Hôm qua 14.10, tin về bộ phim hoạt hình Everest - người tuyết bé nhỏ (tựa tiếng Anh là Abominable) được cho là đã dừng chiếu trên tất cả hệ thống rạp. Toàn bộ trailer cũng đã tháo gỡ trên hệ thống. Xem lại sẽ thấy trailer ở giây thứ 17 có bản đồ thể hiện đường lưỡi bò vô lối, phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông, liếm hết vào vùng biển của ta. Phim do 2 nhà sản xuất của Trung Quốc và Mỹ thực hiện. Công ty TNHH CJ CGV Việt Nam là đơn vị phát hành bộ phim này tại nước ta. Phim ra rạp trên cả nước từ ngày 4.10, và trước đó đã được giới thiệu rầm rộ, rằng là một trong các “phim hay tháng 10”. Thế nên, khi tôi hỏi cậu con trai 11 tuổi về phim Người tuyết bé nhỏ, bạn nói “phim quảng cáo dữ lắm; nó nói về cuộc phiêu lưu của một đứa con gái trên đỉnh tuyết”.
Mười ngày sau khi bộ phim được công chiếu, có người phát hiện chi tiết nhà sản xuất chèn vào nội dung xâm hại chủ quyền biển đảo của Việt Nam và báo chí phản ánh thì đơn vị phát hành lặng lẽ rút phim với lý do ngừng khai thác vì phim ít khách. Chưa thấy ai lên tiếng nhận trách nhiệm về việc này, cả đơn vị phát hành lẫn cơ quan kiểm duyệt.
Cảnh chen (insert shot) đó xuất hiện ngay trên trailer mà vẫn không được hội đồng kiểm duyệt phát hiện thì thật khiến người ta đặt nhiều câu hỏi nghi ngờ. Trung Quốc đang và vẫn tiếp tục quấy phá vùng biển của ta ở bãi Tư Chính, những người làm nhiệm vụ kiểm duyệt tất nhiên là biết cả chứ. Vậy thì trách gì người dân bảo rằng người kiểm duyệt yếu kém. Bởi, đụng đến chuyện kiểm duyệt phim, người ta chưa quên được hồi tháng 3 năm này, lùm xùm quanh bộ phim Điệp vụ Biển Đỏ. Phim có cảnh thể hiện Biển Đông thuộc chủ quyền của Trung Quốc khi nhà sản xuất cố tình chèn thông điệp vi phạm chủ quyền biển đảo của Việt Nam. Cảnh phim đó, nói qua nói về, ông gà bà vịt, cuối cùng không ai chịu trách nhiệm về khâu kiểm duyệt. (Mà nếu có chăng cũng chỉ là qua quýt).
Tất cả những thứ đưa ra công chúng đều phải được cơ quan chủ quản kiểm duyệt, mức độ cẩn trọng và nghiêm ngặt tới đâu, tất nhiên phụ thuộc vào người thực thi, nhưng điều tuyệt đối quan trọng là không được bỏ lọt những thứ nhạy cảm, có tính chính trị, chủ quyền quốc gia - những thứ thuộc về nguyên tắc bất di bất dịch. Chúng tôi làm nghề viết, đôi khi sót lỗi chính tả, lỗi morat, lỗi thông tin sai, mà ngày mai lật trang báo ra, là xấu hổ với chính mình, với bạn đọc và trong trường hợp sai, buộc phải đính chính theo quy định của Luật Báo chí. Sai sót đó đều rơi vào trường hợp kiểm soát thiếu chặt chẽ, một khâu nào đó trong quy trình đã bị lơ là, bị bỏ qua. Nhưng, việc để lọt bản đồ có đường lưỡi bò trong khâu kiểm duyệt đối với bộ phim Everest - người tuyết bé nhỏ thì không thể gọi là “tai nạn nghề nghiệp” được. Hội đồng kiểm duyệt của Cục Điện ảnh hay đơn vị phát hành sẽ phải “đính chính” như thế nào khi bao nhiêu đứa trẻ đã xem và in hình ảnh đó vào đầu? Với một bộ phim - khi đến với khán giả, là bị điều chỉnh bởi các Luật Điện ảnh, Luật Quảng cáo, Luật Bản quyền. Nhưng xem ra, lỗ hổng vẫn còn rất lớn.