Lỗ hổng kỹ năng

KHÁNH LINH 15/03/2014 12:04

Du lịch Quảng Nam không chỉ thiếu nguồn nhân lực có chất lượng cao mà còn thiếu lao động có kỹ năng nghề nghiệp. Việc đánh giá, hỗ trợ phát triển kỹ năng nghề cho ngành du lịch là hướng đi thiết thực trong thời điểm hiện tại.

Thiếu chuyên nghiệp

Theo khảo sát của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), trong số các loại hình kinh doanh du lịch như lữ hành, vận chuyển, nhà hàng…, dịch vụ lưu trú thu hút nhiều lao động nhất với khoảng 65% và tập trung nhiều tại những bộ phận như buồng phòng, lễ tân và an ninh khách sạn. Qua điều tra cho thấy, chỉ khoảng 27% lao động có trình độ cao đẳng, đại học hoặc trên đại học, đa số còn lại được đào tạo ngắn hạn hoặc không có bằng cấp nên hầu hết doanh nghiệp khi tiếp nhận lao động phải tiến hành đào tạo lại, chủ yếu ở các bộ phận buồng phòng, lễ tân, nhân viên phục vụ...

Để nâng cao kỹ năng làm việc của nhân lực trong ngành du lịch, cần có sự liên kết đào tạo giữa nhà trường và doanh nghiệp.  Ảnh: VĨNH LỘC
Để nâng cao kỹ năng làm việc của nhân lực trong ngành du lịch, cần có sự liên kết đào tạo giữa nhà trường và doanh nghiệp. Ảnh: VĨNH LỘC

Để tìm hướng giải quyết vấn đề trên, mới đây, tại TP.Hội An, Sở VH-TT&DL phối hợp với ILO tổ chức hội thảo tham vấn ý kiến của các đơn vị liên quan về kết quả khảo sát đánh giá nhu cầu đào tạo trong ngành du lịch. Ông Ngô Quang Vịnh - cán bộ dự án “Tăng cường kỹ năng làm việc thúc đẩy thương mại theo chiến lược đào tạo G20” thuộc ILO cho biết, qua điều tra, phỏng vấn 117 doanh nghiệp dịch vụ - kinh doanh du lịch lĩnh vực lưu trú, nhà hàng, vận tải và lữ hành tại Quảng Nam cho thấy, lao động làm việc trong lĩnh vực du lịch dịch vụ trên địa bàn tỉnh hầu hết thiếu kỹ năng cơ bản. Nhiều người chẳng những thiếu kinh nghiệm làm việc, kỹ năng giao tiếp, mà còn yếu ngoại ngữ, nhất là với các ngôn ngữ hiếm như Hàn, Đức, Ý, Nga… Bên cạnh đó, các kỹ năng mềm khác như lãnh đạo, làm việc độc lập, kỹ năng kinh doanh, quản lý thời gian… cũng rất khó đáp ứng được yêu cầu. “Điều đó chứng tỏ chất lượng đào tạo nghề vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường do còn thiếu kinh nghiệm thực tế, thiếu liên kết giữa cơ sở đào tạo nghề và cơ sở du lịch” - ông Vịnh nói.

Theo ông Vịnh, để khắc phục trình trạng trên, sự liên kết các cơ sở kinh doanh và dạy nghề rất quan trọng. Trong đó, việc mời các chủ doanh nghiệp hoặc trưởng đơn vị kinh doanh tham gia giảng dạy tại những khóa đào tạo hoặc tham gia thuyết trình  hướng nghiệp là cần thiết. Doanh nghiệp cũng có thể tư vấn cho cơ sở đào tạo xây dựng các khung chương trình hoặc định hướng chương trình đào tạo thực tế, tạo điều kiện để trường gửi học viên đến các cơ sở du lịch học việc… “Chỉ khi nào việc xác định những kỹ năng làm việc trong ngành du lịch là cần thiết thì lúc đó người lao động và doanh nghiệp mới có thể thành công” - ông Vịnh cho biết.

Đào tạo gắn với thực tế

Tính đến hết năm 2013, Quảng Nam có 185 cơ sở lưu trú với 5.216 phòng, 46 công ty kinh doanh lữ hành thu hút hơn 10 nghìn lao động làm việc trực tiếp trong ngành du lịch. Dự báo nhu cầu lao động ngành du lịch đến năm 2015 đạt khoảng 77.160 nghìn người, gồm 25.720 lao động trực tiếp và 51.440 lao động gián tiếp. Nguồn lao động này chủ yếu đến từ các trường đại học, cao đẳng, trung tâm dạy nghề tại khu vực miền Trung.

Tuy nhiên, thực tế chất lượng đào tạo của các trường hiện nay cũng còn nhiều hạn chế, chưa theo kịp với yêu cầu của ngành du lịch, sự chênh lệch trình độ giữa các trường lớp còn khá lớn do giáo trình dạy học khác nhau. Một số lao động có trình độ đại học nhưng thiếu những kỹ năng cần thiết khi tham gia công việc. Nguồn lao động du lịch vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, số lao động đào tạo chuyên ngành du lịch còn thấp, số lao động chưa qua đào tạo chiếm tỷ lệ cao (42,1%), lao động có trình độ ngoại ngữ mới chiếm 52,6%. Nguyên nhân chủ yếu do nhận thức của một số chủ doanh nghiệp trong việc tuyển dụng, đào tạo còn coi trọng về mặt kinh nghiệm, ít quan tâm đến bằng cấp và hệ đào tạo.

Theo ông Hồ Tấn Cường - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL, để tăng cường kỹ năng cho nguồn nhân lực lao động, Nhà nước cần thực hiện quy hoạch, củng cố và phát triển hệ thống cơ sở đào tạo. Chú trọng đào tạo cả 4 trình độ sơ cấp, trung cấp, cao đẳng và đại học, nhất là chú trọng đào tạo cán bộ quản lý, ngoại ngữ và nghiệp vụ lữ hành, phục vụ bàn, buồng phòng, lễ tân. Ngoài ra, nhà trường cần xây dựng tiêu chuẩn đào tạo du lịch đối với các trình độ cụ thể, gắn giáo trình với thực tế và hiện đại hóa ngành du lịch…

“Việc đào tạo gắn với nhu cầu thực tế rất quan trọng, nhà trường và doanh nghiệp cần có sự liên kết tổ chức đưa sinh viên đến thực hành tại các nhà hàng, khách sạn, các công ty du lịch nhằm trang bị những kỹ năng thực tiễn cho người lao động sau này ” - ông Cường nói. Ông Cường cũng cho rằng, với các điểm du lịch mới và vùng dự án du lịch, ngay từ bây giờ UBND tỉnh cần chủ trì kinh phí đào tạo hoặc lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia và những dự án quốc tế để tổ chức các lớp đào tạo nguồn nhân lực lao động ngắn hạn, nhất là người địa phương, nhằm nâng cao kỹ năng nghề nghiệp, đáp ứng nhu cầu nhân lực tại chỗ sau này.

KHÁNH LINH

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Lỗ hổng kỹ năng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO