Thời gian gần đây, ở các khu vực giáp ranh xuất hiện nhiều vụ phá rừng quy mô lớn. Xung quanh câu chuyện quản lý, bảo vệ tài nguyên rừng, phóng viên Báo Quảng Nam đã có cuộc trao đổi với ông Phan Tuấn - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh.
Ông Tuấn cho biết, thời gian gần đây, hoạt động khai thác lâm sản trái phép thường xảy ra ở vùng giáp ranh giữa Quảng Nam - Quảng Ngãi - Kon Tum, Quảng Nam - Đà Nẵng và các huyện trong tỉnh. Năm 2014, ngành tiếp tục tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành một số chủ trương, biện pháp kiểm tra, kiểm soát, truy quét tại các “điểm nóng”; huy động cả hệ thống chính trị vào công tác giữ rừng, nhờ vậy, số vụ khai thác, vận chuyển lâm sản đã giảm rõ rệt.
Một vụ phá rừng nghiêm trọng ở xã Trà Ka (Bắc Trà My). Ảnh: T.H |
P.V:Nhưng vẫn xảy ra nhiều vụ phá rừng gây xôn xao dư luận gần đây như ở xã Quế Lâm (Nông Sơn), giáp ranh Quảng Nam - Đà Nẵng, hay địa bàn Nam Trà My, thưa ông?
Ông Phan Tuấn: Hầu hết vụ phá rừng nêu trên xét cho cùng là do quản lý thiếu chặt chẽ, cán bộ kiểm lâm lơ là, chủ rừng quản lý lỏng lẻo. Thực ra, trước khi các phương tiện thông tin đại chúng phản ánh, chúng tôi đã phát hiện, xử lý. Ngành đã lên kế hoạch hành động truy quét khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép trong mùa mưa lũ nên đã chủ động phát hiện các vụ phá rừng ở xã Quế Lâm (Nông Sơn), giáp ranh Quảng Nam - Đà Nẵng, hay kiểm tra đột xuất các xưởng cưa ở Nam Trà My cho thấy phần lớn đều tiêu thụ gỗ lậu.
P.V:Trong các vụ phá rừng đã nêu, có hay không việc kiểm lâm cơ sở tiêu cực như dư luận đồn đoán?
Ông Phan Tuấn: Để tăng cường, thực hiện các giải pháp giữ rừng đồng bộ và tránh tiêu cực, ngành đã tích cực luân chuyển cán bộ, đưa kiểm lâm địa bàn (KLĐB) về các xã có diện tích rừng lớn. Thời điểm này, có hơn 160 xã trên địa bàn tỉnh được bố trí cán bộ KLĐB; và thực tế vì thiếu hụt nguồn nhân lực nên bất đắc dĩ một KLĐB phụ trách luôn 2 xã. KLĐB có nhiệm vụ tham mưu cấp ủy đảng, chính quyền địa phương trong công tác quản lý, bảo vệ rừng nhưng nhiều nơi rừng quá rộng lớn, địa hình xa xôi, cách trở nên không thể nào kiểm soát hết.
Đến nay, chúng tôi đã xử lý 6 cán bộ kiểm lâm sai phạm bằng các hình thức kỷ luật. Trong tháng 11 này, sẽ tiếp tục xử lý cán bộ kiểm lâm chậm phát hiện các vụ phá rừng như đã nêu. Quan điểm nhất quán của ngành là xử lý mạnh tay, cương quyết cán bộ sai phạm. Phía Đà Nẵng đã xử lý nghiêm khắc cán bộ thì mình cũng phải làm. Mặc dù nguồn gốc lâm sản được xác định chủ yếu bên phía bạn nhưng vận chuyển qua địa phận của mình nên phải chịu trách nhiệm trong quản lý lâm phận. Nhưng nói đi cũng phải nói lại, KLĐB quá khổ, muốn hoạt động hiệu quả, Nhà nước cũng cần tạo điều kiện nơi ăn chốn ở cho họ.
P.V:Quy định cấm đưa người, phương tiện trái phép vào rừng xem ra vẫn khó thực hiện?
Một số vụ phá rừng quy mô lớn xảy ra gần đây: Ngày 28.8, người dân phát hiện hơn 51m3 gỗ trái phép tập kết ở tiểu khu 465, xã Quế Lâm (Nông Sơn). Ngày 30.9, tại vùng giáp ranh Hiệp Đức – Bắc Trà My, Hạt Kiểm lâm Hiệp Đức phát hiện 17,3m3 gỗ trái phép đang chuẩn bị tiêu thụ. Ngày 7.10, hơn 40m3 gỗ khai thác trái phép đã cất giấu giữa vùng giáp ranh Quảng Nam - Đà Nẵng. Ngày 23.10, Kiểm lâm tỉnh phát hiện hơn 26m3 gỗ lậu và các sản phẩm đồ gỗ không rõ nguồn gốc cất tại các xưởng mộc ở xã Trà Mai (Nam Trà My). |
Ông Phan Tuấn: Hiện nay, trên địa bàn các huyện miền núi có nhiều dự án thi công ảnh hưởng đến rừng như xây dựng công trình thủy điện, trồng cao su, mở đường giao thông… Tại các khu vực rừng trọng điểm, có đặt các biển cấm người, phương tiện vào rừng. Tuy nhiên, kiểm lâm cũng tham mưu, hướng dẫn các địa phương làm thủ tục đăng ký, cấp giấy phép cho các phương tiện vào rừng, kể cả cho người dân thường xuyên vào rừng vì mục đích sinh kế. Khó khăn nhất hiện nay là việc xử lý khai khoáng trái phép tại miền núi do hầu hết chủ bãi vàng tự thỏa thuận mua đất lại của người dân hoặc hợp tác ăn chia. Một số dự án quốc phòng có ảnh hưởng đến rừng và đất rừng nhưng khi tổ chức thi công chủ đầu tư không lập các thủ tục theo quy định của Nhà nước về tác động đến rừng, đất rừng…
P.V:Việc xử lý tình trạng cán bộ bảo kê cho các xưởng cưa hợp thức gỗ lậu như dư luận phản ánh thì sao, thưa ông?
Ông Phan Tuấn: Khi đã lên kế hoạch truy quét trong mùa mưa bão, cách tiếp cận của chúng tôi là phải bất ngờ, bí mật đến phút cuối. Sở dĩ các xưởng cưa ở miền núi tiếp tay tiêu thụ gỗ lậu, có tình trạng dưới xuôi lên đặt hàng các sản phẩm gia dụng từ mộc là do ngành kiểm lâm đã quản lý chặt chẽ nguồn gốc lâm sản ở trung du, đồng bằng theo quy định của Bộ NN&PTNT. Sắp đến, sẽ có cuộc tổng kiểm tra các cơ sở chế biến mộc trên phạm vi toàn tỉnh; cương quyết thu hồi giấy phép nếu xưởng cưa, xưởng mộc nào tiêu thụ gỗ lậu và nằm ngoài quy hoạch. Trong tháng 11 này, ngành sẽ tiếp tục xử lý một số cán bộ kiểm lâm sai phạm.
P.V:Lợi dụng mùa mưa lũ, lâm tặc thường đưa gỗ lậu về xuôi qua đường thủy, kiểm lâm tính toán phương án đối phó như thế nào?
Ông Phan Tuấn: Đầu tháng 10, chúng tôi đã có kế hoạch rồi. Vào mùa mưa lũ, ngành sẽ mở nhiều đợt truy quét vào các địa bàn trọng điểm như rừng đặc dụng, rừng phòng hộ đầu nguồn. Tiếp tục tuyên truyền, phổ biến pháp luật nâng cao nhận thức giữ rừng cho người dân miền núi…
P.V:Xin cảm ơn ông!
TRẦN HỮU (thực hiện)