Linh hoạt biện pháp tuyên truyền an toàn giao thông

CÔNG TÚ 17/08/2022 08:40

Công tác tuyên truyền đã chuyển biến đáng kể trong triển khai thực hiện Chỉ thị số 18 ngày 4.9.2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XI, góp phần quan trọng bảo đảm trật tự an toàn giao thông (ATGT) trên địa bàn tỉnh.

Tổ liên ngành cấp tỉnh vừa tuần tra kiểm soát, vừa tuyên truyền pháp luật ATGT đường thủy nội địa. Ảnh: C.T
Tổ liên ngành cấp tỉnh vừa tuần tra kiểm soát, vừa tuyên truyền pháp luật ATGT đường thủy nội địa. Ảnh: C.T

Đổi mới phương thức 

Trước đây, cảnh sử dụng ô tô, mô tô vừa chạy vừa phát loa tuyên truyền pháp luật về trật tự ATGT trên một vài tuyến đường chính ở địa bàn Nam Giang là hoạt động chủ yếu của lực lượng chức năng. Hạn chế của phương pháp này là người dân không nắm bắt hết nội dung chuyển tải.

Kể từ khi thực hiện Chỉ thị số 18 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự ATGT đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông, Huyện ủy Nam Giang đã chỉ đạo Công an huyện đổi mới, đẩy mạnh tuyên tuyền.

Thiếu tá Phan Văn Quang - Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông (CSGT) - trật tự cơ động Công an huyện Nam Giang cho biết, đơn vị đã phối hợp với cơ sở giáo dục tổ chức truyền thông đến học sinh bằng việc đặt ra câu hỏi tình huống, cách giải quyết vấn đề sao cho đúng luật, kết hợp tuyên truyền luật lệ ATGT.

Những hành vi vi phạm thường dẫn tới tai nạn giao thông đối với trẻ em cũng được quay chiếu, tác động trực quan vào ý thức, tạo chuyển biến về nhận thức, hành động đúng đắn nơi chính các em.

Đội CSGT - trật tự cơ động Công an huyện Nam Giang lên tận bản làng xa xôi để trình chiếu hình ảnh minh họa về tai nạn giao thông, trường hợp đi sai làn đường, phần đường, không đội mũ bảo hiểm, tác hại của sử dụng rượu bia, ma túy khi điều khiển phương tiện.

Tại buổi tuyên truyền, các già làng, tộc trưởng, người có uy tín cũng tham gia sôi nổi vào phần hỏi đáp ATGT đường bộ, đường thủy nội địa, tình huống khi lưu thông cần tuân thủ để an toàn. Từ đó, nhiều tộc họ đưa nội dung tuyên truyền ATGT vào giáo dục, răn đe con cháu mỗi khi sinh hoạt tộc họ.

Hình ảnh nữ cán bộ của Phòng CSGT đường bộ - đường sắt Công an tỉnh dù đang trong thai kỳ vẫn tham gia buổi tuyên truyền ATGT nơi học đường từng để lại dấu ấn sâu sắc. Họ là báo cáo viên do đơn vị này tuyển chọn trên cơ sở cán bộ được đào tạo bài bản, am hiểu pháp luật ATGT, có kỹ năng tổ chức hoạt động.

Nhờ đổi mới nội dung và cách thức, hoạt động tuyên truyền của Phòng CSGT đường bộ - đường sắt không theo một chiều, mà chủ yếu giao lưu, trao đổi thông qua ví dụ cụ thể từ thực tế hằng ngày. Qua đó, giúp các em hiểu được hậu quả tai nạn giao thông, từ đó nâng cao kiến thức, ý thức chấp hành pháp luật ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

Với Thanh tra Sở GTVT, công tác tuyên truyền được linh hoạt lồng ghép trong quá trình tuần tra, kiểm soát. Như tại bến đò ngang, ngoài đề nghị cung cấp các giấy tờ pháp lý, thanh tra viên còn nhắc nhở không được chở quá số người quy định, người đi trên phương tiện phải mặc áo phao… Lực lượng chức năng yêu cầu ký cam kết tuân thủ các quy định, nếu vi phạm sẽ bị xử phạt nghiêm.

Xây dựng mô hình

Triển khai thực hiện Chỉ thị số 18, Ban Thường vụ Tỉnh ủy xác định công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về đảm bảo trật tự ATGT là nhiệm vụ trọng tâm, có tính chiến lược nên đã chỉ đạo các cấp, ngành tổ chức hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật với nhiều hình thức đa dạng, phong phú.

Đáng chú ý, công tác tuyên truyền được lồng ghép với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”; cùng các cuộc vận động “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước”, “Xây dựng gia đình văn hóa, tộc họ văn hóa, thôn bản văn hóa”.

Trên thực tế, nhiều đơn vị, địa phương đã xây dựng các mô hình điển hình, phong trào tiêu biểu như “Khu dân cư không có người vi phạm trật tự ATGT” (Thăng Bình), “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước” (Đại Lộc); “Cổng trường ATGT” (Tam Kỳ, Hội An, huyện Thăng Bình, Phước Sơn, Hiệp Đức, Điện Bàn, Núi Thành…); “Đoạn đường tự quản, an toàn” (Quế Sơn, Phước Sơn, Điện Bàn, Núi Thành...).

Những năm trước đây, phụ huynh chờ đưa đón con mình đã chạy xe vào sân trường hoặc dừng ngay trước cổng, tiềm ẩn nguy cơ va chạm, không văn minh nơi học đường. Qua phối hợp giữa ngành giáo dục đào tạo và Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, mô hình “Cổng trường ATGT” được triển khai áp dụng, mang lại thành công và đã nhân rộng.

Thực hiện mô hình này, đoàn viên thanh niên cùng nhà trường tiến hành vận động, giải tỏa các điểm bán hàng rong, tạo lối đi trống trước cổng trường. Vào giờ tan học, đội thanh niên tình nguyện căng dây, đứng hướng dẫn phụ huynh chờ theo vạch đã kẻ sẵn. Từ sân trường, học sinh xếp hàng ngay ngắn đi ra rất trật tự. Các em còn về nhà “tuyên truyền” cho phụ huynh thực hiện theo quy định ATGT trước cổng trường.

Tuổi trẻ Quảng Nam còn áp dụng nhiều mô hình có sức lan tỏa như “Ngã tư an toàn - văn minh”, “Bến đò ngang an toàn”, “Điểm giao cắt đường bộ - đường sắt an toàn”. Tại các “Khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu” ở xã Điện Quang (Điện Bàn), mỗi tuyến đường dọc, ngang đều được giao cho một chi hội tự quản.

“Đoạn đường tự quản, an toàn” do chi hội phụ nữ thôn đảm nhận, không chỉ gắn camera an ninh, lắp điện chiếu sáng mà còn được trồng hoa, cây cảnh và vệ sinh sạch sẽ, tạo nên không gian đáng sống nơi làng quê.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Linh hoạt biện pháp tuyên truyền an toàn giao thông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO