Linh hồn của thực hành duy tân

PHAN THANH HẬU (Còn nữa) 23/12/2015 08:44

Trần Quý Cáp sinh năm 1870 tại làng Bất Nhị (nay thuộc xã Điện Phước, thị xã Điện Bàn). Thuở nhỏ tên là Trần Nghị, sau đổi thành Quý Cáp, tự Dã Hàng, Thích Phu, hiệu Thai Xuyên. Cha là Trần Nhượng, một nông dân cày ruộng có học thức, mẹ là người họ Phan ở Phong Thử, Điện Bàn.

Từ nhỏ Trần Nghị đã tỏ rõ tư chất thông minh, sáng dạ, đẹp người, tốt tính; sớm có lòng yêu nước và nghĩa khí. Năm 1882, khi chớm vào đời, ông đã cùng đồng bào, sĩ phu cả nước ngậm ngùi tiếc thương và tham dự lễ tang danh tướng, danh thần Hoàng Diệu - người quyết tử bảo vệ thành Hà Nội khi Pháp tấn công năm 1882. Ba năm sau, Trần Nghị lại được trông thấy ngọn cờ Cần vương phất phới và đọc được nhiều bài hịch cứu quốc dán khắp nơi ở các đình chùa. Dù là con nhà nghèo phải bận rộn lo việc nông trang cùng gia đình, song nhờ ham học và tư chất thông minh lạ thường, lại ở gần nhà cụ Phụ đạo Nguyễn Thành Ý (1820 - 1897), năm 20 tuổi (1889) Trần Nghị đã nổi tiếng đọc sách chuyên cần, biết được nhiều chuyện đông tây - kim cổ và là một nho sinh hăng hái đi khắp vùng diễn giải “Hịch Văn thân” của Nghĩa hội Quảng Nam cho nhiều người biết và làm theo, được các bạn đồng song nể phục, yêu mến.

Do biết rõ tài học của Trần Nghị nên năm 1895, Đốc học Quảng Nam Mã Sơn Trần Đình Phong nhận ông vào học trường Thanh Chiêm (trường tỉnh, đi học được ăn lương) và cho đổi tên là Trần Quý Cáp, tự Dã Hàng, lại có biệt tự Thích Phu, hiệu Thai Xuyên. Khi học ở trường Thanh Chiêm, ông cùng với 5 người khác đã nổi tiếng học giỏi, thông minh, gồm: Phạm Liệu (1872 - 1936), Nguyễn Đình Hiến (1872 - 1947), Phan Châu Trinh (1872 - 1926), Huỳnh Thúc Kháng (1875 - 1947), Phan Quang (1873 - 1939). Bản thân ông sống dân dã, mực thước, ngăn nắp, tính tình kín đáo, ít nói, ít cười. Từ dân dã, sĩ phu, quan trường, học sinh… ai ai cũng mến phục ông.

Mặc dù học hành xuất chúng nhưng con đường thi cử của ông lại rất lận đận. Mãi đến năm 1897, ông dự thi Hương, đỗ tú tài, nhưng rớt cử nhân trong khoa thi Hội 1898 phải về học lại ở Trường Đốc tỉnh nhà. Trong thời gian này, ông đã có những sáng tác văn học có giá trị, trong đó có bài phú “Hoàn Bích quy Triệu” (trả ngọc bích về cho nước Triệu). Đây là áng hùng văn bộc lộ tâm chí hào hùng, nhiệt tâm cứu nước của người quốc sĩ. Năm 1898, thân phụ ông lâm bệnh, ông phải ở nhà lo chăm sóc, phụng dưỡng. Năm sau thân phụ mất, ông ở nhà cư tang và phụng dưỡng mẹ già, dạy học. Học trò theo ông học rất đông, trong đó có nhiều người đỗ đạt cao.

Năm 1903, một lần nữa ông thi rớt cử nhân tại kỳ thi Hội, nhưng tiếng tăm, nhất là tư chất của ông được nhiều người kính nể. Vì thế mà năm 1904, ông được đặc cách của triều đình cho dự thi Đình (vì theo quy định, chỉ những người đỗ cử nhân mới được thi Đình) và ông đã đỗ Đệ nhất tiến sĩ khoa Giáp Thìn, cùng khoa với Đặng Văn Thụy (Nghệ An) và Huỳnh Thúc Kháng (Quảng Nam). Nhưng Trần Quý Cáp không coi đó là phương tiện để ông tiến thân mà chỉ là một cách để tự khẳng định mình, quan trọng hơn là để giúp ông hoạt động cứu nước. Từ đó ông đem kiến thức và sở học của mình cùng một số bạn hữu có cùng chí hướng thực thi việc nâng cao dân trí, vận động cải cách xã hội.

Năm Trần Quý Cáp đỗ tiến sĩ cũng là thời gian Duy tân hội do Sào Nam Phan Bội Châu (Nghệ An) và Tiểu La Nguyễn Thành (Quảng Nam) sáng lập đã ra đời tại phủ Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam với chủ trương “giành lại nước đã mất không chỉ bằng sức mạnh bạo động mà bằng cả sự cầu viện nước ngoài (nước Nhật)”. Cũng thời gian này, tư tưởng duy tân - cải cách do Phan Châu Trinh (Quảng Nam) chủ xướng đã manh nha ra đời trên đất Quảng Nam.

Cũng trong năm 1904, ông cùng Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng lên tận các vùng rừng sâu nước độc, núi non hiểm trở như đèo Le, Tí, Sé, Dùi Chiêng để tuyên truyền, cổ động phong trào Duy tân. Và vào một ngày đầu tháng hai năm Ất Tỵ (1905), Phan Châu Trinh (đã từ quan), Huỳnh Thúc Kháng và Trần Quý Cáp (cáo bệnh không ra làm quan) cùng nhau thực hiện chuyến “Nam du” qua các tỉnh duyên hải miền Trung vào tận Nam Trung Bộ và Nam Bộ nhằm tận mắt quan sát tình hình, nhận xét những sự kiện xảy ra ở từng địa phương để có thể áp dụng chương trình hành động sau này. Đồng thời vận động phong trào Duy tân, kết giao chí sĩ yêu nước. Đây là lần đầu tiên các nhà hoạt động cách mạng văn hóa có một phương pháp làm việc mới mẻ bằng cách đi thực tế, nhận xét tại chỗ. Trong chuyến “Nam du”, lúc đi qua tỉnh Bình Định, ba người ở lại chơi nhà Nguyễn Quý Anh là con của Nguyễn Thông (1827 - 1884, quan nhà Nguyễn và là danh sĩ Việt Nam ở nửa đầu thế kỷ XIX) tại thành Đồ Bàn có quen biết với Trần Quý Cáp, đang ngụ học tại trường tỉnh Bình Định. Nhân gặp kỳ khảo hạch thí sinh, các sĩ tử tập trung khá đông, ba ông đã mượn tên Đào Mộng Giác (anh chàng họ Đào đã tỉnh mộng, lúc bấy giờ họ Đào là một họ lớn ở Bình Định) rủ nhau cùng làm bài, nộp quyển. Theo đề bài, các ông làm bài thơ (đề ra “Chí thành thông thánh”, do Phan Châu Trinh chấp bút) và bài phú (đề ra “Lương Ngọc danh sơn”, do cụ Huỳnh và cụ Trần chấp bút), nội dung phê phán lối học từ chương, khoa cử, lên án chính sách ngu dân, bần cùng hóa dân ta của chính quyền đương thời, thái độ dửng dưng của học trò nhà Nho quên mất thực trạng xã hội lúc bấy giờ. Đây là một hành động vô cùng táo bạo và mới lạ trong việc bài xích khoa cử, phản kháng chế độ; vừa là một thái độ thách thức nhà cầm quyền, vừa là tiếng sét nổ tung giữa bầu trời vẩn đục vì cái học “từ chương” đã làm mai một nhiều nhân tài.

Sau khi tuyên truyền, cổ động và thực hành hơn một tháng, hai ông Trần Quý Cáp và Huỳnh Thúc Kháng trở lại Quảng Nam, còn Phan Châu Trinh ở lại Phan Thiết cùng với  các chí sĩ Bình Thuận thành lập Công ty Liên Thành (Hội Liên Thành) và Trường Dục Thanh (giáo dục thanh niên, nơi mà năm 1910 trên đường vào Sài Gòn tìm đường cứu nước, Nguyễn Tất Thành đã ở lại dạy học một thời gian).

Trở lại Quảng Nam, từ một tiến sĩ Hán học, giác ngộ chủ thuyết duy tân, ông đã trở thành con người khác, đến mức bị một số người cho là “đã phát cuồng”. Trần Quý Cáp giúp đỡ những người cùng chí hướng lập các nông hội, thương hội, xây trường học…, hô hào thay đổi cách học, thi cử cho phù hợp với tình hình mới. Ông đi nhiều nơi trong tỉnh, đánh trống nhóm họp dân, say sưa diễn thuyết về duy tân, khuyến khích tân học, chủ trương cuộc cách mạng “dân trí, dân quyền, dân chủ”...

PHAN THANH HẬU
(Còn nữa)

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Linh hồn của thực hành duy tân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO