Tháng 4/2014, UBND tỉnh đã quyết định phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình điện chiếu sáng trên quốc lộ (QL) 1 qua địa bàn các huyện Duy Xuyên, Quế Sơn, Thăng Bình, Phú Ninh, Núi Thành (trừ các đoạn đã có hệ thống điện chiếu sáng được xây dựng hoàn trả của dự án nâng cấp, mở rộng QL 1 theo hình thức BOT); tổng kinh phí thực hiện 36,8 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước. Nhờ đó, trật tự an toàn giao thông trên tuyến QL 1 sau khi hoàn thành mở rộng, đưa vào khai thác đã bảo đảm hơn.
Vừa qua, đoàn công tác do đồng chí Lê Văn Dũng - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo về đẩy mạnh công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB) các dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 làm trưởng đoàn đã có cuộc làm việc với các địa phương, đơn vị liên quan đến dự án cải tạo, nâng cấp QL 14E.
Tại cuộc họp, huyện Thăng Bình kiến nghị tỉnh cho đầu tư đồng bộ hệ thống điện chiếu sáng trên toàn tuyến, vì dự án không đầu tư hệ thống chiếu sáng. Đây cũng chính là nguyện vọng thiết tha của nhân dân, cán bộ của 3 huyện Thăng Bình, Hiệp Đức, Phước Sơn có tuyến QL 14E đi qua.
Bày tỏ ý kiến về đề xuất của địa phương, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Xuân Vinh cho rằng, ý kiến nêu ra là xác đáng và cần được giải quyết. Lắp đặt hệ thống điện chiếu sáng trên cung đường này sẽ giải quyết nhiều vấn đề, mà việc đầu tư cho QL 1 trước đây là minh chứng.
Có ý kiến cho rằng, tỉnh đầu tư điện chiếu sáng là nên làm, nhưng cân nhắc liệu có thực hiện qua những đoạn không có dân cư? Theo chúng tôi, người tham gia giao thông muốn đi từ địa bàn này đến địa bàn khác sẽ phải qua đoạn trống dân cư.
Chưa kể, lưu lượng phương tiện ngày càng tăng; sau này khi hoàn thành cải tạo, mở rộng sẽ có nhiều xe tải, xe container đi qua. Nếu vậy, điện chiếu sáng sẽ bảo đảm an toàn cho người đi đường; hạn chế thấp nhấp tình trạng cướp giật tại khu vực không có dân cư.
Huyện Phước Sơn kiến nghị thống nhất chủ trương cho huyện lập dự toán di dời Trường Mẫu giáo Sơn Ca - điểm trường thôn Lao Mưng (xã Phước Xuân), tổng hợp đưa vào phương án bồi thường để có kinh phí di dời, xây dựng lại. Bởi lẽ, hiện trạng khối nhà ăn cho trẻ nằm trong vạch GPMB phải phá dỡ; khối 2 phòng học nằm sát vạch GPMB.
Do đó, dự án hoàn thành thì phương tiện lưu thông qua lại sẽ ảnh hưởng lớn đến chuyện học, nghỉ ngơi của trẻ. Phước Sơn cũng đã kiến nghị cho huyện giải tỏa, di dời toàn bộ nhà của 5 hộ dân bị ảnh hưởng một phần ngôi nhà tại xã Phước Hiệp.
Bởi diện tích còn lại nằm sát bờ sông Trường Giang đã sạt lở nghiêm trọng, nguy cơ sạt lở tiếp; chưa kể sau khi hoàn thành thì hành lang an toàn đường bộ đã gần như chiếm hết chiều sâu các thửa đất.
Những kiến nghị, nguyện vọng của địa phương vừa đề cập là chính đáng, rất cần được cấp thẩm quyền xem xét, giải quyết thấu đáo.