Bà Linda Hutchinson Burn (tên gọi tắt Linda Burn), sinh năm 1953, nguyên là một giáo viên người Úc. Bà đến Việt Nam để làm mẹ của hàng trăm đứa trẻ sinh ra trong những gia đình nghèo khó hoặc gặp hoàn cảnh không may mắn, bất hạnh...
Quỹ giáo dục trẻ em (CEF: Childen’s Education Foundation), được đăng ký chính thức tại Úc vào năm 2003 và sáng lập nên bởi bà Linda Burn. Chồng của bà Linda, ông Graeme, là người Úc quản lý tổ chức này ngay từ những ngày đầu thành lập.
Trao cơ hội cho trẻ em gái
“Công việc này nảy sinh một cách tự nhiên”, bà Linda Burn chia sẻ.
Gần 30 năm trước (năm 1998), Linda Burn là người dạy nấu các món ăn Việt Nam ở Sydney (Úc). Học viên của bà mong muốn được tới Việt Nam - đất nước với nhiều vẻ đẹp thiên nhiên và khá phong phú về ẩm thực. Đây chính là cơ duyên để lần đầu bà đặt chân đến đất nước hình chữ S này.
Tại TP.Hồ Chí Minh, Linda Burn gặp 3 đứa trẻ bất hạnh đang ở cùng một ni cô. Lần gặp này đã thôi thúc người phụ nữ Úc cần làm một điều gì đó. Linda Burn bắt đầu quyên góp tiền để hỗ trợ cho những đứa trẻ ăn học.
Bà Linda Burn tâm sự: “Khi biết nhiều gia đình Việt Nam hơn và chứng kiến một số thực tế khắc nghiệt của cuộc sống ở Việt Nam, tôi cũng nhận ra những người phụ nữ đã làm việc vất vả như thế nào, họ mệt mỏi ra sao và hầu hết đều chịu gánh nặng tài chính đè lên vai”.
Linda cũng nhận thấy rằng nhiều bé gái có nguy cơ không được học hành do sự nghèo khó của cha mẹ. Hơn nữa, trong gia đình người Việt, con trai luôn có ưu tiên hàng đầu trong việc lựa chọn khi đi học.
Bà Linda Burn đã muốn giúp các bé gái có cơ hội được học hành để cuộc sống tốt đẹp hơn. Bà cảm thấy rằng, nếu một số cô gái được giáo dục và hoàn thành chương trình trung học, họ sẽ có một tương lai khác với tư cách là những phụ nữ có học thức để có thể thoát khỏi vòng nghèo đói luẩn quẩn của gia đình mình.
“Quỹ Giáo dục Trẻ em (CEF) tự phát xuất phát từ nhu cầu mà tôi thấy ở Việt Nam là giúp các bé gái được học hành và có cơ hội học đại học hoặc học nghề.
Tôi muốn thấy họ có một cuộc sống với những lựa chọn, chứ không phải là cuộc sống hạn hẹp trong sự nghèo đói và hậu quả là cuộc đấu tranh hàng ngày không có lối thoát rõ ràng của gia đình họ” - Linda Burn nói.
Tổ chức CEF ra đời kể từ đó. Hiện tổ chức này cung cấp hỗ trợ giáo dục (và nếu cần sẽ hỗ trợ thêm thực phẩm, chỗ ở và chi phí đi lại) trực tiếp cho các bé gái và phụ nữ trẻ. Ngoài ra, có một số ít trường hợp đặc biệt khó khăn là các bé trai và nam thanh niên.
Sự tập trung của CEF vào giáo dục cho trẻ em gái phần lớn xuất phát từ việc nhiều phụ nữ nghèo ít hoặc không có cơ hội đi học, dù ở cấp tiểu học, trung học hay đại học ; và vì thế, khả năng dễ bị tổn thương bởi những kẻ buôn người và tình trạng nghèo đói trong tương lai cũng tăng lên đáng kể.
Lúc mới hoạt động, quỹ CEF đã hỗ trợ tài chính cho các gia đình có bé gái ( hoặc bé trai mồ côi) gặp khó khăn trong việc chăm sóc con cái và tổ chức các sự kiện khác như tổ chức “Ngày an toàn nước” để dạy lý thuyết về an toàn dưới nước và dạy học sinh cách nổi và bơi... Hiện nay tổ chức CEF vẫn tiếp tục hoạt động với nhiều chương trình hoạt động như tài trợ và học bổng nhằm mục đích giúp các bé gái sinh ra trong các gia đình khó khăn tiếp tục đến trường.
Giáo dục tích cực
Tổ chức CEF từ khi thành lập đến nay đã hướng dẫn và giám sát hơn 250 em gái đến trường mỗi năm, trong đó có hơn 30 em hiện theo học đại học. CEF đã khởi động một chương trình nhằm trao cơ hội cho các em gái trung học và hỗ trợ cho các bé gái tiếp tục học chương trình đại học khi trúng tuyển.
Bên cạnh việc tài trợ cho việc học cho các học sinh và sinh viên, CEF đồng thời tổ chức các hội thảo giáo dục chống buôn bán người cho những học sinh này và nhân viên của tổ chức.
CEF có các chương trình giáo dục tích cực tại tỉnh Quảng Nam hiện nay (trước đó là ở Thái Bình, Hà Nội và Đà Nẵng). Chi phí giáo dục tài trợ cho một trẻ em, tùy theo cấp lớp của chúng ở trường dao động từ khoảng 300 đến 440 USD (7,3 – 10,8 triệu đồng).
Một cuộc sống tươi đẹp cho trẻ em gái bao hàm nhiều ý niệm khác nhau. Linda Burn nói, nếu một bé gái có cơ hội hoàn thành chương trình học phổ thông và đại học, sẽ trở thành một người phụ nữ trưởng thành để có thể tự chăm sóc cho cô ấy và cho cả con cái của cô.
Một cô gái được giáo dục sẽ ít nguy cơ trở thành nạn nhân của việc buôn bán tình dục hoặc bị giam cầm trong các xí nghiệp bóc lột sức lao động công nhân tàn tệ. Giá trị của lòng tự trọng và khả năng độc lập mà việc học mang lại có đóng góp đáng kể cho sự phát triển tích cực của một cá nhân và của chính gia đình, cộng đồng và xã hội của họ.
CEF hiện có văn phòng tại Hội An. Kể từ ngày thành lập đến nay, quỹ đã tổ chức nhiều hoạt động ở Quảng Nam, Thái Bình và một số nơi khác.
Gần đây, với sự giúp đỡ lớn của Rotary International, tổ chức CEF đã cải tạo cơ sở vật chất cho trường nội trú học sinh dân tộc ở huyện Hiệp Đức với mức kinh phí hơn 800 triệu đồng để nâng cấp, sửa chữa toàn bộ hạng mục ở khu nội trú ký túc xá và nhà vệ sinh như: hệ thống la-phông, sơn, điện, nước, nhà ăn tập thể và xây mới toàn bộ khu vệ sinh – phòng tắm, lối đi có mái che...
Công trình hoàn thiện đúng dịp đầu năm học mới 2024-2025, nên 80 em học sinh trường THPT Hiệp Đức là con em đồng bào dân tộc thiểu số nội trú tại đây có chỗ ở khang trang, thông thoáng, khá đầy đủ tiện nghi.
Bắt đầu từ năm 2022, UBND tỉnh Quảng Nam đồng ý phê duyệt khoản viện trợ gần 4,3 tỷ đồng do CEF tài trợ nhằm thực hiện dự án “Hỗ trợ giáo dục trẻ em có hoàn cảnh khó khăn tại Quảng Nam”, thời gian từ 1/9/2022 - 31/8/2025.
Ngôi nhà và hiện là trụ sở của CEF do bà Linda Burn xây dựng ở Hội An. Linda Burn cho rằng ở đây, không khí thật trong lành, không bị ô nhiễm bởi khói bụi, có những con người Việt Nam mà bà thật sự thích.
Điều quan trọng và có ý nghĩa hơn là ở đây, đã có rất nhiều trẻ em gái được bảo bọc, yêu thương, được hỗ trợ, giúp đỡ về tài chính, vật chất để đến trường đi học, mở ra những điều tươi sáng hơn cho tương lai. Một cuộc sống tươi đẹp cho trẻ em gái Việt Nam, là điều mà bà Linda Burn cùng người thân của mình tại Úc mong muốn.