Chiều 26.10, chủ trì cuộc họp trực tuyến về công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 với 5 địa phương Tam Kỳ, Điện Bàn, Nam Giang, Phước Sơn và Nam Trà My, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân cho rằng, các biện pháp phòng chống dịch không được vượt quá quy định Nghị quyết 128 của Chính phủ, tuy nhiên các địa phương phải linh hoạt hơn nữa, chủ động từ cấp huyện để sớm khống chế dịch.
“Điểm nóng” Nam Trà My
Tâm điểm chú ý của dịch bệnh Covid-19 hiện nay tập trung về huyện miền núi Nam Trà My. Đến chiều 26.10, sau 3 ngày khẩn trương truy vết, ngành y tế đã phát hiện 20 ca khẳng định dương tính với SARS-CoV-2 và 83 ca dương tính qua test nhanh tại địa phương này.
Ông Trần Duy Dũng - Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My thông tin, hiện nay số lượng học sinh chưa được xét nghiệm còn rất nhiều, trong khi người dân ở khu vực Tắk Pỏ do lo lắng đã tập trung về trung tâm y tế huyện xét nghiệm rất đông dẫn đến giãn cách chưa đảm bảo.
Huyện đã tạm dừng một số hoạt động không thiết yếu, quán triệt đội ngũ cán bộ, công chức tạm thời không ra khỏi địa bàn huyện và đề xuất tạm dừng hoạt động vận tải đi đến Nam Trà My.
Theo thống kê của Sở Y tế, đến ngày 26.10, tỷ lệ dân số trên 18 tuổi được tiêm ít nhất 1 mũi vắc xin Covid-19 ở huyện Phước Sơn đã đạt gần 94%, Nam Giang hơn 75%, Tam Kỳ hơn 60%, Điện Bàn đạt gần 60%, huyện Nam Trà My dưới 50%.
Giám đốc Sở Y tế Mai Văn Mười cho hay, nguồn nhân lực y tế chống dịch ở của Nam Trà My khá hạn hẹp trong khi đảm đương nhiều công việc như truy vết, lẫy mẫu, tiêm vắc xin..., nên Sở đã sớm tăng cường nhân sự để “chia lửa” với địa phương.
Để đảm bảo điều kiện chữa trị tốt nhất cho bệnh nhân, các F0 ở Nam Trà My đều được chuyển xuống Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch (Tam Kỳ) và Phòng khám Đa khoa Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc (Điện Bàn).
Ông Nguyễn Văn Văn - Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết, có thể nhận định ca F0 ở Nam Trà My đã trải qua 3 - 4 chu kỳ và nguồn lây ở đây có thể xuất phát từ một trường hợp đã hoàn thành cách ly đủ 14 ngày và phát bệnh sau đó.
“Tình hình khống chế dịch ở Nam Giang và Phước Sơn hiện khá khả quan. Tuy nhiên tại Nam Trà My thì rất đáng lo ngại do người dân tại các thôn, xóm có ca F0 giao lưu rộng, lượng học sinh tỏa về các nóc đông dễ dẫn đến lây lan dịch bệnh rộng hơn” - ông Văn nhận định.
Tại huyện Phước Sơn, số ca mắc mới giảm dần (trong ngày 26.10 chỉ có 1 ca), khó khăn lớn nhất là điều kiện sinh hoạt tại một số cơ sở cách ly tập trung. Tình hình truy vết, khoanh vùng các trường hợp liên quan ở Tam Kỳ và Điện Bàn cũng sớm hoàn thành, không ảnh hưởng nhiều đến hoạt động giao thương, phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương.
Linh hoạt chống dịch
Nam Trà My đang tiến hành phong tỏa hẹp 2 khu dân cư với 29 hộ dân và chuẩn bị phong tỏa thêm một khu dân cư mới do có nhiều học sinh ngoại trú. Học sinh ở các xã Trà Mai, Trà Tập tạm nghỉ học.
Ông Trần Duy Dũng cho biết, huyện sẽ lập thêm 3 khu cách ly tập trung mới và cũng đã dự trữ đủ thực phẩm để chủ động ứng phó với diễn biến của dịch cũng như tình hình thời tiết phức tạp.
Ông Lê Quang Trung - Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn cho hay, để giảm tải các khu cách ly tập trung, huyện đã cho nhiều trường hợp F1 đủ điều kiện được cách ly tại nhà nhằm hạn chế lây chéo.
Trong khi đó, ông A Viết Sơn - Chủ tịch UBND huyện Nam Giang cho hay, các trường học ở vùng cao hơn không ảnh hưởng vẫn tổ chức học khép kín bình thường, một số trường học ở vùng thấp hơn có liên quan đến F0 thì tiến hành học trực tuyến hoặc tạm nghỉ.
Đại diện lãnh đạo một số địa phương đề xuất cần sớm hỗ trợ thành lập khu điều trị tại chỗ để tránh tình trạng vận chuyển lượng lớn bệnh nhân về đồng bằng mất nhiều thời gian cũng như nguy cơ ách tắc giao thông trong mùa mưa bão.
Để tránh tình trạng không đồng nhất về quy định cách ly, nhất là cách ly người về từ phía nam, bà Nguyễn Thị Thúy Hằng - Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn kiến nghị tỉnh cần có văn bản chính thức hướng dẫn việc cách ly với người về từ vùng xanh, vùng vàng nhằm đúng theo quy định của Nghị quyết 128 của Chính phủ, giải tỏa thắc mắc trong người dân.