Có cái gì đó, như một cơn rùng mình nhẹ lướt qua, làm tôi giật mình tỉnh giấc. Mắt tôi như được bao quanh bởi một màn sương sáng loáng, vừa mơ hồ vừa choáng ngợp. Thân thể tôi nhẹ tênh. Tôi từ từ ngồi dậy. Bên cạnh tôi, đứa con gái đang gục đầu vào chiếc giường chăn nệm trắng tinh, thở đều, khóe miệng chảy dòng nước bọt, đã khô. Nó có thói quen rỉ nước bọt khi ngủ say, từ hồi còn nhỏ.
Chung quanh tôi là một màu trắng toát.
Đêm qua, lúc 10 giờ, tôi nghe một cơn nhói đau trong ngực. Cơn đau kéo dai dẳng và bất an đến mức tôi phải kêu đứa con gái ở riêng gần đó qua nhà đưa tôi vào bệnh viện. Bác sĩ nói tôi bị hẹp động mạch gì đó, yêu cầu tôi nhập viện để phẫu thuật gấp. Ông cho đưa tôi vào phòng mổ, chích cho tôi mũi thuốc. Tôi mê đi…
Bất chợt, tôi thấy mẹ tôi. Bà qua đời cách đây hàng chục năm, tự nhiên tôi lại thấy bà ở đây. Bà tươi cười vẫy tay với tôi, âu yếm xoa đầu tôi. Tôi nhìn lại, thằng con trai vẫn ngủ say, bên cạnh một người dáng rất quen đang nằm yên, mắt nhắm nghiền. Tôi giật mình kinh hãi, sao người nằm đó lại là tôi.
Trong tâm trí tôi, như có luồng điện xẹt qua. Tôi bay lơ lửng trong lúc thân xác tôi vẫn nằm đó. Như có nỗi niềm u uẩn chất chứa hàng trăm năm trỗi dậy, nổ bùng. Không nén được, tôi bật khóc tức tưởi, nước mắt tràn ra như thác. Mẹ tôi ôm lấy tôi. Tôi vùng vẫy trong một cảm giác đau đớn, tuyệt vọng…
Tôi mới vừa bảy mươi tuổi, còn khỏe mạnh, sao tôi lại ra đi? Cuộc đời tôi còn dài, còn ngổn ngang, sao lại nỡ cắt đứt của tôi lúc này? Ý nghĩ đầu tiên lướt qua đầu tôi là lô hàng tôi mới nhập về hôm qua, chưa kịp bán, làm sao thu được vốn đây? Rồi trưa nay, chiều nay, ai sẽ là người nấu cho chồng tôi ăn?
Tôi phần nào hình dung được vẻ thất vọng của thằng cháu ngoại mỗi lúc về thăm, gọi bà ngoại ơi bà ngoại ơi mà không thấy ngoại, vẻ hụt hẫng của đứa con gái chút nữa tỉnh dậy thấy mẹ không còn nữa, nó sẽ ra sao.
Sao tôi lại ra đi đúng lúc này, khi tôi còn chưa chuẩn bị được gì, chưa kịp dặn dò gì với chồng tôi, với con gái tôi. Trước đây, thỉnh thoảng tôi vẫn đi xa vài ngày, mỗi lần đi là dặn dò chồng con đủ thứ, vẫn không thấy yên tâm. Lần này là lần đi xa vĩnh viễn của tôi rồi…
Tôi thấy con gái đang ngồi trên xe cứu thương đưa tôi về nhà, đầm đìa nước mắt. Tôi cũng thấy luôn khuôn mặt của chồng tôi, mặt ướt nhòe, đau đớn. Rồi cả thằng cháu ngoại đang níu áo ba nó, mếu máo, thấy thằng con rể, sao giờ này mà nó vẫn chưa đi làm. Có chuyện gì mà cả nhà tụ tập đông đủ thế này.
Thốt nhiên, tôi nhận ra căn nhà nhỏ bé của tôi đang nhuốm một màu tang tóc. Tôi vẫn còn đây mà. Giữa nhà là hình dáng một người đàn bà vừa được đưa về từ bệnh viện, mắt nhắm nghiền, khuôn mặt hằn sâu nét khắc khổ, ưu tư.
Là tôi đó sao? Tôi hoảng hốt chạy quanh nhà, tôi khóc, tôi hét, tôi lay mạnh chồng tôi, con gái tôi. Tôi còn đây mà, nhưng sao không có ai nhận ra tôi, không ai có biểu hiện gì là nhận ra sự hiện diện của tôi. Tôi đâu có vô hình, tôi đâu có biến mất, sao không ai thấy tôi?
Tôi đi quanh nhà, tôi lay từng người, rũ rượi cả người vì mệt mỏi, kiệt sức. Mấy ngày liền, tôi cứ vật vờ như thế, tôi như ở trong một thế giới khác, thấy chồng con, cháu ngoại mình đó mà không thể ôm, không thể chạm tới, không nói năng gì được.
Mẹ tôi, ba của tôi, ba tôi qua đời trước mẹ tôi mấy năm, vài người bà con, bạn bè quen biết, đã mất từ lâu, bây giờ lại quây quần chung quanh, vỗ về, an ủi tôi. Tôi không muốn chết, sao lại bắt tôi chết lúc này. Tôi khóc đến lịm người đi, kiệt sức, sao không một ai nghe thấy tôi?
Sau ba ngày thân xác tôi ở nhà, sau cái bàn thờ nghi ngút khói hương, chung quanh là cơ man vòng hoa lớn nhỏ, tôi nằm im đó chứng kiến họ hàng người quen bạn bè hàng xóm lần lượt ghé thăm, chia buồn, rồi cũng đến lúc cả nhà đưa thân xác tôi ra đi.
Lúc tiễn biệt, tôi nhận ra một vị sư quen, vị sư này trụ trì ngôi chùa gần nhà tôi, lúc này đang đứng tụng kinh cầu an bên chiếc bàn thờ có tấm ảnh tôi trên đó. Trước bàn thờ là chồng con tôi, cháu nội tôi đang quỳ rạp. Tôi có cần gì đâu, sao mọi người lại quỳ rạp thế kia. Vị sư nói đôi điều gì đó về buông bỏ, về cuộc chia ly không thể tránh được của một đời người, ông khuyên tôi hãy yên lòng mà ra đi.
Làm sao tôi có thể yên lòng mà đi được khi căn nhà này từ đây chỉ có một mình chồng tôi, lủi thủi, đơn độc, cơm nước không ai lo, đau ốm không ai chăm sóc. Ai sẽ nhắc ảnh uống thuốc huyết áp mỗi ngày? Rồi chẳng may có lúc ảnh phải nhập viện, ai sẽ ra vô kề cận?
Tôi biết, tai của chồng tôi bị ảnh hưởng di chứng hồi chiến tranh do sức ép của bom nổ, thỉnh thoảng ảnh phải nhập viện chữa tai, không có tôi rồi ảnh sẽ sống ra sao? Dẫu sao, cũng đã sống với nhau một đời, ra vào có nhau. Tim tôi thắt lại…
Con gái tôi nữa, rồi không còn tôi, nó sẽ ra sao? Nhìn bề ngoài, nó là đứa lạnh lùng, hay nhăn nhó, hay ca cẩm vô lối. Nó hiếm khi ngọt ngào với ai, ít khi biểu lộ hay bày tỏ, nên ít ai biết nó thương ai ghét ai.
Nhưng nó là đứa biết nghĩ, một mình nó xoay quần, việc cơ quan, việc gia đình, nó không để tôi thiếu thốn cái gì. Bận rộn như thế nhưng thi thoảng, nó vẫn thu xếp rủ tôi đi chơi chỗ này chỗ nọ. Thấy tôi lần khần, nó mắng tôi sa sả. Đi chơi thì cũng vui, nhưng tốn tiền của nó, tôi xót lắm. Nó có phải là đứa giàu có gì cho cam.
Nó hay nói với tôi: Mẹ hà tiện làm chi, chết đi, hột nút áo cũng bỏ lại, bỏ của cải lại không ai hưởng. Nghe nó nói, tôi chỉ cười nhạt: Tao còn khỏe mà, còn lâu mới chết. Có ngờ đâu, cái chết như một lưỡi dao lướt qua tôi, bất ngờ, tắt phụp.
Tôi nghĩ đến con gái và thấy xót xa. Con gái ơi, mẹ biết không còn mẹ, con sẽ khổ nhiều. Ba con, cả nhà mình, nhà chồng con nữa, gặp phải chuyện gì thì con cũng là đứa nhảy ra cáng đáng, gánh vác hết thôi. Con cứ lẳng lặng gánh vác một mình, im lặng chịu đựng, im lặng nén lại.
Mẹ biết, những lúc như thế, cả người con cứ như một khối lửa, chực chờ nổ bùng. Nhiều lúc con gái của mẹ khô khan, nóng nảy, làm chồng con buồn. Nó nhường nhịn con nhiều mà con không biết đó thôi. Mình là đàn bà, chuyện gì thì cũng phải nhún nhường, mềm mỏng mới được. Chồng con vốn là đứa tốt tính, dù cũng có lúc vô tâm. Suy cho cùng, đàn ông người nào mà chả vô tâm…
Tôi theo thân xác tôi ra nghĩa trang. Từ đây, ngôi mộ này sẽ là nhà của tôi, tôi chỉ được về nhà vào những ngày giỗ, tết. Thân xác tôi nằm yên ở đây, nhưng tôi biết linh hồn tôi sẽ lưu luyến quẩn quanh nơi căn nhà cũ, bên cạnh chồng con tôi, cháu ngoại của tôi.
Căn nhà là do một tay vợ chồng tôi dựng nên, là nơi tôi sinh con gái, nơi tôi gả con gái lấy chồng, nơi tôi đón đứa cháu đầu tiên… Lòng tôi vấn vương nhiều lắm, làm sao có thể buông bỏ hết mà ra đi được.
Bây giờ thì tôi hiểu, ngay cả khi chết đi, đời mình kết thúc rồi, mình thành vô tri vô giác rồi, thì lòng mình vẫn đau đáu. Bởi không thể nào hết yêu thương, nguôi đi nhung nhớ cuộc đời của mình, những máu thịt mình để lại...
*
* *
Tôi trở về nhà trong ngày giỗ đầu, cảm giác hạnh ngộ không diễn tả được thành lời. Ngậm ngùi, nôn nao, hồi hộp, bồi hồi, luyến tiếc. Suốt năm qua, từ ngày tôi ra nghĩa trang, chiều nào con gái tôi cũng ra thăm mộ mẹ.
Nó chỉ ra đó, ngồi lặng bên tôi, nhìn buổi chiều tắt nắng cho đến khi tối mịt. Một năm trôi qua, nỗi buồn như vẫn còn nguyên đó, thương nhớ vẫn còn đó, nhưng ít ra, niềm u uẩn đã vơi đi. Nhìn vào mắt con gái, đã thoáng thấy sự an lành.
Cả nhà tề tựu đông đủ, chồng tôi, con gái tôi, cháu ngoại, con rể ngồi quây quần bên nhau chan hòa, trầm mặc nhưng ấm áp. Đứa con gái của tôi phụ trách việc nấu mâm cơm giỗ đầu của tôi, nó chủ tâm chọn những món mà sinh thời tôi thích. Chồng tôi, sau một năm, nhìn ảnh trầm lặng hơn, trong ánh mắt vẫn không giấu được nỗi niềm đau đáu lắng sâu…
Đêm qua, tôi bay về ghé thăm con gái, ghé qua ngôi nhà nhỏ của vợ chồng nó. Con gái tôi đang ngồi coi ti vi với chồng nó, nó đã hẹn với chồng từ mấy ngày trước là hai vợ chồng sẽ đưa nhau về nhà trong ngày giỗ đầu của mẹ.
Hai vợ chồng nó đang coi phim trên ti vi, ti vi đang chiếu cuốn phim tài liệu về một nhà ngoại cảm người Mỹ. Nhà ngoại cảm này có thể giúp người ta “thấu thị”, tức là gặp và nói chuyện với một người thân đã qua đời của họ.
Con gái tôi quay lại nói với chồng nó: Trên mạng có thông tin của nhà ngoại cảm này không, làm sao liên lạc với ổng được đây? Một lúc sau, lại nghe nó nói, giọng sũng nước: Em muốn gặp ổng quá!
Tôi lặng người, ngỡ ngàng nhìn đứa con gái. Nó vốn ít khi tâm sự bày tỏ điều gì. Hôm nay, nó đã nói ước muốn ra thành lời, lại nói không chỉ một lần. Nhìn sắc mặt con gái, tôi hiểu, trong lòng nó đang có điều nung nấu. Nó ước được gặp tôi, được nói chuyện với tôi. Trời ơi!
Tôi muốn ôm chặt con gái mình, nói với nó rằng: mẹ vẫn ở đây, mẹ đâu có đi xa. Mẹ vẫn bên cạnh con, từng giờ từng phút.
Mẹ vẫn bình yên bên con, linh hồn mẹ đã hóa thành mây trắng…