Lỗ hổng quản lý

C.B.L 20/03/2019 01:21

Cuộc chiến pháp lý giữa người dân với Công ty CP Bách Đạt An và Công ty CP Dịch vụ bất động sản (BĐS) Hoàng Nhất Nam đang trở nên bi hài khi 2 công ty này đổ lỗi cho nhau. Ba dự án bất động sản Bách Đạt 1, Hera Comiplex Riverside và 7B mở rộng đều do Công ty CP Bách Đạt An làm chủ đầu tư, chưa đủ điều kiện để chuyển nhượng quyền sử dụng đất nhưng bên phân phối là Công ty CP Dịch vụ BĐS Hoàng Nhất Nam đã nhận của khách hàng hàng trăm tỷ đồng. Thế nhưng phía chủ đầu tư nói không biết Công ty CP Dịch vụ BĐS Hoàng Nhất Nam rao bán bao nhiêu lô, còn nhà phân phối thì cho rằng, sở dĩ chậm bàn giao sổ đỏ cho khách hàng là do chủ đầu tư... Kiểu đổ lỗi này như một trò “giỡn mặt” có kịch bản mà báo chí hoài nghi là có cơ sở, đó còn là kiểu coi thường pháp luật thường thấy.

Dư luận đã đặt câu hỏi là ngành chức năng và địa phương đã và sẽ làm gì để ngăn chặn, giải quyết tình huống này? Công ty CP Bách Đạt An là đối tác “truyền thống” khai thác BĐS tại Quảng Nam với nhiều dự án và không ít trong số đó mang tiếng là chây ì, phá vỡ cam kết. Thế nhưng tại sao việc ký kết với nhà phân phối và hoạt động chuyển nhượng quyền sử dụng đất diễn ra rầm rộ với nhiều dấu hiệu trái phép đã không được ngăn chặn, cảnh báo kịp thời? Chính quyền địa phương và ngành chức năng thật sự không biết việc này? Trong khi đó, hàng nghìn người dân vẫn biết được thông tin dự án, bỏ ra hàng trăm tỷ đồng để mua đất trên giấy và bây giờ phải thấp thỏm... Ngoài kết luận của Thanh tra Sở Xây dựng sau khi sự việc đã vỡ lỡ, thì thật ra chính quyền địa phương và ngành chức năng đã không có một động thái nào gọi là giám sát, ngăn chặn hoạt động giao dịch bất động sản được cho là phức tạp ngay từ đầu ở các dự án này.

Lỗ hổng trong quản lý hoạt động bất động sản cụ thể qua vụ việc này đã được báo chí đặt ra. Và bây giờ là cuộc chiến pháp lý mang yếu tố dân sự như Thanh tra Sở Xây dựng kết luận nhưng tính chất của nó thì không đơn giản khi liên quan đến hàng nghìn người dân với số tiền quá lớn trong khi các bên liên quan vẫn ậm ừ trong việc lý giải nguồn tiền đó nay ở đâu, và xô xát đã xảy ra. Để cho chắc ăn, tránh xảy ra tình trạng nhà phân phối thu tiền rồi quất ngựa truy phong, mong muốn của người dân là cơ quan chức năng cần áp dụng các biện pháp mạnh như phong tỏa tài khoản, cấm xuất cảnh... nhằm ngăn ngừa tẩu tán tài sản. Chúng ta vừa có những bài học tương tự về “bỏ sót quản lý” trong một thời gian dài đối với dự án khai thác vàng Bồng Miêu. Công ty đã phá sản, chủ dự án này đã cao chạy xa bay sau khi đã khai thác tài nguyên thiếu minh bạch, để lại nhiều hệ lụy cho môi trường và xã hội nên càng phải “rút kinh nghiệm” trước khi quá muộn.

C.B.L

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Lỗ hổng quản lý
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO