Lộ diện nhiều bất lợi

TRỊNH DŨNG 01/07/2015 09:10

Sản xuất, kinh doanh, vốn đổ vào nền kinh tế nhiều, thu ngân sách tăng… cho thấy Quảng Nam đã duy trì được sự ổn định kinh tế. Tuy nhiên, để đạt mục tiêu tăng trưởng 11,5% GDP cho năm 2015 sẽ còn không ít khó khăn khi khá nhiều yếu tố bất lợi đang ngày càng lộ diện.

Gia tăng vốn đầu tư

Động lực tăng trưởng kinh tế ấn tượng nhất của Quảng Nam 6 tháng qua phụ thuộc vào ngành công nghiệp. Khu vực này vẫn duy trì được mức tăng trưởng liên tiếp khi giá trị sản xuất chiếm đến gần 37% cơ cấu kinh tế với 23.400 tỷ đồng, tăng 16%, cao hơn 0,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Khu vực xuất nhập khẩu cũng đã đạt được mức tăng trưởng khả quan. Hàng dệt may, sản phẩm từ giấy, mây tre, sản phẩm gỗ, linh kiện điện tử… vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng, chiếm tỷ trọng xuất khẩu cao. Nhập khẩu tăng trên 36%, giá trị đạt 525 triệu USD, bảo đảm cung cấp máy móc, thiết bị và nguyên phụ liệu sản xuất. Dấu hiệu tăng trưởng này chứng tỏ các doanh nghiệp đã sẵn sàng chuẩn bị cho sản xuất, hoàn tất các hợp đồng cung cấp đơn hàng những tháng cuối năm. Tín dụng tăng trưởng nhỏ giọt từ nhiều tháng qua (chỉ tăng 4,5% trong vòng 5 tháng) đã bất ngờ tăng đến 8,7% vào cuối tháng 6 (29.000 tỷ đồng). Con số tăng trưởng tín dụng này còn cao hơn 2,4% so với cùng kỳ năm 2014. Giới ngân hàng cho hay đã bắt đầu khơi thông dòng tiền chảy vào khu vực sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng và các dự án lớn.

Sản xuất tăng, nhưng để đạt mục tiêu tăng trưởng 11,5% GDP năm 2015 vẫn còn không ít khó khăn. Trong ảnh: ngư dân cập bờ sau chuyến đánh bắt hải sản. Ảnh: T.DŨNG
Sản xuất tăng, nhưng để đạt mục tiêu tăng trưởng 11,5% GDP năm 2015 vẫn còn không ít khó khăn. Trong ảnh: ngư dân cập bờ sau chuyến đánh bắt hải sản. Ảnh: T.DŨNG

Theo tính toán của Sở KH&ĐT, số lượng doanh nghiệp ngừng hoạt động, giải thể đã giảm từ 46% đến 80% so với năm 2014 và số lượng doanh nghiệp mới gia nhập thị trường ngày càng gia tăng (6%) với tổng vốn đầu tư đăng ký 1.400 tỷ đồng. Đầu tư doanh nghiệp cũng đã gia tăng đáng kể với 6 doanh nghiệp FDI được cấp phép, tổng vốn gần 522 triệu USD, 23 dự án đầu tư nội địa triển khai dự án, tổng vốn 724 tỷ đồng… Những con số này đã góp thêm sức sống cho bức tranh đầu tư, sản xuất, kinh doanh của địa phương. Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản đến ngày 15.6 đã đạt 50%, tăng 1% so cùng kỳ. Kinh tế tăng trưởng đã dẫn đến tổng thu ngân sách nhà nước đạt 69% dự toán. Nổi bật là thu nội địa hơn 4.040 tỷ đồng, đạt 63% dự toán, tăng 41%. Hiện tại, tăng trưởng kinh tế Quảng Nam chủ yếu vẫn dựa vào yếu tố vốn. Chỉ số giải ngân, vốn tín dụng đều tăng, cho thấy lượng vốn lớn đã đổ vào nền kinh tế, kéo theo tổng vốn đầu tư toàn xã hội gia tăng đáng kể với hơn 7.970 tỷ đồng, tăng 7,2% so cùng kỳ năm ngoái...

Không dễ tăng trưởng

Nhiều nhà quản lý cho rằng 6 tháng qua, GDP của Quảng Nam đã tăng 11,46% (cao hơn mức tăng cùng kỳ 0,46%), chỉ cần những tháng còn lại đạt mức tăng trưởng 11,54% là dễ dàng thực hiện chỉ tiêu kế hoạch tăng trưởng 11,5%. Trong chiều hướng lạc quan ấy, các cơ quan quản lý khẳng định xu hướng tăng trưởng là điều chắc chắn vì quý III và IV luôn là mùa cao điểm về sản xuất kinh doanh. Các ngân hàng thương mại cho biết thông thường những tháng cuối năm, dòng vốn sẽ được bơm ra thị trường nhiều hơn. Tốc độ cung tiền khoảng 13 - 15% là mức tăng trưởng được cho là tối ưu, giúp nền kinh tế địa phương đạt đến mức tăng trưởng khả quan.

Tăng trưởng 11,5% GDP ấn định cho năm 2015 sẽ tăng thêm nhiều vốn tương ứng. Tổng cung tăng thì GDP sẽ nhanh chóng gia tăng là điều dễ thấy. Đây là cơ hội để ngân hàng mở rộng tín dụng với lãi suất ưu đãi, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh… Tuy nhiên, Sở KH&ĐT lại không nghĩ vậy. Các con số thống kê “tầm vĩ mô” ấy vẫn chưa thể phản ánh đúng thực trạng khó khăn của nền kinh tế. Thực tế cho thấy nhiều công trình, dự án bị chậm tiến độ, xuất khẩu quặng, khoáng sản giảm sâu đến 45%, nhiều doanh nghiệp thuộc ngành giày da, chiếm tỷ trọng xuất khẩu lớn lại có ít đơn đặt hàng, hợp đồng như Rieker giảm đến 27%, Groz-Beckert giảm 18,4%. Nhập khẩu tăng, chủ yếu vẫn là linh kiện ô tô (79%), điện tử tăng cao (44%), nhưng riêng nhập khẩu phụ liệu da giày, may mặc liên tục giảm (17%) trong những tháng gần đây cùng với hợp đồng xuất khẩu chưa nhiều. Dự kiến sẽ ảnh hưởng đến giá trị xuất khẩu mặt hàng này trong những tháng tiếp theo. Ngoài ra, tỷ lệ xuất khẩu của khu vực kinh tế nội địa chưa cao, chỉ chiếm khoảng 30% cũng là chỉ dấu khó khăn còn không ít với khu vực này. Ông Trần Văn Tri – Giám đốc Sở KH&ĐT cho hay, xuất khẩu có xu hướng giảm. Nhập khẩu các mặt hàng giải quyết lao động như dệt may, da giày đều giảm. Khó lường hết những phức tạp của diễn biến hạn hán, thiên tai. Dự báo sẽ khó khăn cho giải quyết việc làm, sản xuất và kinh doanh của các ngành kinh tế trong những tháng cuối năm.

Theo ông Tri, để đạt mục tiêu tăng trưởng, Quảng Nam không còn cách nào khác ngoài việc phải thực hiện đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, tăng dư nợ tín dụng, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh, gia tăng mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển, ưu tiên vốn đối ứng cho các dự án ODA, đẩy mạnh phát triển sản xuất nông, công nghiệp, xây dựng, dịch vụ, đẩy nhanh tiến độ thi công, hoàn thành các công trình, dự án lớn. Quan trọng là sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản, thúc đẩy tiến độ, chất lượng công trình và giải ngân, thanh quyết toán các nguồn vốn, nhất là các công trình trọng điểm. Rà soát điều chuyển nguồn vốn hợp lý, ưu tiên cho các công trình đã có khối lượng, khả năng hoàn thành đưa vào sử dụng, phát huy hiệu quả trong năm 2015 và xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản...

TRỊNH DŨNG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Lộ diện nhiều bất lợi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO