Singapore và Thái Lan đặt kế hoạch thành lập liên minh thanh toán điện tử chưa từng có tại khu vực Đông Nam Á.
Hệ thống thanh toán điện tử Samsung Pay tại Thái Lan. Ảnh: samsungrumors.ne |
Singapore và Thái Lan có tỷ lệ thanh toán kỹ thuật số hay thanh toán điện tử cao nhất khu vực, chiếm 80 - 90% người tiêu dùng. Nhiều năm qua, hai quốc gia kể trên tăng tốc ứng dụng công nghệ số trong cuộc đua vì xã hội không tiền mặt. Được biết đến là quốc gia thông minh, Singapore luôn đi đầu khu vực về sáng kiến kinh tế số và thương mại điện tử. Singapore vừa đưa vào triển khai hệ thống thanh toán Pay Now, chỉ yêu cầu số điện thoại, số chứng minh nhân dân. Trong khi đó, Thái Lan trong năm nay phát động chiến dịch thanh toán không dùng tiền mặt bằng nhiều loại hình khuyến khích như sẽ giảm 60% phí sử dụng thẻ ghi nợ cho mỗi lần người dân quẹt thẻ và với mỗi lần thanh toán, người tiêu dùng sẽ được nhận một mã số dự thưởng với giá trị lên tới 1 triệu baht mỗi tháng.
Hiện nay, chính phủ nhiều nước khuyến khích công dân trả tiền mặt qua thẻ, thiết bị di động hay các kênh thanh toán điện tử trên internet nhằm truy xuất nguồn gốc nguồn tiền hiệu quả hơn. Trước cơ hội và xu hướng xã hội không tiền mặt, Singapore và Thái Lan đang tiến hành thảo luận thiết lập một liên minh hệ thống thanh toán điện tử. Ngoài ra, hai nước này cũng vừa ký kết thỏa thuận hợp tác công nghệ tài chính và sáng kiến nhằm tạo điều kiện cho các dịch vụ tài chính xuyên biên giới một cách nhanh chóng, an toàn.
Giám đốc bộ phận chính sách hệ thống thanh toán của Ngân hàng trung ương Thái Lan - Naphongthawat Phothikit, cho biết dịch vụ thanh toán điện tử PromptPay do các ngân hàng phát hành hồi đầu năm hiện đã có 24 triệu đăng ký qua thẻ căn cước, tương đương 1/3 dân số Thái Lan. Trong khi đó, hệ thống thanh toán PayNow tại Singapore được hiệp hội ngân hàng giới thiệu cũng thu hút hơn 500 nghìn khách hàng đặt ký tham gia. Theo hãng tin Bloomberg, kế hoạch thành lập liên minh thanh toán điện tử Singapore - Thái Lan diễn ra trong lúc các ngân hàng khu vực Đông Nam Á chuẩn bị cạnh tranh với một số hãng công nghệ của Trung Quốc. Cụ thể, Tập đoàn Alibaba của Trung Quốc vừa đổ thêm 1 tỷ USD vào hãng thương mại điện tử Lazada để tăng cổ phần lên đến 83%, nhắm vào thị trường thanh toán điện tử tại khu vực. Lazada hiện có mặt tại 6 quốc gia: Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam. Đầu năm 2017, Alibaba và Lazada ra mắt cửa hàng trực tuyến Taobao của Alibaba tại Singapore.
Nhiều chuyên gia nhận định, thị trường thương mại điện tử Đông Nam Á còn rất tiềm năng, trong đó Indonesia là quốc gia đông dân thứ tư thế giới với thị trường của khoảng 250 triệu người. Đây cũng là khu vực có tăng trưởng internet nhanh nhất, đứng thứ 3 về số người đang sử dụng điện thoại di động và thứ 4 trên thế giới đang sử dụng internet. Tuy nhiên, khu vực này mới chỉ sử dụng 30 tỷ USD cho mua sắm trực tuyến, các chuyên gia dự báo con số này có thể tăng lên gấp 6,5 lần trong năm 2020.
NAM VIỆT