Lình xình chuyện một cửa du lịch Cù Lao Chàm

MINH QUÂN 21/03/2017 08:52

Đến nay đã có 36/38 doanh nghiệp thuộc Ban vận động Hiệp hội du lịch (HHDL) Cù Lao Chàm thống nhất mô hình bán vé một cửa để cùng chia sẻ lợi ích, xóa bỏ tình trạng chèo kéo khách, khắc phục tình trạng cạnh tranh không lành mạnh… Nhưng vẫn còn 2 doanh nghiệp chưa chịu tham gia mô hình này khiến việc bình ổn giá vé gặp khó khăn.  

Đã gần nửa tháng qua, 36 doanh nghiệp chuyên hoạt động tour du lịch thuộc Ban vận động HHDL Cù Lao Chàm đi vào hoạt động bán vé một cửa tại cảng Cửa Đại (TP.Hội An). Từ khi các doanh nghiệp chấp nhận vào “sống chung một nhà”, hoạt động du lịch tại khu vực Cù Lao Chàm trở nên nền nếp hơn. Ông Trần Hùng - Trưởng ban vận động HHDL Cù Lao Chàm chia sẻ: “Thứ nhất là không còn cảnh cò mồi, chèo kéo khách. Thứ hai không còn cảnh mạnh ai nấy hạ giá cạnh tranh. Thứ ba là bình ổn giá cho các tour lữ hành…”.

Du khách đi Cù Lao Chàm mua vé với giá quy định tại cảng Cửa Đại.
Du khách đi Cù Lao Chàm mua vé với giá quy định tại cảng Cửa Đại.

Theo ông Hùng, cách làm này của Ban vận động HHDL không chỉ giúp các doanh nghiệp nâng cao chất lượng dịch vụ mà còn giúp những doanh nghiệp yếu thế có cơ hội đầu tư, nâng cao chất lượng phục vụ, đứng vững trên thị trường. Từ lúc mô hình một cửa đi vào hoạt động, giá vé tour đi đảo Cù Lao Chàm được bán theo giá quy định của TP.Hội An. Việc này còn giúp doanh nghiệp giảm chi phí, tăng cao lợi nhuận. “Trước đây mạnh ai nấy bắt khách, đủ giá, giá nào cũng bắt được miễn là đầy khách để chạy. Khách thì lúc nào cũng đầy, nhưng chi phí quá lớn nên lợi nhuận không được bao nhiêu. Còn nay vào một cửa chạy ít chuyến hơn nhưng lợi nhuận cao hơn trước, có lãi hơn vì chi phí thấp. Tôi hài lòng với cách làm này” - ông Võ Khương, Giám đốc Công ty TNHH MTV du lịch Phương Đông bày tỏ.

Cảng Cửa Đại có 38 doanh nghiệp chuyên hoạt động lữ hành du lịch đảo Cù Lao Chàm. Hiện có 36 doanh nghiệp tham gia mô hình một cửa, còn lại 2 doanh nghiệp là Công ty TNHH Ngân Hà và Công ty TNHH DVDL-VT Dũng Hiếu chưa tham gia mặc dù Phòng Thương mại - du lịch TP.Hội An ra sức vận động. Trao đổi với chúng tôi, ông Phan Hưng - Giám đốc Công ty TNHH Ngân Hà nói: “Tôi không vào một cửa chưa chắc là tôi phá giá, chuyện không vào có nhiều lý do. Tour của Ngân Hà có nhiều sản phẩm, nhiều dịch vụ, mỗi dịch vụ mỗi giá khác nhau.

Chẳng hạn tour đi quanh đảo là 700 nghìn đồng/người, tour đi tham quan hang yến sào là 800 nghìn đồng/người, tour dành cho sinh viên 370 nghìn đồng/người. Tour này không có dịch vụ ăn uống, chỉ chở ra tham quan và tắm biển rồi vào lại, tôi chỉ lấy 300 nghìn đồng/người, 70 nghìn đồng còn lại trả phí cho khu bảo tồn biển…. Nếu vào một cửa tôi bán theo giá quy định thì các tour trên tôi không chỉ lỗ trắng mà còn mất đi tour truyền thống mà chúng tôi tốn công sức, tiền bạc gây dựng mấy năm nay”. Còn ông Trần Văn Lai, một thành viên của Công ty TNHH DVDL-VT Dũng Hiếu cho rằng: “Thực sự tại cảng có nhiều công ty đóng tàu ra là chạy, nhưng họ không có nguồn khách. Lúc chưa có một cửa thì họ dựa vào nguồn khách từ cò, và hạ giá, chấp nhận lãi ít. Còn chúng tôi bỏ ra biết bao nhiêu tiền bạc, công sức đi tiếp thị từng đơn vị lữ hành, từng khách sạn khắp cả nước. Nay vào một cửa thì buộc tôi phải chia khách cho những người ngồi không mà hưởng lợi thì làm sao chấp nhận được”.

MINH QUÂN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Lình xình chuyện một cửa du lịch Cù Lao Chàm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO