Linh hoạt chuyển đổi cây trồng

TƯ RUỘNG 21/07/2015 09:24

Cuối tuần rồi, về xã Phú Thọ (Quế Sơn), Tư Ruộng tình cờ gặp lại anh Bảy Tân Đông Tây. Hỏi đến chuyện làm ăn, người đàn ông 47 tuổi ấy hồ hởi: “Nói chú mi mừng, mấy vụ gần đây nhờ linh hoạt trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng nên giá trị kinh tế trên một đơn vị diện tích tăng mạnh. Có tiền, cuộc sống của gia đình tui đỡ vất vả hơn trước rất nhiều”. Vợ chồng anh Bảy có 4 sào đất canh tác lúa. Tuy nhiên, do nguồn nước tưới quá bấp bênh nên hàng chục năm qua vụ nào năng suất cũng đạt rất thấp, mỗi sào chỉ thu chừng 160kg lúa khô, thậm chí không ít mùa bị mất trắng. Từ đầu vụ hè thu năm ngoái đến nay, anh Bảy chuyển toàn bộ diện tích vừa nêu sang trồng khoai lang theo phương thức chuyên canh. Thực tế cho thấy, hướng sản xuất mới này mang lại hiệu quả tương đối cao. Anh Bảy nói: “Bình quân mỗi vụ 1 sào tui nhổ được 1,2 tấn củ tươi, sau đó làm thành 150kg khoai chà. Bán tại nhà với giá 1kg khoai chà là 20 nghìn đồng thì thu được 3 triệu đồng. Ngoài ra suốt cả vụ, cắt dây khoai bán tui cũng kiếm thêm ít nhất 500 nghìn đồng. Tính ra, 1 sào khoai lang tui bỏ túi không dưới 3,5 triệu đồng, tăng ít nhất 4 lần so với lúa”. Theo tìm hiểu của Tư tôi, hơn một năm trở lại đây tại xã Phú Thọ một số hộ dân cũng chuyển hẳn 40 sào đất lúa khó khăn nước tưới sang trồng khoai lang và hầu hết đều thắng lớn.

Ngược lên xã Quế Phong, Tư tôi thấy vợ chồng chị Ba Thuận Long đang lom khom chăm sóc những ruộng đậu phụng trồng xen canh với sắn. Chị Ba cho biết, năm 2013 trở về trước do nguồn nước tưới chủ yếu dựa vào trời nên 5 sào lúa của gia đình chị thường cho sản lượng lẹt đẹt. Vụ hè thu năm 2014, chị Ba chuyển tất cả diện tích đất lúa sang trồng 2 loại cây vừa nêu. “Năm ngoái, bình quân 1 sào đất tui lặt được 145kg đậu phụng khô, bán với giá 22 nghìn đồng/kg thì thu hơn 3 triệu đồng. Không chỉ vậy, mỗi sào sắn tui nhổ được 1,8 tấn củ tươi, bán với giá 1kg là 1.500 đồng thì kiếm thêm 2,7 triệu đồng. Như vậy, 1 sào đậu phụng xen canh với sắn cho thu nhập cao gấp 6 lần so với sản xuất lúa trước đây. Mùa này, ruộng đậu và sắn cũng đang phát triển rất tốt, hy vọng sẽ tiếp tục bội thu” – chị Ba nói.

Trao đổi với Tư tôi, ông Nguyễn Văn Chín – Trưởng phòng NN&PTNT Quế Sơn cho biết, ngoài 2.927ha lúa chủ động nước tưới thì toàn huyện còn có 1.001ha lúa phụ thuộc nước trời. Nhờ ngành chuyên môn cùng chính quyền các địa phương nỗ lực vận động cũng như thường xuyên tổ chức những khóa tập huấn hướng dẫn kỹ thuật nên trong vụ sản xuất hè thu 2015 này nông dân trên địa bàn huyện đã chuyển 255ha đất canh tác lúa không chủ động nước tưới sang gieo trồng các loại cây công nghiệp ngắn ngày và keo nguyên liệu giấy. Ông Chín chia sẻ: “Nhờ linh hoạt bố trí sản xuất nên mấy năm gần đây giá trị kinh tế trên cùng đơn vị diện tích ở huyện Quế Sơn không ngừng tăng lên. Nếu năm 2010 bình quân 1ha cho nhà nông mức thu nhập 23 triệu đồng thì đến thời điểm này đã đạt xấp xỉ 70 triệu đồng. Đây được xem là một thành công rất lớn trong phát triển nông nghiệp ở địa phương, trước tình hình thời tiết ngày càng diễn biến hết sức phức tạp”.

TƯ RUỘNG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Linh hoạt chuyển đổi cây trồng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO