Trải qua bao biến động của thời gian, nét văn hóa đặc thù làng biển ở xã Bình Minh (Thăng Bình) vẫn được giữ gìn. Cõi thiêng đó tiếp sức cho những chuyến vươn khơi của ngư dân.
Tục thờ cúng cá Ông
Tháng tư, vụ sản xuất chính của ngư dân bắt đầu. Đi khắp làng biển của xã Bình Minh, đâu cũng thấy ngư dân rộn rã ra khơi. Cả học sinh, phụ nữ cùng các ngư dân “về hưu” cũng góp sức khiêng vác ngư cụ, đẩy xe, gồng gánh lương thực, thực phẩm đưa ra các tàu thuyền. Hết vụ cá bắc rồi qua vụ sản xuất chính, ngay cả khi thời tiết không thuận lợi cho lắm, ngư dân cũng tranh thủ ra khơi. Nghiệp biển gắn với người dân ở đây như sóng với thuyền, truyền từ đời này qua đời khác. Các bậc cao niên ở xã Bình Minh kể, nghề đi biển đã gắn bó với người dân nơi đây ngay từ buổi đầu định cư, các gia phả vẫn còn ghi lại. Nét văn hóa làng biển xuất phát từ đây, những gì nguyên sơ, thiêng liêng nhất vẫn còn được gìn giữ đến bây giờ. Dễ thấy là những nghi lễ tín ngưỡng đặc thù, phản ánh nhu cầu tâm linh của ngư dân với nghề khai thác hải sản. Từ thờ cúng tổ tiên, thờ thổ công, thổ địa đến các tín ngưỡng khác như thờ hà bá, oan hồn những người chết nơi biển cả dạt vào làng vẫn đều đặn được tổ chức hằng năm. “Chúng tôi tâm niệm biển cả là chốn thiêng. Không có ngư dân mô tài giỏi chi mà biết được vùng biển nào đang có đầy cá, mực lúc ra khơi. Sản xuất trên biển, dù là ngư dân có thâm niên cũng không biết chính xác lúc nào thì trở trời, dông tố. Kinh nghiệm chỉ giúp chúng tôi phần nào đó thôi, vẫn cầu mong thần Nam Hải phù hộ, độ trì” - ông Diệp Cán (tổ 8, thôn Tân An, Bình Minh) chia sẻ.
Ngư dân Diệp Cán khấn vái thần Nam Hải độ trì cho ngư dân xã Bình Minh. Ảnh: N.Q.V |
Tại các làng chài ở xã Bình Minh, khi mỗi vụ sản xuất chính bắt đầu bao giờ ngư dân cũng tổ chức một lễ cúng uy nghi, linh thiêng nhằm tạ ơn thần Nam Hải đã độ trì và cầu mong trời biển thuận hòa, ghe thuyền thuận buồm xuôi gió, có nhiều chuyến biển đầy khoang. Thần Nam Hải theo quan niệm của ngư dân là vị thần che chở cho họ lúc gặp bất trắc trên biển, mà hiện thân là những Ông cá gắn với tục thờ cá Ông và chăm lo hậu sự mỗi khi ông lụy vào bờ. Tại mỗi thôn của xã đều có lăng thờ cá Ông, được bố trí tại một nơi linh thiêng nhất. Vào rằm tháng Giêng, rằm tháng 7 hằng năm, dân làng đều mở hội cầu ngư và tế cúng cá Ông. Trong lễ hội này, nghi lễ tế cúng cá Ông được thực hiện bởi bậc cao tuổi và có uy tín của làng. Sau lễ tế có hát bả trạo và các hoạt động thể thao, văn nghệ rất đặc trưng của cư dân miền biển.
Sẻ chia trên biển
Năm nay, ông Diệp Cán bước sang tuổi 65. Ông là người có uy tín ở làng chài Tân An và cũng là chủ tế trong các lễ cầu ngư của ngư dân địa phương. Ở những thập niên 80 và 90 của thế kỷ trước, ông Cán là người tiên phong trong hành trình ra khơi chinh phục vùng vịnh Bắc Bộ của người dân địa phương. Hồi đó, phương tiện sản xuất của ngư dân làng biển chủ yếu chỉ là tàu thuyền công suất nhỏ. Ông Cán đã đứng ra hô hào người dân vùng biển góp vốn, chung sức đóng tàu lớn vươn khơi, sản xuất xa bờ. Trong nghiệp biển của mình, ông bảo nhớ nhất là tai biến xảy ra hồi tháng 4.1990: “Lúc đó chúng tôi ra khơi theo đoàn, cỡ chừng 10 tàu với tất cả là 100 ngư dân. Tuy là cùng ngư trường nhưng lúc khai thác hải sản thì các tàu cách nhau chừng vài hải lý. Đang sản xuất trên biển thì bất thần dông tố kéo đến, mọi người hoảng hốt lo sợ. Chúng tôi chỉ có cách vội vàng ra hiệu để các tàu xích lại gần nhau. Có đến 3 tàu trôi dạt vì hỏng máy. Khi trời tạnh sau chừng 3 tiếng đồng hồ, chúng tôi chia nhau ra tìm kiếm các tàu bị trôi dạt, may mà mọi người vẫn bình yên vô sự. Thời buổi khoa học công nghệ phát triển như vũ bão nhưng chúng tôi vẫn tin rằng, vẫn có một lực lượng siêu nhiên nào đó giúp đỡ mình trong mỗi chuyển lênh đênh. Phận người nhỏ bé giữa biển cả không cùng, chỉ có niềm tin và sự đoàn kết thì ngư dân mới có thể vượt qua những tình huống ngặt nghèo nhất”.
Một tai biến khác vẫn in sâu trong tâm trí của ngư dân Diệp Cán, đó là quãng tháng 4.1992. Thời điểm này, nghề lưới vây gặp khó, ngư dân phải khám phá các ngư trường mới để sản xuất. Phải tốn đến hàng chục ngày ròng, đội tàu đánh bắt gồm 10 chiếc của ngư dân thôn Tân An mới đến được vùng biển Cát Bà. Chặng đường bám biển quá dài, ngư dân lại không có máy thông tin liên lạc trên tàu cá nên không ai hay biết bão đang đến gần. Khi còn cách vùng biển Hải Phòng khá xa, 2 tàu cá của ngư dân đã bị chết máy, không thể xoay xở được trong dông bão. Cả đội tàu ép 2 chiếc bị hỏng máy vào giữa dàn hàng ngang trên biển để chống chọi. “Chúng tôi liên tục khấn vái thần Nam Hải phù hộ, mong tai qua nạn khỏi. Đức tin lại giúp chúng tôi qua được tai ách. Sau khi bão tan, cả đội lai dắt 2 chiếc tàu vào bờ sửa chữa. Chuyến biển đó anh em không sản xuất mà chi phí lại quá tốn kém nhưng ai cũng hân hoan, chờ ngày lại vươn khơi bám biển. Nếu không sẻ chia, đoàn kết thì nghiệp biển bất thành” - ông Diệp Cán nói.
NGUYỄN QUANG VIỆT