(QNO) - Ngày 18.2, nhiều loại cá chép, cá diếc, cá tràu và rô phi đã chết bất thường trên sông Bàn Thạch, đoạn chảy qua TP.Tam Kỳ.
Theo ghi nhận của chúng tôi, số lượng cá chết tương đối lớn. Cá to, cá nhỏ nằm phơi bụng trên mặt nước hoặc bị sóng đánh trôi dạt vào bờ, nằm ngổn ngang, bốc mùi hôi thối. Nhiều hộ dân làm nghề đánh cá trên sông này cho biết, cá không chỉ chết trong ngày 18.2 mà đã xảy ra cả tuần qua. Tại sông Bàn Thạch đoạn qua xã Tam Phú (Tam Kỳ) vào chiều cùng ngày, nhiều cá lừ đừ, dạt vào bờ được người dân vớt đem về làm thức ăn cho gia súc, gia cầm.
Cá chết bốc mùi hôi thối tại sông Bàn Thạch. Ảnh: N.Q.VIỆT |
Ông Đỗ Văn Minh - Trưởng phòng Kinh tế TP.Tam Kỳ cho biết, ngành thủy sản địa phương đã phối hợp với ngành tài nguyên - môi trường cùng Sở Tài nguyên - môi trường đi khảo sát và lấy mẫu nước ở các đoạn sông có cá chết để xét nghiệm. “Đến nay vẫn chưa có kết quả xét nghiệm để biết được nguyên nhân dẫn đến cá chết. Khi có thông tin kết quả thì chúng tôi sẽ cung cấp” - ông Minh nói.
Cá chết hàng loạt trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua. Ảnh: N.Q.VIỆT |
Trước đó, tại nhiều hồ chứa nước, sông suối trên địa bàn tỉnh cũng liên tục xảy ra sự cố cá chết, như ở hồ điều hòa Nguyễn Du (TP.Tam Kỳ), hồ Phước Hà (xã Bình Phú, Thăng Bình). Bà Phạm Thị Hoàng Tâm - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Nam đưa ra nhận định ban đầu là có thể thời tiết thất thường trong thời gian qua đã khiến cho môi trường nước tại các sông, hồ, suối biến động mạnh. Cá chết vì bị sốc môi trường. “Nắng nóng xen kẽ mưa thất thường khiến cá rất dễ chết do không thích ứng kịp với thay đổi đột ngột của môi trường nước. Trong thời gian tới, nắng nóng cường độ mạnh cũng sẽ gây nhiều nguy cơ khác. Vì thế khi có mẫu xét nghiệm, xác định rõ ràng nguyên nhân cá chết, các ngành liên quan sẽ có cảnh báo, điều hòa môi trường nước, ổn định các hệ sinh thái trên sông, duy trì nguồn lợi thủy sản” - bà Tâm nói.
N.Q.VIỆT