Ông bà ta xưa thường khuyên câu “liệu cơm gắp mắm” là để nhắc nhiều điều.
Nhiều mắm ít cơm thì mặn chát lưỡi.
Nhiều cơm ít mắm thì lạt miệng.
Từ lời nhắc của người xưa nghĩ đến chuyện nay, có nhiều chỗ, nhiều việc “bất khả thi” là vì ta cứ cố đề ra chính sách mà không đủ nguồn lực để thực thi. Ví như câu chuyện ở Nông Sơn. Khi Ban Văn hóa – xã hội của HĐND tỉnh kiểm tra giám sát việc thực hiện nghị quyết về chính sách khuyến khích thoát nghèo mới hay rằng dân đang…đòi tiền chính sách. Nguyên do là HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết 119/2014/NQ-HĐND ngày 11.7.2014 về thực hiện chính sách khuyến khích thoát nghèo bền vững giai đoạn 2014 - 2015 trên địa bàn tỉnh. Theo đó, những hộ/thôn thoát nghèo trong năm 2014 – 2015 sẽ được thụ hưởng những chính sách hỗ trợ đặc biệt của tỉnh, như: hỗ trợ 5 triệu đồng/hộ thoát nghèo, hỗ trợ 100% mệnh giá mua thẻ bảo hiểm y tế theo loại hình y tế tự nguyện, hỗ trợ tối đa vốn vay tín dụng 20 triệu đồng/hộ với lãi suất 0% để phát triển kinh tế,… Qua thực hiện, tại xã Quế Trung có 112 hộ và cả huyện Nông Sơn đã có 412 hộ được công nhận thoát nghèo trong năm 2014. Vậy nhưng, đến thời điểm hiện tại, chưa có hộ dân nào được hưởng những chính sách hỗ trợ nêu trên, nghĩa là chưa có hộ nào nhận được 5 triệu đồng hỗ trợ. Oái ăm là khi triển khai thì rầm rộ, huyện xã đều đi vận động và “hứa” với dân về khoản hỗ trợ ấy. Bây giờ chưa có thì sao? Phản ánh của vị lãnh đạo xã Quế Trung cho thấy điều nan giải khi lòng tin của dân bị dao động, vì rằng: “Công nhận thoát nghèo từ tháng 1 nhưng đến nay (tháng 5) người dân chưa được nhận tiền. Họ đến xã đòi miết mà xã không biết phải làm sao. Đó là chưa kể đến những câu chuyện liên quan đến chính sách hỗ trợ bảo hiểm y tế. Khi người dân được công nhận thoát nghèo, họ bị thu hồi thẻ bảo hiểm y tế và phải chờ một thời gian mới được cấp bảo hiểm toàn dân. Nhưng trong thời gian này, có người bị đau phải đi điều trị thì bệnh viện không giải quyết bảo hiểm. Rồi chuyện vay tín dụng, đến nay do ngân hàng chưa có hướng dẫn cụ thể nên người dân vẫn chưa vay được tiền, có hộ đã đến xã… bắt đền”. Trước nguyện vọng chính đáng của dân nêu ra, ông Nguyễn Đình Tâm, Ủy viên Thường trực HĐND tỉnh, than “chưa có tiền trả cho dân là xấu hổ”. Đây chỉ nêu chuyện ở Quế Trung, Nông Sơn, chứ chắc nhiều nơi cũng gặp trường hợp khóc dở mếu dở như thế.
Rõ ràng, chính sách, dù có tính nhân văn khi khuyến khích dân vươn lên thoát nghèo, nhưng nếu nguồn lực không đủ chi trả sẽ làm giảm ý nghĩa rất nhiều. Lại nhớ câu, “tiền vào nhà khó như gió vào nhà trống”, 5 triệu đồng chưa chắc đủ sức làm cái “cần câu cơm” cho người nghèo, nhưng cũng nên biết chữ tín rất quan trọng để khơi dậy niềm hy vọng, động viên họ trong cuộc sống. Và, đặc biệt cũng cần nhắc, giúp cái ngặt chứ ai giúp được nghèo, một đồng đến đúng chỗ kịp thời có giá trị hơn mười đồng khi người ta đã khá giả.
Mắm với cơm, cần phải cân nhắc tỷ lệ tương xứng, hợp lý, để “vừa miệng” người ăn. Rộng ra, trong việc tham mưu, ban hành chính sách cần tính toán khả năng nguồn lực đảm bảo thực hiện để liệu bề triển khai thực thi, nhất quán và khả tín.
NGUYỄN ĐIỆN NAM