(QNO) - Với mạng lưới biển đảo, sông ngòi chằng chịt, nhiều địa phương trong tỉnh đã khai thác lợi thế của việc vận chuyển đường thủy nội địa. Thế nhưng, từ các vụ tai nạn đường thủy thảm khốc thời gian qua, cho thấy những bất cập về quản lý nhà nước trong lĩnh vực này.
Cơ quan chức năng cấp trung ương và địa phương thiếu thống nhất trong thực hiện quản lý phương tiện, luồng tuyến, bến bãi và công tác phối hợp..., dẫn đến tồn tại nhiều lỗ hổng trong quản lý giao thông đường thủy nội địa. Cho nên, cần cấp thiết rà soát, siết chặt quản lý vận chuyển khách đường thủy, nhất là phục vụ cho Năm du lịch quốc gia 2022 tại Quảng Nam.
Trên sông Thu Bồn, bến khách ngang sông hoạt động thường xuyên tập trung ở Duy Tân (xã Duy Tân, Duy Xuyên), Phú Thuận (xã Đại Thắng, Đại Lộc). Bến Duy Tân do Sở GTVT cấp phép mở, ngày 6.7.2022 sẽ hết hiệu lực, nhưng bến Phú Thuận lại do UBND huyện Đại Lộc cấp phép mở.
Một cán bộ Thanh tra Sở GTVT cho biết, UBND tỉnh đã phân cấp cho UBND cấp huyện cấp phép hoạt động bến khách ngang sông. Như vậy, sau ngày 6.7.2022, bến Duy Tân muốn tiếp tục hoạt động phải được huyện Duy Xuyên cấp phép. Với bến Phú Thuận, do giấy phép Sở GTVT cấp đã hết hiệu lực giữa tháng 3.2022, chiếu theo quy định, huyện Đại Lộc cấp phép hoạt động.
Sắp đến, Sở GTVT sẽ công bố, cấp phép hoạt động bến thủy nội địa còn lại. Đến thời điểm hiện tại, Sở GTVT đã cấp phép 5 bến hành khách, 10 bến hàng hóa.
Thẩm quyền công bố mở luồng, nạo vét luồng cũng được Chính phủ quy định cụ thể. Theo đó, Bộ GTVT quyết định công bố mở luồng quốc gia, luồng chuyên dùng nối với luồng quốc gia; UBND cấp tỉnh quyết định công bố mở luồng địa phương, luồng chuyên dùng nối với luồng địa phương.
Với nạo vét luồng, Bộ GTVT giao kế hoạch, dự toán đối với công tác nạo vét, duy tu luồng hàng hải công cộng và luồng ĐTNĐ quốc gia; UBND cấp tỉnh giao kế hoạch, dự toán nạo vét, duy tu luồng ĐTNĐ địa phương.
Đối chiếu quy định trên, việc nạo vét, duy tu tuyến luồng ĐTNĐ quốc gia Hội An - Cù Lao Chàm do Bộ GTVT quyết định đầu tư. Luồng này đã được nạo vét hoàn thành vào tháng 9.2021, nhưng theo Sở GTVT, mặc dù đã được nạo vét nhưng do kinh phí hạn chế nên vẫn chưa đạt chuẩn luồng cấp I. Ngược lại, khu vực Cửa Đại thường xuyên bị bồi lấp, phương tiện đi lại gặp khó khăn.
Quảng Nam có 5 tuyến ĐTNĐ quốc gia gồm Hội An - Cù Lao Chàm, sông Thu Bồn, sông Trường Giang, sông Hội An và sông Vĩnh Điện. Bộ GTVT đã ủy quyền cho Sở GTVT thực hiện quản lý, bảo trì những tuyến này. Năm 2019 trở về trước, Sở GTVT đặt hàng cho đơn vị sự nghiệp trực thuộc quản lý, bảo trì thường xuyên. Sau đó, Bộ GTVT quy định phải đấu thầu, chứ không còn đặt hàng.
Qua nhiều lần Sở GTVT đề nghị, Bộ GTVT yêu cầu Cục ĐTNĐ Việt Nam tham mưu thực hiện thủ tục chấm dứt việc ủy quyền này kể từ ngày 1.1.2020.
Tháng 6.2020, Cục ĐTNĐ Việt Nam có văn bản hướng dẫn, theo đó bắt đầu từ năm 2021 đơn vị này tự tổ chức quản lý các tuyến ĐTNĐ quốc gia nhưng vẫn chưa đề xuất chấm dứt việc ủy quyền cho Sở GTVT.
Theo quy hoạch giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Quảng Nam sẽ tiếp tục thực hiện 35 bến khách ngang sông; duy trì, bổ sung để có 113 bến thủy nội địa hành khách, bến tổng hợp.
Về theo dõi giám sát thời tiết để cho phép phương tiện hoạt động vận tải hành khách tuyến Hội An - Cù Lao Chàm, Sở GTVT cho biết, khi thời tiết xấu, phương tiện không đảm bảo điều kiện an toàn để hoạt động thì 2 đồn biên phòng (Cửa Đại và Cù Lao Chàm) thông báo cho chủ bến tại địa bàn và Thanh tra GTVT biết, phối hợp.
Sau đó, chủ bến Cửa Đại, Cù Lao Chàm thông báo cho Chi hội Du lịch Cù Lao Chàm và thông báo tại bến để tổ chức, cá nhân và hành khách biết, thực hiện. Đồng thời, Thanh tra Sở GTVT thông báo cho đơn vị kinh doanh vận tải khách và chủ bến liên quan.
Thời gian thông báo chậm nhất trước thời điểm 7 giờ của ngày. Đơn vị được giao quản lý giao thông vận tải tại cảng, bến thủy nội địa là Đội quản lý bến thủy nội địa trực thuộc Thanh tra Sở GTVT. Do không có biên chế, đội chỉ thực hiện cấp phép đầu bến Cửa Đại, đầu bến Cù Lao Chàm do xã Tân Hiệp (TP.Hội An) đảm trách.
Sau những sự việc liên quan đến tuyến vận tải đường thủy Cửa Đại (Hội An) – Cù Lao Chàm, công tác quản lý, cấp phép phương tiện đường thủy nội địa (ĐTNĐ) bộc lộ sự chồng chéo.
Đơn cử, tại cảng Cửa Đại, để xuất bến đưa khách ra đảo, mỗi ca nô phải chịu sự quản lý, giám sát của 5 cơ quan gồm Ban Quản lý bến thủy bộ Hội An, Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm (bán phí), UBND xã Tân Hiệp (thu phí môi trường), Đồn Biên phòng Cửa Đại và Đội quản lý bến thủy nội địa trực thuộc Thanh tra Sở GTVT.
Ngoài ra, Thanh tra Sở GTVT và Cảnh sát giao thông Công an tỉnh kiểm tra theo kế hoạch hoặc đột xuất. Trong đó, 3 đơn vị gồm Ban Quản lý bến thủy bộ Hội An, Đồn Biên phòng Cửa Đại và Đội quản lý bến thủy nội sẽ chịu trách nhiệm kiểm tra các thủ tục giấy tờ, trang thiết bị cứu sinh, số người đi trên tàu… trước khi cho phương tiện xuất bến.
Theo Sở GTVT, công tác quản lý, cấp phép tại tuyến Hội An – Cù Lao Chàm diễn ra đúng quy định vì đã được phân cấp và quy định rõ trong Luật Giao thông ĐTNĐ. Cụ thể, Bộ GTVT là cơ quan quản lý đối với các tuyến ĐTNĐ quốc gia (trực tiếp là Cục ĐTNĐ Việt Nam); UBND cấp tỉnh quản lý các tuyến ĐTNĐ địa phương (trực tiếp là Sở GTVT).
Đồng thời, theo Luật Tổ chức Chính phủ, các bộ, ngành ở trung ương có thể phân cấp, ủy quyền cho chính quyền địa phương thực hiện một số nhiệm vụ chuyên môn; trên cơ sở phân cấp, ủy quyền của trung ương, chính quyền địa phương tổ chức thực hiện.
Dù vậy, thực tế thời gian qua, công tác quản lý nhà nước về ĐTNĐ ở địa phương (đối với các tuyến ĐTNĐ quốc gia) vẫn chưa rõ ràng, chưa phù hợp với quy định của pháp luật.
Trước hết, về tổ chức thực hiện, do không có Chi cục Quản lý ĐTNĐ khu vực miền Trung nên các tuyến ĐTNĐ quốc gia trên địa bàn Quảng Nam (và các tỉnh miền Trung) được Bộ GTVT ủy quyền cho các Sở GTVT quản lý.
Bất cập ở chỗ, dù được ủy quyền nhưng không được Bộ GTVT hỗ trợ về ngân sách, con người, phương tiện dẫn đến khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ.
{CLIP} - Giám đốc Sở GTVT Văn Anh Tuấn nói về các giải pháp siết chặt quản lý Nhà nước trong hoạt động vận chuyển khách đường thủy nội địa:
Giám đốc Sở GTVT Văn Anh Tuấn phân tích, Sở GTVT là cơ quan trực thuộc UBND tỉnh, được tỉnh cấp kinh phí hoạt động, chịu sự quản lý của UBND tỉnh về tổ chức, bộ máy, biên chế nhưng thực hiện nhiệm vụ chuyên môn do Bộ GTVT giao là thiếu tính thống nhất.
Thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh - Trưởng ban An toàn giao thông tỉnh, Sở GTVT đã tham mưu UBND tỉnh nhiều văn bản chấn chỉnh hoạt động giao thông đường thủy nội địa (ĐTNĐ) cũng như cùng UBND tỉnh làm việc với Cục ĐTNĐ Việt Nam, Cục Đăng kiểm Việt Nam, Bộ GTVT và các cơ quan trực thuộc bộ để thống nhất hướng giải quyết các nội dung liên quan.
Giám đốc Sở GTVT – ông Văn Anh Tuấn cho rằng, đơn vị đã tham mưu UBND tỉnh nhiều văn bản chỉ đạo cũng như tổ chức nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra, chấn chỉnh công tác quản lý nhà nước về ĐTNĐ trên địa bàn tỉnh; đồng thời thành lập tổ liên ngành để rà soát, kiểm tra, chấn chỉnh các hoạt động, phương tiện, người điều khiển phương tiện, bến bãi, trước hết là phục vụ cho Năm du lịch quốc gia – Quảng Nam 2022.
Thanh tra Sở GTVT sẽ tăng cường phối hợp Phòng Cảnh sát đường thủy Công an tỉnh, Chi cục Đăng kiểm số 4 (Cục Đăng kiểm Việt Nam), Đoạn Quản lý ĐTNĐ và phòng chuyên môn thuộc Sở GTVT kiểm tra các chủ bến, phương tiện vận tải hành khách trên địa bàn tỉnh, nhất là tại TP.Hội An về chấp hành các quy định cảng, bến; về điều kiện, tiêu chuẩn của thuyền viên; yêu cầu ký cam kết tuân thủ quy định của pháp luật về trật tự an toàn giao thông.
Sở GTVT kiến nghị Cục ĐTNĐ Việt Nam tăng tần suất quan trắc, khảo sát lên 3 tháng/lần thay vì 12 tháng/lần như hiện nay; thực hiện đột xuất sau mỗi đợt mưa lũ lớn hoặc tác động của thiên tai cực đoan có khả năng làm thay đổi hướng tuyến hoặc các thông số kỹ thuật của luồng ĐTNĐ quốc gia Hội An - Cù Lao Chàm. Thêm vào đó, điều chỉnh kịp thời phao, tiêu báo hiệu và thực hiện nạo vét đảm bảo chuẩn tắc luồng.
Theo Sở GTVT, Cục ĐTNĐ Việt Nam cần có kế hoạch nạo vét theo đúng tiêu chuẩn đã được quy hoạch, nghiên cứu điều chỉnh tăng bán kính cong 2 đoạn gấp khúc trên tuyến luồng. Chỉ đạo tăng cường trách nhiệm trong quản lý, kịp thời khảo sát, kiểm tra, điều chỉnh, bổ sung hệ thống phao, tiêu báo hiệu theo tình trạng của luồng, thực hiện thông báo luồng theo đúng quy định; quy định giới hạn tốc độ trên từng đoạn tuyến đối với loại tàu composite.
Sau các vụ tai nạn giao thông đường thủy nghiêm trọng, cần thẳng thắn rút ra bài học kinh nghiệm về công tác phối hợp của các cơ quan chức năng và các cấp chính quyền, đặc biệt là bố trí lực lượng, phương tiện theo dõi, hướng dẫn điều tiết giao thông và hỗ trợ công tác cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống xảy ra.
Cấp thiết thành lập và duy trì hoạt động của Tổ kiểm tra liên ngành đường thủy, nòng cốt là 2 lực lượng Thanh tra giao thông tỉnh và Cảnh sát giao thông đường thủy tỉnh để tăng cường hiệu quả phòng ngừa và xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm.
Về quản lý hoạt động vận chuyển khách du lịch bằng phương tiện thủy nội địa, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh – Trưởng ban An toàn giao thông tỉnh yêu cầu Công an tỉnh chỉ đạo lực lượng Cảnh sát đường thủy tăng cường kiểm tra, xử lý; phối hợp với Thanh tra Sở GTVT, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh tăng cường thực hiện việc kiểm tra các bến khách ngang sông, bến hành khách, các phương tiện thủy phục vụ du lịch, lễ hội, các tàu cao tốc chở khách.
Đặc biệt xử lý nặng các phương tiện đường thủy không chấp hành các quy định về bảo đảm thiết bị cứu sinh, chở quá khổ, quá tải, quá số người quy định; nhân viên trên thuyền không có bằng, chứng chỉ chuyên môn…
Chính quyền tỉnh cũng yêu cầu quản lý, khai thác thông tin trên hệ thống thông tin nhận dạng cho tàu thuyền (AIS) của các tàu thuyền hoạt động trong vùng nước cảng, bến thủy nội địa, đường thủy nội địa theo phạm vi quản lý. Giám sát, duy trì hoạt động thường xuyên đối với các tàu thuyền được yêu cầu lắp đặt thiết bị AIS hoạt động trong phạm vi quản lý.
Tại cuộc họp kiểm điểm sau khi xảy ra vụ tai nạn giao thông trên biển Cửa Đại, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh đã yêu cầu Văn phòng Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Quảng Nam liên hệ với Đài Khí tượng thủy văn khu vực Trung Trung Bộ và Đài Khí tượng thủy văn Quảng Nam để đặt hàng cung cấp các bản tin dự báo thời tiết trong phạm vi hẹp của vùng biển Quảng Nam, nhất là khu vực biển Cửa Đại - Cù Lao Chàm và khu vực cửa biển Kỳ Hà, với tần suất cập nhật phù hợp, đảm bảo tính pháp lý để các lực lượng chức năng căn cứ áp dụng trong việc quản lý tàu thuyền xuất bến.
Hiện nay, Bộ GTVT đang xây dựng đề án phân cấp quản lý về ĐTNĐ thuộc thẩm quyền của trung ương và địa phương. Đặc biệt, khi việc củng cố kiện toàn lại Cảng vụ ĐTNĐ của Quảng Nam hoàn chỉnh, mọi thứ sẽ đi vào quy củ.
Sở GTVT cho rằng, tính pháp lý của các văn bản quy phạm pháp luật chưa đầy đủ, thẩm quyền phân cấp chưa rõ ràng, bộ máy tổ chức thực hiện nhiệm vụ đang còn thiếu và yếu, vì vậy trong giai đoạn này việc thực hiện các quy định chỉ mang tính tạm thời.
Và điều mà dư luận quan tâm là cơ quan chuyên môn, mà ở đây là Cục Đăng kiểm Việt Nam cần có câu trả lời dứt khoát về việc tàu composite chuẩn SI cải hoán sang chuẩn SB có tiếp tục hoạt động trên tuyến Cửa Đại – Cù Lao Chàm hay không.