chất lượng cao hơn. Ảnh: D.L

Trường Cao đẳng nghề Chu Lai - Trường Hải có thế mạnh là nằm trong một DN nêu vấn đề đào tạo nguồn lao động có chất lượng, đáp ứng ngay yêu cầu công việc khi ra trường là điều không khó. Ông Phan Tiềm, Hiệu trưởng trường Cao đẳng nghề Chu Lai - Trường Hải, cho biết: “Nhà trường đào tạo chuyên sâu về kiến thức ô tô nên đảm bảo người học ra trường có việc làm và làm được việc. Từ năm 2010 đến nay, gần 6.000 người học trong công ty và tuyển sinh bên ngoài đã được đào tạo ở các trình độ, ra trường đều có việc làm. Các em học gắn với thực hành trên những mẫu xe mới nhất mà Trường Hải đang sản xuất, nên khi ra trường có thể làm ở bất cứ đâu mà không sợ không làm được việc”.

Ngoài đào tạo phục vụ cho sự phát triển của Khu phức hợp sản xuất và lắp ráp ô tô Chu Lai - Trường Hải, nhà trường còn đào tạo theo đơn đặt hàng của các tỉnh thành miền Trung. Đồng thời, phối hợp với các trường nghề trong và ngoài tỉnh để đào tạo cho công nhân của Khu phức hợp những nghề mà trường không có chức năng đào tạo. Chẳng hạn, phối hợp trường Trung cấp nghề Nam Quảng Nam đào tạo nghề may thời trang cho công nhân may mui xe, nệm xe; phối hợp Đại học Bách khoa Đà Nẵng đào tạo thạc sĩ cho cán bộ của khu phức hợp; liên kết Đại học Công nghiệp Hà Nội đào tạo kỹ sư thực hành...

Vừa thừa vừa thiếu

Toàn tỉnh Quảng Nam hiện có 49 cơ sở đào tạo nghề ở cả đồng bằng và miền núi, trong 10 năm qua đã cho “ra lò” khoảng 200 nghìn lao động ở các trình độ. Lực lượng này đáp ứng được một phần nhu cầu của các DN đóng chân trên địa bàn Quảng Nam, trong đó có KKTM Chu Lai.

Theo Ban Quản lý KKTM Chu Lai, các DN vào đầu tư tại KKTM Chu Lai đã đảm bảo cam kết giải quyết việc làm cho lao động địa phương. Không chỉ đảm bảo giải quyết việc làm, DN còn góp phần quan trọng trong quá trình đào tạo nghề, hỗ trợ cho học sinh - sinh viên đến thực tập, học nghề, hoặc liên kết với các trường nghề cùng đào tạo nghề cho người học. Nhờ đó, khó khăn về trang thiết bị của các trường nghề được giải quyết theo hướng học tại DN, thực hành trên hệ thống thiết bị, dây chuyền hiện đại của DN. Mối quan hệ qua lại này đã giúp cho nguồn nhân lực ngày càng được nâng cao chất lượng, đáp ứng nhu cầu thị trường lao động.

Tuy nhiên, trên thực tế nguồn lao động vẫn còn nhiều khoảng trống chưa thể lấp đầy. Hiện KKTM Chu Lai có 89 dự án đã và đang tiếp tục đầu tư vào đây, thu hút hơn 10.700 lao động, chủ yếu là lao động trong tỉnh và một số tỉnh lân cận. Như vậy, “cầu” vẫn còn nhỏ so với “cung”. Trong khi đó, nghịch lý đang tồn tại của thị trường lao động Quảng Nam là nguồn lao động dư thừa nhưng DN kêu thiếu. Thừa là do nguồn lao động không đạt chất lượng, chỉ được xếp vào lao động phổ thông, nhưng lại thiếu trầm trọng nguồn lao động có trình độ kỹ thuật.  

Theo dự báo của Chiến lược phát triển thị trường lao động do Tổ chức Lao động Quốc tế phối hợp với Sở LĐ-TB&XH thực hiện, đến năm 2015, lực lượng lao động sẽ hơn 930 nghìn người, qua đào tạo nghề đạt trên 45%. Và các đơn vị, DN sẽ cần khoảng 870 nghìn lao động. Như vậy, nguồn “cung” vẫn rất dồi dào so với “cầu”, đảm bảo nguồn lao động đáp ứng được sự phát triển của các khu, cụm công nghiệp trong toàn tỉnh. Tuy nhiên, để có nguồn lao động chất lượng cao thì phải được đào tạo từ trong các trường nghề, có sự liên kết với DN.

 DIỄM LỆ

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Liên kết - xu thế tất yếu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO