|
Phong trào Duy tân đã được phát động ồ ạt không chỉ riêng trong tỉnh Quảng Nam mà cả những tỉnh Nam Trung Bộ. Thương hội là một hoạt động khá sôi nổi của phong trào, đó là việc làm cần thiết để phát triển kinh tế và giành lại phần nào quyền lợi trong tay ngoại quốc. Các Hợp thương Phong Thử, Điện Phong, Thương cuộc Hội An, Phú Lâm được thành lập có tổ chức quy củ nhằm thoát khỏi tình trạng thương nghiệp lạc hậu, tư bản thiếu hụt để hiện đại hóa thương nghiệp, vừa đảm bảo việc sản xuất quốc nội vừa cạnh tranh với nước ngoài. Thương hội không chỉ tổ chức trong tỉnh nhà mà còn mở rộng ra các tỉnh khác như Hợp thương ở Huế, Triều Dương ở Nghệ An, Công ty Liên Thành ở Phan Thiết… làm cho triều đình Huế và thực dân Pháp rất lo sợ, đến nỗi chính quyền Nam triều phải ra lệnh cấm ông diễn thuyết.
Năm Bính Ngọ (1906), theo lời khuyên của bạn bè, đồng chí, ông ra nhận chức Giáo thụ phủ Thăng Bình (gồm cả Thăng Bình, Quế Sơn và một phần Duy Xuyên ngày nay). Với cương vị này, ông có điều kiện cùng các tổ chức thực hành công cuộc duy tân mang lại kết quả rất khả quan. Thời gian này ông đã làm một cuộc duy tân “cải cách giáo dục theo tân học”. Ngoài chương trình cũ có sửa đổi, ông mở trường mời những người biết chữ Quốc ngữ, tiếng Pháp về dạy cho học trò. Ông đưa ra chủ trương “Học đủ cả: mọi người, mọi giới, mọi nền văn minh của các dân tộc”. Từ đó, chủ trương này lan nhanh ra các trường ở trong tỉnh như Diên Phong, Phú Lâm, Phước Bình… Điều này trái ngược hẳn với ý tưởng những người theo phái bảo thủ của triều đình và chính sách “ngu dân” của thực dân Pháp. Do đó, đã nảy sinh mâu thuẫn gay gắt giữa các nhà Duy tân với triều đình và thực dân Pháp.
Các hoạt động hết sức đặc sắc, độc đáo, nổi bật, nhưng cũng hết sức công khai, quang minh chính đại của ông đã làm cho thực dân Pháp và triều đình nhà Nguyễn không còn có thể chịu đựng được nữa. Nhận ra nguy cơ về những hoạt động của ông, cộng với âm mưu của bọn thống trị là chia cắt ông ra khỏi Huỳnh Thúc Kháng, các chí sĩ và “cái hùng” của dân Quảng Nam, nên chúng đã đổi ông vào làm Giáo thụ ở phủ Ninh Hòa (tỉnh Khánh Hòa) và chúng âm thầm tìm cơ hội loại trừ.
Năm 1908, sau khi ông vào Ninh Hòa hơn một tháng, những hạt giống mà ông đã gieo trên đất Quảng Nam như Nông hội, Thương hội, các cuộc diễn thuyết, mở trường dạy Quốc ngữ, tiếp Pháp, cúp tóc ngắn, vận Âu trang… đã bùng lên bằng một cuộc “đại biểu tình”. Điểm xuất phát từ làng Phiếm Ái (Đại Lộc), sau đó lan ra toàn tỉnh với hàng nghìn người ùn ùn kéo về tỉnh lỵ kháng thuế cự sưu, là cuộc biểu tình vĩ đại trong lịch sử cách mạng Việt Nam. Từ đó, phong trào biểu tình vùn vụt lan rộng đến những vùng lân cận và các tỉnh miền Trung từ Nghệ Tĩnh đến Bình Thuận, tỉnh nào cũng có hiện tượng như Quảng Nam: với cái đầu hớt tóc ngắn, xưng gọi nhau bằng đồng bào, vận quần áo âu tây… Sự kiện lịch sử này không những vang dội trong nước mà tiếng tăm sang cả nước ngoài, tạo nên một ngả rẽ quan trọng trong lịch sử đấu tranh của dân tộc ta. Nhưng phong trào đã bị thực dân thẳng tay đàn áp bằng bạo động rất dã man. Một số nhà lãnh đạo may mắn sống sót thì bị đày đi Lao Bảo, Côn Đảo (trong đó có Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Cao Vân…), hoặc an trí.
Trong khi đó, tại Khánh Hòa - tỉnh duy nhất của miền Trung không nổ ra các cuộc biểu tình phản kháng - tuy Trần Quý Cáp đương chức Giáo thụ ở phủ Ninh Hòa, nhưng bọn quan Nam triều đầu tỉnh Khánh Hòa là Án sát Nguyễn Văn Mại và Bố chánh Phạm Ngọc Quát theo mật lệnh của Khâm sứ Trung ỳ, đã câu kết với tên Công sứ Pháp ở đây bắt giam ông. Chúng buộc ông tội “đại phản nghịch, xúi dân làm loạn”, kết án “mạc tu hữu”, nghĩa là không cần có tội. Bởi quá lo sợ cái “tầm ảnh hưởng” của Trần Quý Cáp mà chúng nhân cơ hội này trừ khử một con người nghĩa dũng, trí lược như ông.
Trần Quý Cáp đã ngã xuống dưới lưỡi gươm bạo tàn “yêu trảm” (chém ngang lưng) của tay sai phong kiến thực dân với bản án “mạc tu hữu” ngày 17 tháng 5 năm Mậu Thân (nhằm ngày 15.6.1908) tại cây đa làng Mức (gò Chết Chém), gần cầu Sông Cạn, sau đổi thành cầu Phước Thạnh (nay là cầu Trần Quý Cáp, thuộc tổ 5, thị trấn Diên Khánh, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa).
Cái chết của ông đã gây xúc động mạnh trong nhân dân và sĩ phu cả nước. Phan Bội Châu trong bài điếu văn Trần Quý Cáp, đã viết: “Nhớ khi ông tới trường chém, dao đã kề cổ, còn ung dung xin với quan giám trảm cho đặt án, đốt hương, áo mão nghiêm trang, bái tạ quốc dân năm bái, rồi khẳng khái tựu hình, sắc mặt in như khi nhóm trò giảng sách”. Còn Phan Châu Trinh trong “Trung Kỳ dân biến thỉ mạt ký” thì cho “cái án ấy có 8 điều oan và 6 điều gian”.
Thi hài của Trần Quý Cáp tạm táng ở khu vực gò Chết Chém. Đến năm 1925, môn đệ của ông là Trần Huỳnh Sách cùng thân nhân đưa di hài ông về cải táng tại nghĩa trang Gò Bướm, làng Bất Nhị quê nhà. Khi đưa di hài ngang qua Bình Định, Nguyễn Đình Hiến, lúc bấy giờ đang làm tri phủ ở đó, đã lập hương án trước dinh của mình, khăn áo chỉnh tề nghinh đón bái khóc, khiến người qua lại đều sụt sùi cảm động.
Năm 1938, nhân dân Quảng Nam đã quyên góp xây dựng lại lăng mộ ông khá khang trang. Năm 1994, lăng mộ ông được chính quyền Điện Bàn và gia đình, gia tộc Trần Văn làng Bất Nhị xây dựng lại theo kiến trúc cũ ở Khánh Hòa.
Năm 1970, tại Khánh Hòa, nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông, thân hào và nhân dân thị trấn Diên Khánh, huyện Diên Khánh đã chung sức, tiền của xây Đền tưởng niệm Trần Quý Cáp.
Hiện nay, Lăng mộ Trần Quý Cáp đã được xây dựng khang trang tại làng Bất Nhị (nay là thôn Nhị Dinh 1, xã Điện Phước, Điện Bàn). Vào năm 2000 Lăng mộ Trần Quý Cáp đã được Nhà nước công nhận Di tích Lịch sử văn hóa cấp quốc gia (theo Quyết định số 16/2000/QĐ-BVHTT ngày 21.8.2000 của Bộ Văn hóa - thông tin, nay là Bộ VH-TT&DL).
Trần Quý Cáp là một nhà chí sĩ đã hiến dâng cả đời mình cho Tổ quốc, cho nhân dân. Ông qua đời lúc mới tròn 38 tuổi. Sự hy sinh cao cả của ông khiến cho toàn thể nhân dân Việt Nam vô cùng kính phục, tiếc thương.
Thắp nén hương lòng dâng lên tưởng niệm 145 năm ngày sinh Thai Xuyên Trần Quý Cáp (1870 - 2015), tin tưởng rằng, tấm lòng yêu nước, tư tưởng canh tân nền văn hóa giáo dục của dân tộc và nhân cách khẳng khái, trong sáng vì nghĩa cả của cụ Trần Quý Cáp sẽ mãi mãi là tấm gương sáng ngời cho muôn đời con cháu noi theo.
PHAN THANH HẬU