Từ năm 2018, việc các tổ chức quốc tế sẽ cắt giảm và cắt giảm hoàn toàn chi phí hỗ trợ điều trị cho bệnh nhân HIV/AIDS khiến người bệnh hết sức lo lắng. Tuy nhiên, Chính phủ cũng như UBND tỉnh đã tính toán đến việc này để đảm bảo giúp cho người bệnh được hưởng lợi nhất.
Việc tham gia BHYT sẽ giảm bớt gánh nặng cho người bị nhiễm HIV/AIDS. Ảnh: internet |
Bác sĩ Đỗ Trường Lưu - Trưởng khoa Tư vấn, chăm sóc và điều trị HIV/AIDS (Trung tâm HIV/AIDS tỉnh) cho biết, các tổ chức quốc tế như Quỹ toàn cầu HIV/AIDS, Vacc-US.CDC, Pep Far bắt đầu chương trình tài trợ cho bệnh nhân bị nhiễm HIV/AIDS ở Việt Nam từ khoảng năm 2005. Trong đó, họ tài trợ chi phí tất cả xét nghiệm liên quan đến khám chữa bệnh HIV/AIDS; thuốc kháng vi rút (ARV); thuốc điều trị dự phòng nhiễm trùng cơ hội… “Đây hầu hết là những công tác để điều trị cho người bị bệnh. Nhưng theo lộ trình, bắt đầu từ tháng 1.2018 họ cắt tất cả chi phí cho các công tác này, chỉ còn lại thuốc ARV. Đến tháng 1.2019 sẽ cắt hoàn toàn. Vì vậy, nếu không có thẻ BHYT, người bệnh sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc điều trị” - bác sĩ Lưu nói. Tính đến tháng 9.2017, toàn tỉnh có 337 bệnh nhân nhiễm HIV đang điều trị ARV tại hai phòng khám ngoại trú đặt tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh và Bệnh viện Nhi tỉnh với chi phí điều trị được đảm bảo từ nguồn viện trợ nước ngoài. “Tôi điều trị ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã hơn 2 năm nay. Tất cả chi phí đều đã được thanh toán bằng tiền hỗ trợ nên cũng thấy nhẹ nhàng. Nhưng giờ mà cắt nguồn đó thì rất khó. Gia đình cũng vì mình mà nghèo đi rồi, giờ đổ bệnh, lại làm phiền nên không biết như thế nào” - anh T.V.V. (trú ở huyện Tiên Phước) buồn bã nói.
Với nguồn kinh phí được hỗ trợ từ UBND tỉnh (gần 237 triệu đồng/337 bệnh nhân), các bệnh nhân sẽ sớm có được thẻ BHYT để tiếp tục khám chữa bệnh như trước đây. “Dù không phải là miễn phí hoàn toàn, nhưng cũng sẽ rất nhẹ nhàng. Hơn nữa, tiền mua bảo hiểm đã được UBND tỉnh hỗ trợ nên các gia đình này cũng sẽ bớt khó khăn” - ông Nguyễn Văn Văn, Phó Giám đốc Sở Y tế nói. Sở Y tế đã và đang tiến hành các thủ tục liên quan để người nhiễm HIV/AIDS có BHYT như quy định. |
Liên quan về vấn đề trên, Chính phủ sớm đã có lộ trình để lo cho người bệnh. Theo đó, ngày 15.11.2016, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2188/QĐ-TTg quy định rõ về việc thanh toán thuốc kháng vi rút HIV được mua sắm tập trung cấp quốc gia từ nguồn quỹ khám chữa bệnh BHYT và hỗ trợ người sử dụng thuốc kháng vi rút HIV. Trong đó nêu rõ: UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm bố trí các nguồn kinh phí để đảm bảo 100% số người nhiễm HIV có thẻ BHYT. “Ngay khi có quyết định này của Chính phủ, chúng tôi đã làm tờ trình để xin hỗ trợ kinh phí mua thẻ BHYT cho người nhiễm HIV đang điều trị trong tỉnh và đã được UBND tỉnh phê duyệt phương án này” - ông Nguyễn Văn Văn, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết.
UBND tỉnh đã yêu cầu Sở Y tế phối hợp với Bảo hiểm xã hội tỉnh và ban ngành liên quan triển khai các nội dung để thực hiện khám chữa bệnh BHYT cho người bị HIV/AIDS. Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Thanh, với các bệnh viện đang điều trị HIV/AIDS cần phải bổ sung hợp đồng khám chữa bệnh BHYT hàng năm; triển khai cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh qua Quỹ BHYT. Với các trung tâm y tế và trung tâm y tế dự phòng, trung tâm phòng chống HIV/AIDS cần khẩn trương rà soát các điều kiện để ký hợp đồng khám chữa bệnh BHYT với cơ quan BHXH. “Trường hợp không thể hoàn thành việc ký hợp đồng này trước tháng 7.2017, Sở Y tế phải có kế hoạch tư vấn, chuyển người bị nhiễm HIV đang điều trị tại trung tâm sang các bệnh viện đang triển khai điều trị HIV qua BHYT. Bên cạnh đó, cần triển khai các biện pháp hỗ trợ, theo dõi người bệnh trong quá trình chuyển giao điều trị, không để tình trạng gián đoạn, bỏ điều trị do tác động của quá trình chuyển giao này” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Thanh nói.
TUỆ LÂM