Linh hoạt, chủ động phát triển kinh tế

TRỊNH DŨNG 08/11/2021 06:00

Thời gian không còn nhiều để toan tính cho các chiến lược dài hơi. Chính quyền quyết định tập trung toàn lực để có thể hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch năm 2021, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội .

Hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất là việc quan trọng hàng đầu. Ảnh: T.D
Hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất là việc quan trọng hàng đầu. Ảnh: T.D

Chuyển biến tích cực

Vụ hè thu hoàn tất. Các cánh đồng giờ chỉ để đất nghỉ chờ vụ đông xuân. Ông Phạm Viết Tích - Giám đốc Sở NN&PTNT cho hay, ngành nông nghiệp vẫn giữ được độ ổn định trước các tác động xấu của dịch bệnh, thời tiết...; năng suất lúa tăng 10%. 

Cùng với nông nghiệp, nền kinh tế của tỉnh gần như đã vận hành trở lại bình thường. Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 10 tăng 11,8% so tháng trước. Tăng trưởng nhiều nhất thuộc về ô tô các loại (7,5%), than đá (11%), nước ngọt (14%), thủy sản chế biến (15,3%), quần áo nghề nghiệp (15,5%), thức ăn gia súc (19%)...

Giao thông nới lỏng đã giúp thương mại, du lịch có đôi chút chuyển biến theo hướng tích cực. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng gần 3,7 nghìn tỷ đồng, tăng 10,6% so tháng trước. Các khách sạn cũng đã dần đón được khách khi có đến 15.000 lượt khách lưu trú, tăng 42,6%.

Ông Nguyễn Thanh Hồng - Giám đốc Sở VH-TT&DL nói, Quảng Nam đã được chọn là một trong 5 tỉnh thành đón khách quốc tế từ giữa tháng 11.2021. Các doanh nghiệp nhận nhiều đơn hàng và họ đã sẵn sàng đón khách quay lại Hội An. Ngành du lịch đang xây dựng các “kịch bản” kích hoạt lại một số hoạt động đón khác tham quan khi đủ điều kiện quy định cần thiết và thích ứng an toàn với dịch bệnh.

Dấu hiệu lạc quan có thể nhận thấy là lượng tiền đầu tư đổ vào nền kinh tế bắt đầu gia tăng. Theo hệ thống ngân hàng thương mại, hiện dư nợ cho vay đã hơn 81.589 tỷ đồng, tăng 2,82% và nợ xấu vẫn nằm trong tầm kiểm soát (chỉ 0,73% tổng nợ). Tổng thu nội địa khoảng 14.055 tỷ đồng, bằng 88% dự toán năm và tăng 50%.

Ông Ngô Bốn - Cục trưởng Cục Thuế nói, dù gặp khó khăn gì, chắc chắn hết tháng 11.2021 sẽ hoàn thành kế hoạch thu nội địa và vượt thu ít nhất 1.000 tỷ đồng.

Sau nhiều tháng ngày “án binh bất động”, hơn 402 doanh nghiệp đã tái gia nhập thị trường, mang theo tín hiệu tốt cho nền kinh tế. Song, đầu tư công vẫn là điểm yếu khi không thể gánh vác được sứ mệnh giải cứu nền kinh tế.

Gần 1357,9 tỷ đồng vốn ngân sách phân bổ được điều chỉnh để bổ sung cho các dự án đã quyết toán, hoàn thành, các dự án đang triển khai đã có khối lượng, có nhu cầu vốn hoặc hoàn trả trung ương. Giảm nguồn nhưng tiến độ giải ngân vẫn ì ạch, khi tính đến ngày 31.10 chỉ đạt 59,6% kế hoạch vốn.

Thích ứng hồi phục kinh tế

Chung sống và thích ứng với đại dịch là chuyện đang được đặt ra cho sự vận hành của nền kinh tế.

Ông Lê Quý Đạt - Cục trưởng Cục Thống kê cho hay, xu hướng kiểm soát dịch bệnh và phục hồi kinh tế nhanh ở hai đầu đất nước sẽ tác động tốt đến nền kinh tế địa phương để có thể hàn gắn những gãy đổ sản xuất, kinh doanh. Cơ hội phục hồi còn tùy thuộc vào độ phủ vắc xin.

Hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất là việc quan trọng hàng đầu. Ảnh: T.D
Hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất là việc quan trọng hàng đầu. Ảnh: T.D

Song, đáng lo ngại là giá cả (xăng dầu...) tăng quá cao, kéo theo chi phí tăng sẽ trở ngại cho việc phục hồi kinh tế. Mở cửa, kích cầu du lịch vẫn gặp khó khi xu hướng người dân sẽ ít đi du lịch. Tiêu dùng loại này giảm thì cầu sẽ giảm! Doanh nghiệp cũng rất khó tiếp cận các gói hỗ trợ để có thể phục hồi sản xuất...

Theo khảo sát mới đây của các Sở Kế hoạch - Đầu tư, Công Thương, doanh nghiệp tái sản xuất theo các đơn hàng, nhưng sẽ có sự dịch chuyển, không còn tăng ca. Một số doanh nghiệp vẫn chưa thể gượng dậy sau cú sốc đứt gãy sản xuất.

Ông Nguyễn Hồng Quang - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, cần kế hoạch phục hồi, hỗ trợ doanh nghiệp cụ thể. Không chỉ doanh nghiệp nhỏ rời bỏ thị trường. Các doanh nghiệp lớn cũng đang ngụp lặn trong khó khăn. Nếu không có cơ chế gì thì nguy cơ phá sản sẽ xảy ra, ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế, kể cả hệ thống ngân hàng.

Phục hồi kinh tế lúc này là chuyện quan trọng, phụ thuộc rất lớn và độ phủ vắc xin trên diện rộng. Nhưng tỷ lệ bao phủ vắc xin ở Quảng Nam thấp nên hạn chế tất cả hoạt động không cần thiết. Buông lỏng hoặc chủ quan sẽ nguy hại dẫn đến sụp đổ cả nền kinh tế.

Ông Phan Việt Cường - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy nói, phải toàn lực tăng tốc để đạt tối đa các chỉ tiêu kinh tế - xã hội đề ra. Dự kiến sẽ còn đến 7 chỉ tiêu không thể đạt (tỷ lệ dân số tham gia y tế, bảo hiểm, nước sạch, dạy nghề...). Trách nhiệm này thuộc về các cơ quan quản lý.

Các ngành cần rà soát chỉ tiêu và phải đưa ra được kế hoạch cụ thể để hoàn thành các chỉ tiêu chưa đạt. Gia tăng phòng chống dịch, phủ vắc xin trên diện rộng. Không còn cách nào, phải chung sống, tìm phương pháp giảm thiểu rủi ro, ứng xử linh hoạt, thích ứng phát triển kinh tế với kiểm soát dịch bệnh.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh yêu cầu các cấp ngành đặt việc hoàn thành chỉ tiêu đã đề ra trong kế hoạch lên hàng đầu. Các cơ quan quản lý, chủ đầu tư siết chặt tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư.

Sẵn sàng các kịch bản để có thể vận hành ngay khi nền kinh tế có dấu hiệu hồi phục rõ nét. Triển khai công tác đón khách quốc tế, phục hồi du lịch an toàn và có phương án xử lý dịch bệnh cụ thể. Cố gắng huy động ngân sách, nhưng không gây khó, áp lực cho doanh nghiệp đang tìm cách phục hồi và chi tiêu ngân sách tiết kiệm.

“Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, phục hồi kinh tế là việc quan trọng. Chấm dứt ngay tình trạng cơ quan quản lý không nắm được, không biết gì đến tình hình sức khỏe của doanh nghiệp. Trách nhiệm của cơ quan quản lý là phải tìm mọi cách để biết, phân tích sức khỏe của doanh nghiệp. Họ khó gì, vướng gì, giải quyết ra sao. Phải nắm được mới có hướng chỉ đạo, hỗ trợ họ phục hồi” - ông Thanh nói.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Linh hoạt, chủ động phát triển kinh tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO