Văn học - Nghệ thuật

Linh vật giữa đời thường

HỨA XUYÊN HUỲNH 25/02/2024 08:45

Gần đây, tượng linh vật cầm tinh con giáp của năm mới âm lịch gây chú ý trong cộng đồng và trở thành điểm check-in thú vị đối với khách du xuân. Linh vật rồng, con vật huyền thoại duy nhất trong số 12 con giáp, cũng đã hiện diện giữa đời thường…

z5175581356584_0f47de404483dc0f370ae1dbbbea1349.jpg
Trẻ con thích thú check-in với linh vật rồng tại Quảng trường 24.3 TP.Tam Kỳ. Ảnh: X.H

1. Cố đô Huế quả là nơi có “món đặc sản rồng”, như góc nhìn của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường. Trong một bài nhàn đàm viết về chuyện rồng hồi năm rồng 2000 (Canh Thìn), nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường bảo rồng ở Huế đi đâu cũng gặp, nhìn đâu cũng thấy. Rồng trên nóc, rồng trên bậc thềm, rồng trước bình phong, rồng trên bàn, rồng trên chén kiểu…

Mới đó mà đã chẵn 2 con giáp kể từ năm rồng Canh Thìn, nay trở lại với rồng Giáp Thìn 2024. Năm nay, tại Huế, hình tượng rồng trên quốc ấn triều Nguyễn xuất hiện nhiều hơn qua linh vật rồng, kể cả công trình mô phỏng kim ấn “Hoàng đế chi bảo” đặt ở xã ven biển Vinh Hưng (huyện Phú Lộc).

Phải chăng, nỗi hân hoan “châu về hợp phố” khi kim ấn “Hoàng đế chi bảo” chính thức hồi hương cuối năm ngoái sau mấy mươi năm lưu lạc đã nối dài đến xuân con rồng…

Với quê nhà Quảng Nam, cặp linh vật rồng vàng đặt tại quảng trường 24/3 của thành phố tỉnh lỵ Tam Kỳ với cảm hứng từ hình tượng rồng thời Lý cũng trở thành điểm dừng chân lý thú cho khách du xuân.

2. Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường gọi rồng là con vật ảo duy nhất trong thuyết Can chi của âm lịch. Ảo, vì đáng lẽ phải đứng đầu cả 12 con vật cầm tinh nhưng lại đứng thứ 5 (Tý, Sửu, Dần, Mão, Thìn…). Xếp sau, nhưng ông lại cho là rất quan trọng. “Vì nếu đặt rồng ở vị trí thứ nhất của 12 chi, nó sẽ trở nên hài hước, và không ai tin rằng 11 con vật kia là những con vật có thực cả”, ông viết.

Chữ “ảo” của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường có thể được bổ khuyết bởi chữ “huyền thoại” của nhà sử học Trần Quốc Vượng, khi nói về rồng.

Trong tập di cảo sau in thành cuốn “Lịch, tết, tử vi, phong thủy và 12 con giáp” (NXB Thời đại, 2009) của nhà sử học Trần Quốc Vượng, có đến 3 bài viết về rồng.

Trong một bài viết năm 1988, ông gọi rồng là con vật huyền thoại duy nhất trong biểu tượng của lịch 12 con vật, vì nhóm còn lại có đến 4 con vật hoang dại sống gần người (chuột, hổ, rắn, khỉ) và 7 con gia súc, gia cầm (trâu, mèo, ngựa, dê, gà, chó, lợn).

Trong một bài viết khác, ông thấy rồng là con vật khó lý giải nhất. Dù ghép theo từng cặp như chuột – trâu (loài 4 chân), hổ - mèo (thuộc họ mèo Felix), ngựa – dê (có sừng, thú ăn cỏ), khỉ - gà (con trên cây, con dưới đất, ở rừng), chó – lợn (vật nuôi gần gũi con người), thì cặp rồng – rắn vẫn có chỗ khiến ông phân vân.

nhan-dam-rong1.jpg
Tượng linh vật ở bờ nam sông Hương (Huế) lấy cảm hứng từ ấn “Quốc gia tín bảo” (HỨA XUYÊN HUỲNH)

Cùng là họ rắn, loài bò sát, nhưng trong “cặp” này rồng khác hẳn với rắn. Vì người bảo rồng có thực, người cho rằng không. Có thực, vì ngay chính sử thời Lý nhiều lần chép “rồng hiện” trên sông nước, trên xà nhà cung điện. Đến nỗi học giả Hoàng Xuân Hãn từng tỏ ý nghi ngờ phải chăng là… kỳ đà.

Ông nhận ra, sử nhà Lý chép nhiều chuyện khác thường, nào voi trắng, sẻ trắng, rùa sáu chân, cau chín buồng, và nhất là rồng. “Chuyện rồng hiện thì nhiều lắm. Không biết bấy giờ có con vật gì (kỳ đà chăng?) người ta cho là rồng, mà sử chép rồng hiện khắp nơi” - học giả Hoàng Xuân Hãn viết trong “Lý Thường Kiệt - Lịch sử ngoại giao và tông giáo triều Lý”.

Nhưng cũng có chỗ không thực, vì trong nghệ thuật tạo hình, mỗi nơi hình dung rồng mỗi kiểu, Tây cho rồng là xấu, ta cho rồng thiêng liêng. Vì thế, nhà sử học Trần Quốc Vượng viết: “xin cứ tạm cho rồng là một con vật tượng trưng, một biểu tượng (symbol)”.

3. May quá, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường có lúc nhìn nhận rồng là con vật bình dân. Vì người ta có thể cưỡi rồng đi chơi giống như cưỡi xe máy. Vì rồng có thể làm ra mưa để giúp nông dân trồng lúa.

Nhà sử học Trần Quốc Vượng sau khi liệt kê đủ kiểu biểu tượng quyền lực và sang trọng của rồng, cũng nhắc lại cái “gốc dân gian” của nó. Cuối cùng rồng vẫn trở về nơi dân dã. Lạc Long Quân, hay bố Rồng - Lạc, có biểu tượng là thuồng luồng hay rắn nước.

Theo cụ Trần Quốc Vượng, đấy là người “anh hùng văn hóa” từ nước, biển mà đi lên đất liền, diệt trừ ngư tinh dưới biển, hồ tinh nơi đầm lầy, mộc tinh nơi rừng núi mà mở đất mở nước Việt. Hình con rắn nước ấy thấy khắc trên trống đồng - thạp đồng Đông Sơn, nằm ngửa bụng thành hình con thuyền với đuôi là đằng lái, đầu là đằng mũi…

Đầu xuân năm nay, tôi dừng khá lâu trước cụm rồng ở bia Quốc Học Huế. Dừng và nhớ chuyện một giáo sư người Nga từng được nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường đưa đi thăm trường Quốc Học.

Lạ ở chỗ, người khách ngoại quốc ấy chỉ tỏ ra ấn tượng khi đối diện bức bình phong long mã, ghép bằng mảnh chai hình con ngựa đang chạy và con rồng bay lên.

Khả năng “bay lên cao” là một điều có thực đối với con ngựa chạy, vị khách Nga nghĩ vậy. Nhưng ông nhà văn người Việt kỹ tính hơn, cho rằng sự bay lên là “một khả năng” và “không bao giờ biến thành hiện thực”. Đấy chỉ là một lời cầu chúc của nhân loại.

Đầu xuân này, linh vật rồng “sà xuống” và hiển thị khắp nơi giữa đời thường, khiến tôi cũng nghĩ về một lời chúc lành. Lời chúc “bay lên”…

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Linh vật giữa đời thường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO