Linh tinh về... Nịnh

NGUYỄN ĐIỆN NAM 13/01/2019 00:18

Tuân Tử (313-235 trước Công nguyên), nhà tư tưởng thời Chiến quốc, đã sớm bàn chuyện nịnh, cho rằng:“Người chê mà chê phải là thầy của ta. Người khen mà khen phải là bạn ta. Người vuốt ve nịnh bợ chính là kẻ thù của ta vậy”. Như vậy, chữ nịnh chủ yếu gắn với lời khen và hành động vuốt ve, ai cũng thích nên dễ… dính mồi. Và có cái nịnh chịu được, cũng đáng yêu; có cái nịnh rất thối và thậm chí là kẻ thù.

Nịnh một cách đáng yêu như câu ca này: “Ước gì anh lấy được nàng/ để anh mua gạch Bát Tràng về xây/xây dọc rồi lại xây ngang/xây hồ bán nguyệt cho nàng rửa chân”. Nịnh đầm đến thế tưởng đã cùng tận, vậy mà còn vớt thêm lời khen người đẹp rất ư khéo léo “có rửa thì rửa chân tay/ đừng rửa lông mày chết cá ao anh”.

Nịnh dễ thương còn trong những tình huống ứng xử gắn với tập quán. Ngày mùng Một tết mà đến thăm nhà ai cũng nên khen gia chủ một câu, như chiếc áo mới, cây mai đẹp, chứ chê là dễ ăn… bánh chửi.
Nhưng xem ra hành vi nịnh tốt ít mà xấu nhiều. Nịnh xấu, nịnh thối thì gắn với các từ nịnh nọt, nịnh hót, xiểm nịnh, nịnh bợ… Chuyện nịnh thối điển hình như thế này: Có hai tay nịnh đang ngồi hầu chuyện quan lớn, bỗng quan xì cái trung tiện (đánh rắm, người Quảng thì nói là địt). Lập tức một tên thốt lên: “Y hi, quản huyền chi âm (nghe như tiếng đàn, tiếng sáo). Tay kia cũng hếch mũi hít hà rồi trầm trồ: “Phảng phất chi lan chi vị (thoang thoảng mùi hoa lan hoa nhài)”. Nhưng quan lớn tỏ ra hiểu biết, không bằng lòng: “Trung tiện mà thơm thì e tuổi thọ ta không được dài”. Nghe vậy, một tên gật gù: “Bẩm cụ, bây giờ đã có mùi rồi ạ!”; tên kia cũng khẳng khái khẳng định: “Bẩm, bây giờ thì thối lắm ạ!”. Đúng là nịnh thối không ngửi được!

Nịnh trở thành thói xấu trong xã hội, mà đặc biệt nhất là tác oai tác quái ở trong thế giới quan lại. Nước ngoài thì có đại thần Hòa Thân đã thành điển hình của gian nịnh như phim truyện mô tả. Ở xứ Việt, có chuyện cụ Chu Văn An (1292-1370) dâng sớ đòi chém 7 tên nịnh thần trong triều Trần. Ở xứ Quảng còn truyền giai thoại về Ông Ích Khiêm dọn tiệc toàn thịt chó để đãi  đám quan lại vô tài bất tướng, chỉ biết nịnh hót, rằng “trên chó, dưới chó, tất cả đều chó”.

Những chuyện kể trên cho thấy thói nịnh đã có từ xa xưa, vậy sao bây giờ báo chí và các trang mạng bàn tán nhiều?

Dễ hiểu là vì căn cớ từ Đề án Văn hóa công vụ Chính phủ vừa ban hành nhắc lại chuyện này. Theo đó, đối với lãnh đạo cấp trên, cán bộ, công chức, viên chức phải tuân thủ thứ bậc hành chính, phục tùng sự chỉ đạo, điều  hành, phân công công việc của cấp trên; không trốn tránh, thoái thác nhiệm vụ, không nịnh bợ, lấy lòng vì động cơ không trong sáng.

Luật Cán bộ công chức đã quy định rõ những điều cấm cán bộ công chức làm (trong đó có nội dung: cán bộ công chức không được lợi dụng vị trí, ảnh hưởng của mình để mưu cầu các lợi ích riêng). Nhưng với đề án này thì trắng phớ ra là thói nịnh bợ đã thành vấn nạn trong nhiều cơ quan công quyền. Chính vì thói nịnh không mất tiền mua, không bị đóng thuế, không bị khép tội hình sự… nên bất chấp sự liêm sỉ người ta thay nhau nịnh vô tội vạ để đạt được những mưu cầu, mưu lợi cho bản thân mình. “Động cơ không trong sáng” là nằm ở chỗ ấy. Đó là chưa kể, kẻ nịnh được cấp trên thì hay đè cấp dưới (thượng đội hạ đạp), nịnh quan mà khinh dân, nhũng nhiễu với dân.

Ôi, bàn linh tinh lang tang cả ngàn năm cũng không hết chuyện nịnh. Xin kết lại bằng hình ảnh cụ Phạm Phú Thứ, khi đang làm quan trong triều đã dám phê bình vua Tự Đức ham chơi mà bị đày đi cắt cỏ cho trạm ngựa. Quyết không làm gian thần, nịnh thần nên lịch sử mới tôn vinh người Quảng nghĩa khí ấy, mãi mãi!

NGUYỄN ĐIỆN NAM

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Linh tinh về... Nịnh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO