Lo cho an toàn đường sắt

SÁU CÒI 08/06/2023 07:41

Vụ tai nạn giao thông thảm khốc liên quan đến tàu chở khách xảy ra vào tối ngày 2/6 vừa qua, tại đoạn đường sắt chạy qua bang Odisha (Ấn Độ) đã khiến ít nhất 300 người thiệt mạng và hơn 850 người bị thương. Nguyên nhân vụ tai nạn đang được điều tra làm rõ, nhưng có thể khẳng định, sự cố gây rúng động dư luận thế giới này là lời cảnh báo về việc cần đảm bảo an toàn giao thông đường sắt.

Một chốt gác do tỉnh bố trí kinh phí thực hiện tại LĐTM qua địa bàn xã Duy Sơn (Duy Xuyên). Ảnh: SC
Một chốt gác do tỉnh bố trí kinh phí thực hiện tại LĐTM qua địa bàn xã Duy Sơn (Duy Xuyên). Ảnh: SC

Tại Quảng Nam, hiện nay tuyến đường sắt Bắc - Nam qua địa bàn tỉnh dài 91,5km còn tới 61 lối đi tự mở (LĐTM) băng qua đường sắt (đường ngang bất hợp pháp). Trong đó, một số đoạn tuyến đi qua khu vực dân cư đông đúc có nguy cơ cao xảy ra tai nạn giao thông, đe dọa nghiêm trọng đến an toàn chạy tàu, đặc biệt là tính mạng của hàng trăm hành khách trên tàu.

Hành vi ném đá lên tàu đang chạy lại tái diễn. Đơn cử, hồi 18 giờ 15 phút ngày 29/1/2023, đoàn tàu thống nhất SE17 chạy tới lý trình km860+300 thuộc địa bàn xã Tam Đàn (Phú Ninh) thì bị đối tượng ném đá gây rạn nứt kính cửa sổ cố định tại vị trí ghế số 16 bên trái theo hướng tàu chạy.

Ngoài ra, tình trạng vi phạm hành lang an toàn đường sắt, trồng cây che khuất tầm nhìn cũng xảy ra nhan nhản ở các địa phương có tuyến đường sắt đi qua. Nhằm đảm bảo an toàn chạy tàu, Quảng Nam đã cố gắng bố trí kinh phí xây dựng đường gom để xóa dần LĐTM.

Tỉnh còn giao kinh phí cho các địa phương tổ chức chốt gác tại 9 LĐTM tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông cao. Huyện Thăng Bình đã xây dựng hoàn thành đường ngang có cần chắn tự động tại km845+880, làm chốt gác tại km849+800.

Theo Quyết định số 2044 ngày 30/7/2020 của UBND tỉnh, để xóa toàn bộ LĐTM thì cần xây dựng khoảng 3km đường gom trong khu đô thị và khu đông dân cư, 23km đường gom khu vực ít dân cư và một số cầu vượt, hầm chui.

Tuy nhiên, việc xây dựng đường gom trong khu đô thị và khu đông dân cư ngoài phạm vi đất dành cho đường sắt theo quy định sẽ gặp khó khăn giải phóng mặt bằng, chi phí bồi thường rất lớn do nhà cửa, vật kiến trúc người dân đã xây dựng đến mép ranh giới phạm vi đất dành cho đường sắt, không còn quỹ đất để bố trí đường gom.

Thế nên, mục tiêu xóa bỏ toàn bộ LĐTM vào năm 2025 trở nên nan giải. Quảng Nam đã kiến nghị Cục Đường sắt Việt Nam xem xét chấp thuận cho xây dựng đường gom, hàng rào bảo vệ để xóa LĐTM trong một số trường hợp được thực hiện trong phạm vi đất dành cho đường sắt theo quy định tại Nghị định 56 ngày 16/4/2018 của Chính phủ. Các bộ, ngành trung ương có kế hoạch hỗ trợ nguồn vốn để thực hiện.

Trước mắt, ngành đường sắt cùng các đơn vị, địa phương liên quan phải phối hợp tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng đường sắt. Ngành cũng cần sớm sửa chữa, khắc phục hư hỏng mặt đường bộ trong phạm vi đường ngang.

Đặc biệt, ngành đường sắt cần tăng cường kiểm tra việc chấp hành quy định của đội ngũ tuần đường, lực lượng làm nhiệm vụ chốt gác tại đường ngang. Chú trọng kiểm tra bảo dưỡng, đảm bảo duy trì hệ thống tín hiệu, cảnh báo tự động tại đường ngang hoạt động ổn định nhằm tránh sự cố đáng tiếc xảy ra khi tàu chạy qua.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Lo cho an toàn đường sắt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO