(QNO) - LTS: Sau khi Báo Quảng Nam đăng tải bài viết “Rao bán bảo vật triều Nguyễn tại Pháp” của TS. Trần Đức Anh Sơn, bài viết đã thu hút sự quan tâm đặc biệt, nhất là các chuyên gia nghiên cứu lịch sử, văn hóa và người mê cổ vật. Tòa soạn giới thiệu tiếp bài viết của TS. Trần Hạnh, tiếp tục đề xuất các phương án để góp phần “hồi hương di sản”.
Năm 2009, cũng tại Paris, nhà Christie’s đưa ra đấu giá hai đầu thú bằng đồng trong bộ 12 con giáp có niên đại thời Càn Long, nguồn gốc rõ ràng từ Viên Minh Viên (Cung điện Mùa hè), bị liên quân 8 nước lấy đi khi tấn công cướp phá rồi đốt cung điện này trong Chiến tranh Nha phiến lần thứ hai năm 1860.
Thời gian diễn ra cuộc đấu giá cũng là lúc Trung Quốc đang rất mạnh về tiềm lực kinh tế và tinh thần văn hóa - dân tộc, và đã có phong trào hồi hương các di sản văn hóa quan trọng. Trung Quốc tổ chức hẳn một tổ pháp lý gồm 81 luật sư và kiện nhà đấu giá Christie’s ra tòa án Pháp, yêu cầu hủy bỏ việc đấu giá hai hiện vật nói trên, đồng thời gây sức ép truyền thông và kêu gọi lòng ái quốc của người Trung Quốc trong và ngoài nước để ngăn cản việc đấu giá và đòi hồi hương di sản văn hóa quốc gia. Nhưng tòa án Pháp sau khi xem xét sự việc và cơ sở pháp lý, đã công nhận rằng người ký gửi có quyền sở hữu hợp pháp đối với hai món ký gửi, nên nhà đấu giá có quyền tiến hành đấu giá theo hợp đồng đã ký với người ký gửi, và phiên đấu giá vẫn diễn ra.
Theo hướng ngược lại, cũng có một tiền lệ có thể tham khảo là, trong catalog đấu giá phiên ngày 17/4/2013 của nhà đấu giá Dallas Auction Gallery, có một cặp bình sứ niên đại thế kỷ 19 có nguồn gốc từ Lò sứ Hoàng gia, chuyên sản xuất riêng cho Nga hoàng. Nhà đấu giá cũng bỏ nhiều công nghiên cứu và quảng bá về lô này, gây được nhiều sự chú ý của giới chuyên môn cũng như công chúng, nhất là những dự đoán về con số sau khi gõ búa. Nhưng cặp bình không xuất hiện trong phiên đấu giá dự định.
Trước ngày đấu giá khoảng một tuần, một khách hàng giấu tên từ Nga bay đến Texas gặp ông chủ nhà đấu giá và sau khi xem xét, thương lượng, đã mua trực tiếp thành công hiện vật trước khi lên sàn với mức giá 2,7 triệu USD. Đây là một tình huống hợp pháp, trong nghề đấu giá gọi là “charter sale”, hay thường được gọi nôm na là private sale (bán riêng) khi ba bên: người mua, người bán và nhà đấu giá đồng thuận tiến hành giao dịch trước và rút hiện vật khỏi phiên đấu giá. Việc rút hiện vật trước hoặc ngay trong một phiên đấu giá là chuyện thường tình, vì nhiều lý do mà nhà đấu giá không cần giải thích.
Hy vọng trường hợp trên là bài học tham khảo hữu ích để Nhà nước Việt Nam không lựa chọn biện pháp đối đầu pháp lý với nhà đấu giá hay chủ sở hữu kim ấn, chắc chắn sẽ chỉ tốn công sức, thời gian và nguồn lực.
Từ hai trường hợp trên, xét đến việc MILLON rao bán đấu giá chiếc kim ấn “Hoàng đế chi bảo” vào ngày 30/10/2022, có mấy kịch bản sẽ xảy ra:
Kịch bản tối ưu cho tất cả bên là như trường hợp cặp bình sứ Hoàng gia Nga nêu trên. Nhà nước Việt Nam cử đại diện thương lượng với nhà đấu giá và chủ sở hữu mua trực tiếp trước phiên đấu giá với nguồn vốn nhà nước, kết hợp xã hội hóa qua việc vận động gây quỹ.
Tôi cho rằng Việt Nam không nên tranh chấp pháp lý, mà nên dành nguồn lực tài chính và thời gian vào việc thương lượng và gây quỹ. Lưu ý rằng vào năm 2009, nhà nước Trung Quốc, song song với các đòn đấu pháp lý, cũng đồng thời tiến hành thương lượng với nhà đấu giá Christie’s xin mua trực tiếp trước đấu giá nhưng không thành. Theo tôi, không nên phân tán nguồn lực và tạo thông điệp kép, kiểu “vừa nghị hòa, vừa khiêu chiến”.
Kịch bản thứ nhì là không thương lượng mua trực tiếp được, hiện vật vẫn được đưa ra đấu giá. Để chuẩn bị cho tình huống này thì phía Việt Nam vẫn cần chuẩn bị vừa gây quỹ vừa vận động hành lang để mua được từ sàn đấu giá với mức không quá khả năng tài chính. Nói chung cách làm cũng không khác mấy so với tình huống thứ nhất, chỉ cần kiên nhẫn sau khi thương lượng không thành để vận động hành lang chuẩn bị đấu giá sao cho ít tốn kém nhất. Đây vẫn là tình huống tích cực.
Kịch bản thứ ba, không mấy khả quan. Đó là việc thương lượng không thành, hiện vật vẫn lên sàn. Đại diện Nhà nước Việt Nam đấu giá không thành công, một người mua ẩn danh trong nước hoặc ngoài nước mua được và về cất làm của gia bảo. Tình huống này tuy khó nhưng không phải không thể xảy ra, vì vài triệu, hoặc vài chục triệu Euro không phải là khoản tiền quá lớn với giới sưu tập nghệ thuật và cổ vật. Nếu khả năng này xảy ra thì là một điều thiệt thòi cho ngành văn hóa/bảo tàng Việt Nam, cho những người quan tâm đến hiện vật này cả trong và ngoài nước Việt Nam, và hơn hết là cho chính kim ấn này, kể cả cho người mua ẩn danh.
Mang quốc ấn về cất trong tư gia, chỉ khoe hạn chế với những người thân tín thì khác nào áo gấm đi đêm, mà khi cần thu hồi vốn thì mang bán lại hoặc đấu giá công khai cũng khó, bán trực tiếp sang tay cá nhân cũng dễ bị ép giá. Chỗ hiện diện hợp lý nhất của hiện vật này là tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam, bên cạnh những chiếc ấn vàng ấn ngọc nhà Nguyễn trong bộ sưu tập hiện có của bảo tàng.
Kịch bản thứ tư, tồi tệ nhất cho tất cả bên, sẽ không xảy ra. Đó là có tranh chấp pháp lý trước ngày đấu giá, hoặc sau khi đấu giá dẫn đến hệ lụy là giao dịch thương mại không thực hiện được (do kiện tụng hoặc có người tham gia đấu giá xong không trả tiền, như trường hợp hai đầu linh thú đồng của Trung Quốc sau khi nhà Christie’s đưa ra đấu giá năm 2009).
Như vậy, quả bóng đang ở trong chân của Bộ VH-TT&DL Việt Nam. Nếu xử lý khéo sẽ ghi bàn khá ấn tượng. Bộ nên cấp tốc thành lập một tổ công tác liên ngành gồm các đơn vị trực thuộc bộ có liên quan trực tiếp như Cục Di sản văn hóa, Bảo tàng Lịch sử quốc gia, có thêm sự phối hợp của Bộ Ngoại giao, nhất là Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp, Bộ Tài chính để “theo đuổi” vụ này.
Sau khi thương lượng/đấu giá thành công, Bảo tàng Lịch sử quốc gia có thể xây dựng thành sự kiện văn hóa như tổ chức một cuộc triển lãm có trưng bày kim ấn (triển lãm riêng hoặc kết hợp với các hiện vật được hồi hương thành công khác, hay cùng với các kim ấn, ngọc ấn nhà Nguyễn trong bộ sưu tập hiện có), để bán vé hoặc kêu gọi thêm tài trợ/công đức gây quỹ - cũng sẽ thu được kha khá để bù đắp cho chi phí hồi hương kim ấn.
Được như thế thì đương nhiên chiếc kim ấn này (và rộng hơn là cả bộ sưu tập ấn quý của nhà Nguyễn - một số đã được công nhận bảo vật quốc gia) sẽ trở thành “bảo vật quốc gia” trên thực tế, và việc được công nhận chính thức chỉ là vấn đề thời gian và thủ tục, chứ không phải thậm xưng như hiện tại.