Linh hồn tiếng Việt

CHÂU NỮ 20/03/2022 06:47

Tôi nghĩ mình may mắn khi có cơ hội đọc một số quyển sách về ngôn ngữ của Giáo sư Cao Xuân Hạo. Nhờ vậy tôi hiểu hơn, thêm yêu tiếng nước mình và cảm nhận sự đóng góp rất lớn của ông trong việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt.

Một tác phẩm của Giáo sư Cao Xuân Hạo.
Một tác phẩm của Giáo sư Cao Xuân Hạo.

Giáo sư Cao Xuân Hạo từng trăn trở: “Một dân tộc đã đánh mất cái linh hồn nằm sâu trong tiếng mẹ đẻ của nó liệu còn có thể giữ được cái bản sắc độc đáo trong nền văn hóa dân tộc được không?...”.

Mạnh hơn bão táp

Bàn về từ Hán - Việt và thuần Việt, Cao Xuân Hạo cho rằng, cái phong vị trang trọng, bác học, thi vị… của từ Hán - Việt đã cám dỗ những người làm công tác tuyên truyền vận động quần chúng thời trước (kiểu như thay vì nói “đi thăm”, “đi xem” thì người ta thích nói “tham quan” hơn…).

Vì lẽ đó, hồi kháng chiến chống Pháp, trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, Bác Hồ nhắc nhở cán bộ dùng từ ngữ thích hợp với quần chúng, nói với quần chúng cần giản dị, dễ hiểu, bình dân, không nên dùng từ ngữ sang trọng, bác học.

Giáo sư Cao Xuân Hạo (1930 - 2007) là nhà ngôn ngữ học, dịch giả. Một số tác phẩm đã xuất bản: “Tiếng Việt - Mấy vấn đề ngữ âm, ngữ pháp và ngữ nghĩa”, “Tiếng Việt - văn Việt - người Việt”, “Tiếng Việt sơ thảo ngữ pháp chức năng”; một số tác phẩm dịch thuật: “Người con gái viên đại úy”, “Chiến tranh và hòa bình”, “Truyện núi đồi và thảo nguyên”, “Tội ác và hình phạt”, “Đèn không hắt bóng”, “Khải hoàn môn”, “Nô tỳ Isaura”… (Nguồn: vi.wikipedia.org).

Tuy nhiên, theo giáo sư Cao Xuân Hạo, rất tiếc là sau này, lời dặn dò chí lý của Bác dần bị hiểu sai, đến nỗi trở thành chủ trương “thanh lọc” từ ngữ ngoại lai và nhiều người tìm cách thay thế từ Hán - Việt bằng từ thuần Việt.

Có người nhầm tưởng làm như vậy là bảo vệ sự trong sáng của tiếng Việt nhưng thực ra lại làm cho tiếng Việt nghèo đi. Bởi quan trọng trong sử dụng ngôn ngữ là đúng và thích hợp tình huống, ngôn cảnh, văn cảnh.

Ông đúc kết: “Những sự kết hợp không tương thích đều cho những kết quả xấu” và cho ví dụ: dùng “đầy tớ gái” hay hơn “nữ đầy tớ”, dùng “ngài tổng thống và vợ” không phù hợp bằng “ngài tổng thống và phu nhân”, nhưng nói “thằng Út nhà tôi và phu nhân” lại không hay bằng “thằng Út nhà tôi và vợ nó”…

Ông cũng phản đối cách dùng từ ngữ ông cho là “kỳ quặc” xuất hiện sau này, được những người sính chữ sử dụng, nhưng lại lai căng và sai, ví dụ dùng từ “chí ít” thay cho từ “ít nhất”. Là bởi, từ “chí” không có nghĩa ở cấp tương đối mà có nghĩa ở cấp tuyệt đối, có nghĩa là “rất”, “lắm”, như dùng “chí phải”, “chí công” thì phù hợp.

Người Việt và những người học tiếng Việt thường nghe câu “Phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam”. Quả thật, ngữ pháp tiếng Việt luôn làm “đau đầu” cả những người học tiếng mẹ đẻ, huống gì người nước ngoài học tiếng Việt và ông cho rằng, ngữ pháp tiếng Việt còn “mạnh hơn bão táp”.

Tôi chợt nhớ mình “toát mồ hôi”, khi dạy cậu con trai lớp 4 cách phân biệt tính từ, danh từ, động từ… Con tôi dễ dàng thuộc lòng lý thuyết (định nghĩa), nhưng tôi thật khó giải thích cho con hiểu để phân biệt đúng từ loại. Ví dụ trong câu “Con đang suy nghĩ”, thì từ “suy nghĩ” là động từ, nhưng trong câu “Suy nghĩ của con rất tích cực” thì từ “suy nghĩ” lại là danh từ.

Thêm yêu tiếng nước mình

Trở lại với câu chuyện về tiếng Việt được Giáo sư Cao Xuân Hạo đề cập trong “Tiếng Việt - văn Việt - người Việt” (NXB Văn hóa dân tộc). Chia sẻ của ông có thể sẽ là kinh nghiệm cho những người làm công việc liên quan đến chữ nghĩa, nhất là đối với người trẻ - ở tuổi “ngựa non” đầy tự ái và bị định kiến “văn mình vợ người” chi phối rất mạnh như ông hồi trẻ. Đơn giản như cách phân biệt từ “dù” và “tuy”.

Theo ông, “tuy” và “mặc dù” dùng để nói về sự thể/hiện tượng có thật, ví dụ: “Mặc dù mưa to, nó vẫn đến”, hay “Tuy không đi học, nó cũng biết làm toán”, nhưng từ “dù” (hoặc cho dù, dẫu cho...) lại dùng để chỉ những sự thể không có thật hoặc giả định...

 

Câu chuyện về cách dùng từ trào lộng không đúng chỗ khiến Cao Xuân Hạo cảm thấy xấu hổ cũng là bài học đáng suy ngẫm.

Ông kể, trong lời bạt “Chiến tranh và hòa bình”, khi kể về trường hợp Tolstoi quên tên nhân vật, dịch giả Cao Xuân Hạo tỏ ra dí dỏm “Alphonse Berg vô cớ bị đổi tên thành Adolf Berg” và ông được biên tập viên viết ngoài lề bằng bút chì “Có lẽ ở đây giọng trào lộng không được đúng chỗ lắm”.

Qua lời góp ý nhẹ nhàng đó, Cao Xuân Hạo tự rút ra kết luận: “Không có gì có sức tố giác tình trạng vô văn hóa của một người bằng sự trào lộng không đúng chỗ: nó làm cho tác giả trở thành vô duyên, rẻ tiền và lố bịch” (“Khi biên tập viên là một người thầy”).

Khi gặp những lỗi ngữ pháp, chính tả, logic, tri thức phổ thông nhan nhản trên sách báo, kể cả sách báo văn học hiện nay (ví như các từ/cụm từ: tối ưu nhất (tối ưu có nghĩa là hay nhất), một loài chim có cánh (thuộc tính “có cánh” đã có sẵn trong định nghĩa của “chim”...), ông nghĩ ngay đến một biên tập viên đã giúp ông học cách viết trong sáng và chuẩn xác từ những ngày chập chững vào nghề.

Đọc ông, tôi nghĩ rằng, phải là người cực kỳ yêu tiếng nói và văn hóa dân tộc mình, Giáo sư, nhà ngôn ngữ học, dịch giả Cao Xuân Hạo mới có thể đúc kết: “... Không! Linh hồn tiếng Việt không hề mất. Cái ý vị vô song của ca dao, tục ngữ, của những câu Kiều, những câu ngâm của người chinh phụ vẫn còn sống mãnh liệt trong tiếng nói hằng ngày của dân ta”.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Linh hồn tiếng Việt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO