Linh vật

NGUYỄN ĐIỆN NAM 13/09/2014 07:58

Từ xa xưa, quan niệm “vạn vật hữu linh” đã tồn tại. Bao quanh đời sống con người là vạn vật đều cùng sinh tồn, đều mang tính linh, song có thứ được thiêng hóa thành tín ngưỡng. Tô tem giáo xuất hiện thời công xã thị tộc, trong đó con người chọn một loài vật hay giống cây gì đó là thủy tổ của mình. Người Việt tin vào truyền thuyết “con Rồng cháu Tiên”, chính là dấu vết của thứ tín ngưỡng ấy. Ở Quảng Nam, nền văn hóa Chăm còn lưu lại những linh vật được thờ tự như bò thần, rắn thần…

Từ tô tem giáo đến bái vật giáo, con người lại thiêng hóa và thờ cúng các vật như hòn đá, gốc cây… Tôi còn nhớ thời thơ ấu, mẹ luôn dặn dò trên đường đi học đừng ngồi dưới gốc đa nơi người ta thắp khói hương nghi ngút. Lại nhớ trong nhà có ông bình vôi, không bao giờ mẹ đặt ở chỗ để áo quần dơ hay dưới đất; khi lỡ bị bể bình vôi mẹ lại sai tôi thỉnh “ông” đi đặt ở miếu làng chứ không được vứt lung tung. Lớn lên một chút, xuống phố Hội, qua Chùa Cầu thấy thờ con khỉ (thần hầu) và con chó (linh cẩu). Có người cho rằng hai con vật đó là chỉ dấu về thời gian xây dựng từ năm Thân đến năm Tuất, nhưng một nghiên cứu khác nói rằng đó là những linh vật mà người Nhật trấn yểm thủy quái. Con thủy quái có tên gọi là Mamazu (Nhật) hay Câu Long (Hoa) hoặc con Cù (Việt), đầu nó nằm ở dưới quần đảo Nhật Bản, đuôi ở Ấn Độ Dương và lưng ở dưới khe nước của Chùa Cầu. Theo quan niệm của người Nhật, linh vật có khả năng khống chế thủy quái gây ra động đất ở Nhật Bản cũng như đảm bảo sự an toàn cho cảng thị Hội An.

Xưa là vậy, còn nay tưởng trong đời sống hiện đại, thế giới của những linh vật sẽ bị thu hẹp. Nhưng không phải vậy, linh vật tiếp tục được thờ tự và có biểu tượng mới. Ví như tứ linh (long, lân, quy, phụng) vẫn được đúc tượng bài trí ở những cơ sở thờ tự. Đặc biệt sư tử, chim muông được làm ra rất nhiều ở các làng mỹ nghệ, vừa phục vụ thờ tự hay làm vật lưu niệm. Trong thể thao, người ta cũng sáng tạo những biểu tượng linh vật. Chẳng hạn, hình ảnh trâu vàng, gà hồ của Việt Nam, voi trắng của Lào, xuất hiện ở các sự kiện thể thao khu vực. Người ta tin các linh vật được bài trí trong công sở, đình chùa, nhà ở có tác dụng ngăn ngừa điều hung hại, phát huy những mặt tốt (cát, lợi). Nhiều địa phương trong nước còn học “anh Ba Tàu” sử dụng các linh vật trấn yểm phong thủy. Trào lưu này đã làm nảy sinh hiện tượng lạm dụng trong sáng tạo biểu tượng và thờ cúng linh vật. Đó cũng là hiện tượng đáng suy ngẫm về mặt niềm tin. Đứng ở góc độ quản lý nhà nước về văn hóa, ngành VH-TT&DL đã phải ra công văn đề nghị các địa phương, đơn vị không trưng bày, sử dụng, biếu tặng các biểu tượng, sản phẩm, linh vật và các vật phẩm lạ không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam; tuyên truyền, vận động các cá nhân, đơn vị tháo dỡ các biểu tượng, sản phẩm, linh vật và các vật phẩm lạ, không phù hợp ra khỏi các nơi công cộng. Sở VH-TT&DL Quảng Nam cũng đã đề nghị các địa phương, đơn vị chỉ đạo tăng cường công tác tuyên truyền, kiểm tra, tháo dỡ các biểu tượng, sản phẩm, linh vật và các vật phẩm lạ không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam ở những nơi công cộng, đặc biệt tại các khu di tích lịch sử, văn hóa địa phương.

Mới hay, “linh tại ngã, bất linh tại ngã”, linh hay không là do mình, do niềm tin của con người. Thiêng hóa thần núi, thần rừng, thần sông, thần trời, thần đất, thiêng hóa các con vật quý hiếm, cây xanh cổ thụ… có phần thể hiện khát vọng hòa hợp với thiên nhiên nguồn cội, nhưng một khi lạm dụng thờ cúng tràn lan thì là sự mê tín vô lối, bộc lộ khủng hoảng niềm tin.

NGUYỄN ĐIỆN NAM

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Linh vật
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO