Linh mộc

PHAN VĂN MINH 19/07/2015 10:06

Cúng vừa xong, Bảy Quản bưng thau gạo muối vừa đi quanh đống củi vừa khấn to: “Bớ tam thập lục loại cô hồn, bớ thất thập nhị ngạ quỉ ma vương, về ăn gạo ăn muối ăn thịt gặm xương, hợp lực thổi lửa tam muội bùng lên như hỏa diệm, sao cho mộc tinh cháy trụi! Sao cho hồn vía vấn vương cũng theo về cát bụi. Hú...” . Mấy anh em tổ bảo vệ ngồi gần đó cười ầm. Tư Nhẫn rút quẹt ga châm lửa vào đống giấy vàng mã được nhét sẵn dưới đống củi. Lần này nó mới chịu cháy bùng lên thành ngọn. Vậy mà từ khi chiều tới giờ bọn Tư Nhẫn đã nhen lửa đến mờ mắt, đã tưới cả xăng lên mà đốt nhưng nó vẫn chỉ um khói mù mịt rồi tắt ngúm. Lúc này trời đã chập choạng. Bảy Quản và anh em bảo vệ lần lượt ra về. Tư Nhẫn một mình ở lại canh lửa. Anh đứng tần ngần như bị thôi miên, nước mắt bất giác trào ra.

Từ ngày lên làm giám đốc kế nhiệm bác sĩ Phú, bác sĩ Dưỡng đã lập tức thay đổi mọi trật tự trong bệnh viện. Nhân sự các khoa phòng được sắp xếp lại. Giờ giấc họp hành đều khác trước. Đặc biệt phòng giám đốc thì càng đổi mới “triệt để”, từ thảm trải nền đến bàn ghế tranh ảnh đều được sắm mới, tất nhiên là đẹp hơn và đắt tiền hơn. Riêng gốc cây lộc vừng trăm tuổi trước hành lang thì có số phận bi đát nhất. Mặc dù cành nhánh đã khô mục nhưng phần gốc hơn hai vòng ôm của nó vẫn còn tươi, vẫn có một vài chồi non cố vươn ra như cầu cứu. Nhưng sáng nay theo lệnh của bác Dưỡng, Tư Nhẫn phải chỉ huy tổ bảo vệ đào bật gốc cây lên. Có một tổ mối to tướng nằm dưới lõi rễ cái và ăn thông lên suốt thân cây. Hèn chi tán cây vốn sum sê trổ lộc đỏ rực bốn mùa mà chỉ sau một mùa hè đã khô dần từ trên xuống dưới. Tư Nhẫn thuê xe tải chở gốc vừng ra bãi đất trống trong khu mả hoang phía sau bệnh viện. Anh em bảo vệ dùng rìu chẻ ra từng miếng nhỏ rồi chất lại thành đống. Phải đốt sao cho không còn tàn tích, cả đến tro than cũng  phải chôn lấp “triệt để”. Thực ra, Tư Nhẫn biết toàn bộ cái lệnh này là do Bảy Quản “tham mưu”. Lão nguyên là một thầy lang vườn kiêm thầy cúng. Ở bệnh viện này lão chủ yếu làm thầy phong thủy cho lãnh đạo, từ việc kê chiếc bàn thủ trưởng theo hướng “đại lợi” cho đến việc chọn ngày “đại cát” để cúng kiếng trong năm. Có lẽ nhờ vậy mà nay lão đã lên tới chức trưởng khoa Đông y, một khoa chỉ gồm những thầy lang vườn còn sót lại từ thời bao cấp bởi những y sĩ có học hành tử tế đều đã bỏ đi nơi khác.

Tư Nhẫn vừa nhặt những miếng củi vương vãi bên ngoài ném vào đống lửa  vừa lan man lần theo ký ức. Anh nhớ từ thuở anh còn “ở dổng”, cây vừng này đã như một cổ thụ sum sê tỏa bóng cả một góc vườn nhà mình, bên cạnh mộ cụ Cố dòng họ mà anh là đích tôn. Theo lời kể truyền đời, cụ Cố sinh thời tuy thuộc hàng tá điền nghèo khó nhưng vốn người nhân hậu thanh bần, cả đời không tranh giành với ai điều gì lại hay giúp đỡ kẻ khốn cùng hoạn nạn. Cụ thường nhắc nhở lớp hậu sanh rằng đói cho sạch rách cho thơm. Dòng họ nhà anh có lẽ nhờ phúc ấm của tổ tiên mà càng về sau càng phát vượng, con cháu nhiều người đỗ đạt, thành danh. Ngay như ông Phú, theo vai vế trong họ thì Tư Nhẫn gọi bằng chú, tuy xuất thân chỉ là y tá nhưng cuối cùng đã lấy được bằng bác sĩ sau nhiều khóa chuyên tu. Không chỉ vậy, con đường quan tước của ông Phú đã làm cả họ mở mày mở mặt. Từ chức trưởng trạm y tế xã, trong vòng hai mươi lăm năm ông đã kinh qua các thang bậc trong ngành để rồi làm tới chức giám đốc bệnh viện tỉnh. Trong cuộc thăng tiến của mình, tuy cũng đã phạm phải nhiều vụ xì-căng-đan đình đám nhưng rồi ông Phú vẫn vượt qua được như có phép màu.

Nghĩ về ông chú họ của mình, trong lòng Tư Nhẫn đan xen cả nỗi oán hận và niềm tri ân, cả khinh miệt lẫn thương cảm. Hồi còn ở huyện, trong một pha nhầm lẫn thuốc men, bác sĩ Phú đã làm một bệnh nhân phải chết mà chính là cha của Tư Nhẫn. Bên nhà anh không ai kiện cáo gì, một phần vì danh dự gia tộc mà cũng do thấp cổ bé họng. Sau tai họa đó nhà Tư Nhẫn suy sụp hẳn. Mẹ anh đau ốm triền miên rồi cũng sớm qua đời. Hai cô chị phải nghỉ học, đứa đi bán vé số đứa làm tiếp thị rồi lần lượt lấy chồng xa, chỉ có anh là con trai út được ông Phú nhận về nuôi ăn học cho đến hết cấp ba. Thi trượt đại học, anh vào bộ đội. Trong thời gian đó, ông Phú đã sửa lại ngôi nhà ngói ba gian bên nhà anh làm nhà thờ họ. Mộ ông Cố cũng được tôn tạo hoành tráng hơn. Cây lộc vừng cổ thụ được đào lên chuyển về nhà ông Phú với lý do để tránh rễ cây ăn vào hài cốt. Khi ra quân, Tư Nhẫn về thấy nhà cha mẹ mình đã thành nhà chung và cây vừng thời đó đáng giá vài trăm triệu bạc bỗng dưng trở thành tài sản của ông chú họ, cũng uất lắm nhưng cái ơn nuôi dưỡng mấy năm khiến anh phải bấm bụng chịu nhường. Hơn nữa, ông Phú đã lo cho anh đi học nghề lái xe, lo cho anh vợ con yên ấm. Khi lên làm giám đốc bệnh viện tỉnh, ông còn kéo anh theo với một chân biên chế tài xế riêng cho sếp. Rồi qua vài lần đề bạt, anh đã lên đến chức trưởng phòng hành chánh quản trị, một vị trí mà không dễ ai mơ cũng được. Về phía ngược lại, làm thủ trưởng một cơ quan lớn như ông Phú có lẽ cũng yên tâm khi có thằng cháu bên cạnh. Các mối quan hệ riêng tư ông đều giao cho Tư Nhẫn. Ông thường vỗ về Nhẫn rằng “chú cháu trong nhà, đừng có dại dột mà làm con ong trong tay áo”. Mặc dù có những việc tệ hại khiếnTư Nhẫn nhiều khi bặm môi rủa thầm nhưng anh vẫn cố gắng trung thành kín kẽ, từ vụ ba bệnh nhi chết oan do đổi lô vắc-xin dỏm đến vụ mua máy móc quá đát trang bị cho phòng sinh hóa; từ hình ảnh ông Phú cười hả hê khi được một vị cấp trên véo tai trong phòng nhậu VIP đến chuyện một gã cán bộ tài chính hạng tầm tầm chìa ra bốn ngón tay đòi ăn chia dự án. Vậy mà gặp nhau ngoài quán xá, ông Phú vẫn khúm núm bắt hai tay dạ dạ anh anh. Và từ biết bao nhiêu chuyện lươn lẹo lạy trên lừa dưới khác nữa. Ngay cả việc chuyển cây vừng từ quê lên tỉnh, tuy theo lời rỉ tai của ông Phú: “Bảy Quản bảo đó là linh mộc bổn mạng của tao mà cũng là của cả gia tộc họ Lưu, đưa lên đây cho gần gũi dễ chăm nom”. Vậy mà ông cũng đã sai Tư Nhẫn lập nhiều chứng từ giả để moi của nhà nước gần cả trăm triệu đồng...

Nhưng lúc này, khi cái linh mộc bổn mạng đang cháy ngùn ngụt thì chủ nhân của nó phải nằm liệt ở nhà bởi một trận đột quỵ cách nay bốn tháng. Hôm đó ông Phú nhận được tờ quyết định tạm đình chỉ công tác để tiếp tục điều tra làm rõ trách nhiệm sau đợt thanh tra phối hợp giữa nhiều cơ quan cấp trên. Chưa đọc xong ông đã “ực” lên một tiếng rồi bật ngửa ra lưng ghế, chân tay co giật, mồm mép sùi bọt như xà phòng. May mà đã sơ cứu kịp thời. Sau ba tháng điều trị ở tuyến trên, ông Phú được cho về với di chứng liệt nửa người, vẻ mặt ngớ ngẩn dễ khóc dễ cười như trẻ thơ. Tư Nhẫn là người duy nhất trong bệnh viện vẫn thường ghé qua nhà thăm ông. Mặc dù trí nhớ lú lẫn, nói năng lắp bắp nhưng ông Phú vẫn còn nhắc đi nhắc lại “chú cháu trong nhà... đừng có dại dột làm con ong...”. Vậy mà...

Vậy mà chính Tư Nhẫn là người đã khai ra nhiều sai phạm động trời hơn cả của ông Phú. Thật ra anh cũng đã phải dằn vặt nhiều đêm để quyết định giữa nên hay không nên. Dù sao ông Phú cũng đã đối xử với anh như một đứa cháu trong nhà, đã cất nhắc anh lên từ con số không. Nhưng dường như trong anh vẫn còn âm ỉ ở đâu đó một nỗi oan cừu không giải thoát được. Và cũng có thể là do được thừa hưởng một mẫu di truyền còn sót lại từ đời ông Cố khiến anh không thể cúi mặt mãi làm một kẻ ăn theo hèn hạ. Lâu nay nhiều y, bác sĩ trong bệnh viện đã nhìn anh với ánh mắt ngờ vực coi thường. Bây giờ anh quyết lấy lại tư cách vốn có của mình.

Tư Nhẫn đưa tay quệt nước mắt. Trong tiếng gió xào xạc phía lùm cây giữa khu mả hoang, và trong ánh sáng lay lắt của ngọn lửa sắp tàn, anh chợt lạnh sống lưng khi thoáng nghe giọng ai đó thì thào “... đừng có dại dột làm con ong...”. Chợt có tiếng điện thoại reo trong túi. Giọng bác sĩ Dưỡng  nghe sang sảng:

- Xong chưa? Sáng mai anh cùng anh Quản theo anh em đi chở cây sung về trồng nhé!

- ...
- Cây sung nhà tôi ấy. Nó còn to hơn cây vừng của ông chú anh đó!

 Tư Nhẫn đứng lên, chép miệng rủa thầm: “Mẹ! Lại một linh mộc bổn mạng nữa đây!”.

PHAN VĂN MINH

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Linh mộc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO