Hạ tầng giao thông đường bộ đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong “huyết mạch” của nền kinh tế, đảm bảo an sinh - xã hội, quốc phòng - an ninh. Vì vậy, việc đầu tư xây dựng mới, hoặc bảo trì, bảo dưỡng đã và đang được Quảng Nam quan tâm thực hiện. Tuy nhiên, nhiều yếu tố mất an toàn giao thông (ATGT) qua quá trình khai thác, vận hành trên loại hình giao thông này đang tồn tại, cần được quan tâm hơn nữa để tháo gỡ, vì mục tiêu an toàn tính mạng của con người là trên hết.
Đại diện doanh nghiệp đảm nhận nhiệm vụ bảo trì, bảo dưỡng đường bộ cho rằng, muốn khai thác hiệu quả và đảm bảo ATGT thì phải thực hiện đầy đủ công tác tuần đường, kịp thời phát hiện hư hỏng, xuống cấp và báo cáo, đề xuất xử lý.
Sửa chữa, dặm vá mặt đường hư hỏng; khơi thông cống, rãnh thoát nước; quét dọn vệ sinh trên mặt đường, mặt cầu và các công trình đường bộ khác; cắt cỏ, phát quang trong phạm vi đất của đường bộ, hành lang để đảm bảo tầm nhìn; sơn lại các đoạn bị mờ… cần được làm thường xuyên.
“Điểm đen”, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông cũng phải kịp thời rà soát, xử lý. Đặc biệt, coi trọng tuyên truyền người dân không xâm phạm hành lang ATGT; xử lý nghiêm hành vi vi phạm kết cấu hạ tầng đường bộ.
Muốn đảm bảo ATGT đường bộ, việc kiểm soát hoạt động vận tải, nhất là hàng hóa phải được quan tâm hơn nữa, khi mà xe chở quá tải, quá kích thước thành, thùng đang thật sự là vấn nạn dẫn tới tình trạng đường bộ ở nhiều địa phương bị xuống cấp nghiêm trọng.
Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác bảo đảm trật tự ATGT 6 tháng đầu năm 2022 diễn ra mới đây, Ủy ban ATGT quốc gia cho rằng, cấp ủy, chính quyền và lực lượng chức năng ở một số địa phương nhận thức chưa đúng, thiếu quyết liệt chỉ đạo và thực hiện kiểm soát tải trọng phương tiện đường bộ.
Đáng chú ý, các cơ quan, lực lượng chức năng phối hợp thiếu chặt chẽ trong kiểm soát tải trọng. Có thể khẳng định, đây chính là nguyên nhân khiến hiệu quả thực thi pháp luật bị hạn chế, dẫn tới đối tượng vi phạm “nhờn luật”.
Muốn chấn chỉnh và đưa vận tải đường bộ vào nền nếp, việc kiểm tra toàn diện ý thức chấp hành quy định kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô, trong đó có xe tải của các doanh nghiệp phải được thực hiện quyết liệt, thậm chí làm liên tục.
Tăng cường kiểm tra xử lý, kiểm soát tải trọng xe ngay tại các đầu mối sản xuất cung ứng hàng hóa, vật liệu xây dựng, kho, cảng. Đặc biệt, các lực lượng chức năng không vì “quyền tôi, trách nhiệm anh” mà không phối hợp chặt chẽ tuần tra kiểm soát khép kín, xử lý nghiêm vi phạm.
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể - Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban ATGT quốc gia khẳng định, việc sửa đổi, bổ sung nghị định xử phạt cần thiết phải được tiến hành theo hướng tăng nặng hơn nữa.
Không thể có chuyện xe quá tải tới 50%, 70%; xe cơi nới kích thước thành, thùng 15 - 20% sau khi xử phạt vẫn được lưu hành, mà phải tịch thu phương tiện nhằm đảm bảo răn đe.
Để thực thi công vụ đạt hiệu quả cao, Ban ATGT tỉnh kiến nghị cấp thẩm quyền trang bị phương tiện, thiết bị nghiệp vụ cho lực lượng trực tiếp tuần tra kiểm soát, đơn cử như cân tải trọng xách tay hiện đang thiếu trầm trọng.