Lo đưa dân ra vùng sạt lở

TRẦN NGUYỄN 11/10/2018 06:08

Vào mùa mưa, các địa phương lại lúng túng sơ tán dân ra khỏi vùng sạt lở đến nơi an toàn.

Việc sắp xếp dân cư cần tránh xây nhà sát đồi núi như thế này. TRONG ẢNH: Một ngôi nhà ở tại xã Trà Đốc (Bắc Trà My) đối diện với nguy cơ sạt lở đất. Ảnh: T.H
Việc sắp xếp dân cư cần tránh xây nhà sát đồi núi như thế này. TRONG ẢNH: Một ngôi nhà ở tại xã Trà Đốc (Bắc Trà My) đối diện với nguy cơ sạt lở đất. Ảnh: T.H

Đoạn sông Ly Ly chảy qua thôn An Lạc (xã Duy Thành, Duy Xuyên) có tổng chiều dài sạt lở gần 8km, nhưng hiện mới xây kè 400m từ cầu Ba Ra lên đội 9 (thôn An Lạc). Ông Trần Thanh Thư - Chủ tịch UBND xã Duy Thành cho biết, việc xây dựng kè cứng sẽ bảo vệ được làng mạc, khu dân cư nhưng kinh phí rất lớn. Sạt lở nặng ảnh hưởng đất sản xuất của người dân nằm ở 2 nhánh sông chính của tỉnh là Vu Gia và Thu Bồn. Tỉnh vừa hoàn thành việc rà soát, tổng hợp tình hình sạt lở bờ sông và lập danh mục các dự án kè để đề nghị Trung ương hỗ trợ vốn, đưa vào danh mục đầu tư trung hạn. Loại hình thiên tai diễn biến phức tạp nhất trong năm qua là sạt lở đất đá ở khu vực miền núi. Rút kinh nghiệm về sạt lở đất hồi cuối năm ngoái xảy ra tại các xã Trà Đông, Trà Bui (Bắc Trà My), ngay từ đầu năm xã Trà Giang (Bắc Trà My) đã lên kế hoạch phòng chống thiên tai bằng việc triển khai Nghị quyết 12/2017/NQ-HĐND ngày 19.4.2017 của HĐND tỉnh về hỗ trợ sắp xếp ổn định dân cư. Địa phương này đã quy hoạch xong khu tái định cư và di dời 14 hộ dân ở những khu vực có nguy cơ sạt lở, nguy hiểm, ven núi, ven sông… vào sinh sống trước khi mùa mưa lũ đến.

Để tránh tái diễn nguy cơ sạt lở đất trong mùa mưa lũ năm 2018, theo kế hoạch, Quảng Nam di dời gần 1.300 hộ dân đến nơi an toàn. Trong đó, tập trung ở một số địa phương như Tiên Phước 300 hộ, Nam Giang 53 hộ, Bắc Trà My 860 hộ, Nam Trà My 77 hộ. Tuy nhiên, nhiều địa phương đã gặp khó khăn khi thực hiện Nghị quyết 12 của HĐND tỉnh. Theo UBND huyện Phước Sơn, địa phương đã nghiệm thu 300 ngôi nhà cho người dân với kinh phí hỗ trợ 16 tỷ đồng theo Nghị quyết số 12 của HĐND tỉnh về sắp xếp dân cư miền núi, nhưng tình trạng sạt lở hồi cuối năm ngoái tại các xã Phước Chánh, Phước Lộc, Phước Kim… đến nay vẫn chưa khắc phục xong. “Tác nhân kép” gây ra hiện tượng sạt lở tại đây là ngoài mưa lớn kéo dài, còn do người dân sử dụng máy ủi khai thác keo, làm cho đồi núi lở cục bộ. Trong khi đó, ông Huỳnh Ngọc Thiệu - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Bắc Trà My cho rằng, thách thức nằm ở chỗ thiếu kinh phí thực hiện, địa phương chọn được vị trí mặt bằng ưng ý thì lại thiếu vốn đầu tư, ổn định chỗ ở cho dân.

Tại cuộc họp với các ngành, địa phương và chủ đầu tư các nhà máy thủy điện, thủy lợi vào đầu tháng 10 vừa qua, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh lưu ý, cần xây dựng phương án di dời, sơ tán dân đối với những khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở, ngập lụt; đồng thời ngăn chặn các hoạt động làm tăng nguy cơ lũ ống, lũ quét, sạt lở đất như đào núi, xẻ ta luy dốc đứng…

TRẦN NGUYỄN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Lo đưa dân ra vùng sạt lở
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO