Linh vật và tâm hồn việt

TẤN VỊNH 27/11/2016 08:46

Nhân ngày Di sản văn hóa Việt Nam (23.11), Sở VH-TT&DL Hà Nội phối hợp với Nhóm nghiên cứu đình làng thực hiện cuộc trưng bày chuyên đề “Linh vật Việt” (từ ngày 22.11.2016 - Tết Nguyên đán) tại Bảo tàng Hà Nội. Cuộc triển lãm giúp nhiều người hiểu biết hơn về linh vật Việt.

Hổ mẹ và hổ con - đình Trùng Hạ - Ninh Bình.
Hổ mẹ và hổ con - đình Trùng Hạ - Ninh Bình.

Cuộc triển lãm giới thiệu hàng trăm hình ảnh tư liệu và hàng chục hiện vật tiêu biểu về linh vật, thể hiện dưới dạng điêu khắc ở đình làng và hiện vật đang được lưu giữ tại Bảo tàng Hà Nội. Linh vật là những con vật huyền thoại hoặc có thật được “linh thiêng hóa”, được con người sáng tạo và sử dụng như những biểu tượng văn hóa để truyền đạt ý tưởng và niềm tin tâm linh, tín ngưỡng, tôn giáo. Linh vật thường được mô tả trong thần thoại, truyền thuyết và được biểu đạt trong nghệ thuật tạo hình. Người xưa tin rằng, linh vật là hiện thân của các lực lượng tự nhiên hoặc mang những đặc tính huyền bí, năng lực siêu nhiên có thể chi phối nhân sinh, vũ trụ.

Linh vật xuất hiện trong văn hóa Việt Nam từ thời dựng nước đến các thời đại phong kiến. Linh vật trong nghệ thuật tạo hình Việt Nam có nhiều loại khác nhau, thể hiện qua những bức tượng, phù điêu để trang trí tại các công trình kiến trúc như đền đài, lăng tẩm, cung điện, đình làng, chùa… Bên cạnh tượng tròn, phù điêu, tranh vẽ, linh vật còn được thể hiện dưới dạng hoa văn, họa tiết trên các vật dụng mà tiêu biểu nhất là đồ gốm sứ. Chỉ riêng trong kiến trúc đình làng, người xưa đã tạo tác bộ linh vật khá phong phú. Đó là con rồng, kỳ lân, sư tử, nghê, phượng, ngựa, voi, rùa, uyên ương… được chạm khắc trên các cấu kiện của đình như mái, kèo, cột... Đặc biệt là trên gốm cổ các loại như bình, hũ, tô, đĩa… cũng xuất hiện nhiều hình linh vật.

Tượng vua đi cày băng voi - đình Hoàng Xá - Hà Nội.
Tượng vua đi cày băng voi - đình Hoàng Xá - Hà Nội.

Linh vật mà ta thấy phổ biến nhất là rồng. Ở Việt Nam rồng giữ vai trò là một phúc thần mang đến mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Do đó, hình tượng rồng tuy không có thực nhưng rất gần gũi, gắn bó với người. Trong triển lãm này người xem được thưởng thức những bức tượng tiên cưỡi rồng, cặp rồng trang trí trên lá đề, cá chép hóa rồng trang trí trên gạch đất nung.

Kỳ lân là linh vật huyền thoại, xuất hiện từ lâu đời trong các nền văn hóa Á Đông. Theo truyền thuyết, kỳ lân biểu tượng cho lòng nhân từ, mỗi khi nó xuất hiện là điềm báo có thánh nhân, minh quân ra đời, đất nước thái bình thịnh trị. Hình tượng kỳ lân trong nghệ thuật Việt Nam xuất hiện phổ biến từ thời Lê sơ, thế kỷ 15, khi Nho giáo phát triển đến đỉnh cao. Ta thấy khá nhiều hình kỳ lân trang trí nhiều màu trên gốm Chu Đậu, tiêu biểu nhất là những đĩa lớn hoặc trên nắm hộp, khay nhỏ.

Lá đề hình rồng trang trí trên mái các công trình kiến trúc cung đình thời Lý Trần.
Lá đề hình rồng trang trí trên mái các công trình kiến trúc cung đình thời Lý Trần.

 Phượng vốn là linh vật có nguồn gốc từ thần thoại và nghệ thuật Trung Hoa, được nhiều nước Á Đông tiếp nhận và sử dụng. Theo truyền thuyết, phượng là vua của các loài chim, mang nhiều đức tính, phẩm hạnh cao đẹp. Phượng chỉ xuất hiện vào thời thái bình và ẩn mình khi thời loạn lạc nên nó là biểu tượng cho thái bình. Phượng luôn là hình ảnh tượng trưng cho nữ giới, là biểu tượng của hoàng hậu, tiên nữ trên trời. Phượng thường được kết hợp với rồng trong đề tài “Long Phụng hòa duyên”, tượng trưng cho hạnh phúc lứa đôi. Ở Việt Nam, phượng là đề tài trang trí phổ biến ở mọi thời đại, trên mọi lĩnh vực nghệ thuật khác nhau. Những tác phẩm điêu khắc dân gian ở đình làng mang tính nghệ thuật cao nhất chính là khắc họa hình tượng tiên cưỡi phượng.

Ở Việt Nam, hổ được coi là chúa sơn lâm, có sức mạnh chinh phục muôn loài. Bởi vậy, hổ đã được linh hóa, biểu trưng cho quyền uy và sức mạnh giống như sư tử. Hổ thường được tạc trấn giữ ở cổng tam quan các công trình kiến trúc cổ, đứng gác hai bên đường thần đạo ở các lăng mộ hay chầu trên các hương án... Trong điêu khắc đình làng, người xưa cũng để lại những tác phẩm tiêu biểu như Người cưỡi voi đuổi hổ, Hổ mẹ và hổ con, Săn hổ…

Tượng nghê bằng sứ thời Lê - Mạc. Ảnh: Tấn Vịnh - Trần Hiếu
Tượng nghê bằng sứ thời Lê - Mạc.

Theo Phật thoại, voi là một trong các hóa thân của Đức Phật. Đức Phật cũng từng đầu thai dưới dạng voi trắng trong giấc mơ của hoàng hậu Maya. Voi còn là vật cưỡi của Phổ Hiền Bồ Tát. Bởi vậy, voi biểu trưng cho điềm lành khi thế giới xuất hiện Đức Phật, cho chân lý, trí tuệ, sự kiên định và trong sạch. Với ý nghĩa như vậy, voi hiện diện khá nhiều trong nghệ thuật Phật giáo Việt Nam. Đồng thời voi còn là linh vật có sức mạnh trấn giữ khi đặt hai bên đường thần đạo trước lăng mộ hoặc phủ phục trước cổng đền. Trong điêu khắc đình làng, nghệ nhân xưa đã tạo nên những tác phẩm điêu khắc giàu cảm xúc, đường nét tạo hình điêu luyện như vua đi cày bằng voi, Phổ Hiền Bồ Tát cưỡi voi, Người cưỡi voi, Tượng binh…

Linh vật từ lâu đã trở thành một phần của tâm hồn Việt, thể hiện ước vọng và khát vọng của người Việt. Trải qua thời gian, linh vật cũng chịu nhiều tác động lai tạp. Những năm gần đây, linh thú ngoại lai xuất hiện nhiều ở các di tích, đình chùa cùng với sự xâm lăng của các làn sóng văn hóa. Triển lãm này là cơ hội tốt để công chúng tìm hiểu và nhận thức sâu sắc hơn về sự phong phú và độc đáo của các linh vật trong văn hóa Việt Nam; ngăn chặn sự xâm nhập văn hóa ngoại lai hỗn tạp, thiếu chọn lọc; góp phần bảo tồn, gìn giữ, phát huy giá trị truyền thống văn hóa Việt Nam, khơi gợi ý thức văn hóa dân tộc trong việc sử dụng các biểu tượng văn hóa.

(Bài viết có tham khảo tài liệu của Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam).

TẤN VỊNH

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Linh vật và tâm hồn việt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO