Lo biến đổi khí hậu toàn cầu

QUỐC HƯNG 08/09/2016 10:27

Các nhà khoa học cảnh báo về hiện tượng ấm nóng hay biến đổi khí hậu toàn cầu đang khiến các đại dương lâm nguy.

Đại hội Bảo tồn thế giới do Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) tổ chức tại bang Hawaii, Mỹ từ ngày 1 đến 10.9 với sự tham gia của hơn 8.300 đại biểu bao gồm các nhà lãnh đạo, nhà khoa học, các doanh nghiệp, chuyên gia bảo tồn, nhóm dân tộc bản địa… đến từ 184 quốc gia. Hội nghị là cơ hội để các đại biểu thảo luận, tìm ra giải pháp để bảo tồn thiên nhiên bền vững. “Giải thích tình trạng ấm lên của đại dương” - một công trình nghiên cứu của 80 nhà khoa học thế giới nhận định. Hệ lụy là động vật ở đại dương bị nhiễm bệnh, tác động tiêu cực đến sức khỏe con người, đe dọa nguồn an ninh lương thực, dinh dưỡng.

Tổng Giám đốc IUCN Inger Andersen nói, tất cả chúng ta đều biết đại dương chiếm 70% diện tích trái đất và được xem là cái nôi của sự sống hành tinh. Chúng cung cấp khoảng 50% lượng ô xy, nguồn thức ăn với 20% lượng protein mà hàng tỷ người trên thế giới tiêu thụ, điều hòa khí hậu, hấp thụ 30% lượng khí thải gây ô nhiễm từ hiệu ứng nhà kính… Đại dương thế giới đóng góp cho kinh tế với giá trị ước tính khoảng 2.500 tỷ USD/năm (chỉ đứng sau nền kinh tế lớn thứ 6 của thế giới là Anh), tạo việc làm và thúc đẩy đổi mới.

Đại dương xanh là nguồn sống của trái đất. Ảnh: nationalgeographic
Đại dương xanh là nguồn sống của trái đất. Ảnh: nationalgeographic

Thế nhưng, ý thức và hành động của chính con người đang khiến đại dương thế giới suy thoái. Đại dương điều hòa không khí sẽ làm giảm nhiệt độ tác động lên mặt đất nhưng lại khiến cuộc sống của đại dương, của muôn loài ở đó bị thay đổi rất rõ ràng. Cụ thể, nhiệt độ nước biển gia tăng khiến sinh vật biển như sinh vật phù du, sứa, cá và rùa di chuyển về cực có nhiệt độ thấp hơn. Nhà khoa học Dan Laffoley, đồng tác giả bản báo cáo trên cho biết, sự thay đổi môi trường biển diễn ra nhanh gấp 1,5 lần so với diễn ra trên đất liền. “Chúng ta đang làm thay đổi các mùa ở đại dương” - Dan Laffoley cho biết.
Bên cạnh đó, việc con người xả rác thải gây ô nhiễm, khai thác cạn kiệt, thậm chí khai thác kiểu tận diệt nguồn hải sản khiến kho báu vật thiên nhiên quý giá trong lòng đại dương ngày càng giảm mạnh.

Ví như trong vòng 20 năm qua, các nước Đông Nam Á đã mất đi 12% số rạn san hô, 48% số rạn san hô khác đang trong tình trạng suy thoái nghiêm trọng. Thêm nữa, số liệu báo cáo của Trung tâm cá thế giới vào cuối năm ngoái cho biết, các chủng loại cá tại vùng biển Đông Nam Á đang giảm đi nhanh chóng, uy hiếp sinh kế của hơn 100 triệu người. Chỉ riêng tại vịnh Thái Lan, từ năm 1961-1991, mật độ cá giảm 86%. Còn nhớ cách đây 2 năm, Ủy ban Đại dương Thế giới (Global Ocean Commission) công bố chương trình “tám điểm” để phục hồi và bảo vệ sức khỏe của các đại dương, đưa ra các biện pháp then chốt như: sử dụng ít hơn các đồ nhựa, giới hạn việc đánh cá ở các vùng biển quốc tế và việc xây dựng các quy định chặt chẽ đối với khai thác dầu khí ở các vùng ven biển... Kế hoạch hành động được thế giới thực thi trong vòng 5 năm sau đó với hy vọng góp phần khôi phục “sức khỏe” cho đại dương.

QUỐC HƯNG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Lo biến đổi khí hậu toàn cầu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO