Xuất ngoại khai thác hải sản đem lại thu nhập lớn cho ngư dân Quảng Nam nhưng tình trạng bỏ hợp đồng lên bờ làm việc, hết thời hạn nhưng không về nước… gây ra nhiều hệ lụy.
Lao động “chui”
Ngày 25.3 tới, nhiều ngư dân trẻ xã Bình Minh (Thăng Bình) sẽ xuất ngoại để khai thác hải sản theo hợp đồng đã ký với các đối tác Hàn Quốc sau thời gian nghỉ phép. “Cuối tháng 1 là thời điểm kết thúc vụ khai thác hải sản ở Hàn Quốc. Tôi được doanh nghiệp ở nước này cho nghỉ gần hai tháng để về nước đoàn tụ cùng gia đình. Sắp sửa đi biển lại ở nước bạn có rất nhiều lo lắng” - ngư dân Phạm Ngọc Tính ở thôn Hà Bình, xã Bình Minh đi “bạn” cho chủ lao động ở Hàn Quốc nói. Anh Tính lo vì hợp đồng đã ký có thời hạn 4 năm 10 tháng sắp hết và không biết có được gia hạn nữa hay không. “Trước khi đi lao động nước ngoài tôi làm “bạn” cho các chủ tàu câu mực khơi trên địa bàn. Nghề này sản xuất ở Trường Sa đến 3 tháng trời mới xong một chuyến biển, rất nguy nan do thời tiết trên biển hay biến động mà hiệu quả kinh tế không cao. Nếu phải trở lại làm “bạn” câu mực khơi sau khi đã hết thời gian đi xuất khẩu lao động thì rất khó khăn” - anh Tính nói. Anh Tính đi lao động nước ngoài bằng nghề câu lươn, câu cá bơn với mức lương hơn 30 triệu đồng/tháng. Doanh nghiệp Hàn Quốc lo bảo hiểm lao động, tất cả mọi chi phí sinh hoạt từ ăn uống cho đến chỗ ở, các nhu yếu phẩm khác.
Anh Nguyễn Văn Đạo (bên phải) chuẩn bị trở lại Hàn Quốc làm việc sau thời gian nghỉ phép.Ảnh: N.Q.V |
Thời gian qua, có rất nhiều trường hợp lao động “chui” ở Hàn Quốc sau khi ngư dân hết thời gian hợp đồng xuất khẩu lao động. Nguyên nhân chủ yếu khiến họ không được gia hạn hợp đồng lao động là doanh nghiệp nước ngoài không mặn mà với chất lượng nguồn lao động. “Nghề biển ở Hàn Quốc phát triển vượt trội so với Quảng Nam. Nghề cá đều áp dụng công nghệ hiện đại, phải mất nhiều thời gian mới có thể đáp ứng yêu cầu ở nước bạn. Tuy nhiên cái khó nhất là khác biệt về văn hóa, ứng xử, nhất là hạn chế ngôn ngữ” - anh Nguyễn Văn Đạo (thôn Hà Bình, xã Bình Minh) đi xuất khẩu lao động ở Hàn Quốc được gần 4 năm nay cho biết. Anh Đạo cũng hết hợp đồng lao động vào cuối năm 2017 này. Theo ông Trần Văn Tám - Phó Chủ tịch UBND xã Bình Minh, địa phương có gần 200 lao động nghề cá đang hoạt động ở Hàn Quốc với nguồn thu nhập khá. Tuy nhiên, nhiều trường hợp lao động “chui” đã xảy ra. Nguyên do ngư dân hết thời gian lao động theo hợp đồng, không được doanh nghiệp Hàn Quốc gia hạn hoặc đơn phương bỏ hợp đồng do sợ công việc khổ cực, trốn thoát ra bên ngoài lao động “chui” bằng các nghề khác ở trên bờ. Theo ông Tám, lao động trên bờ ít nguy nan, ít áp lực hơn mà thu nhập rất khá, hơn lao động theo hợp đồng đến khoảng 20 triệu đồng/người/tháng.
Tìm cách khắc phục
Theo UBND xã Bình Minh, hiện tại trên địa bàn có khoảng 20 lao động xuất khẩu nghề cá sắp hết hợp đồng. Vì thu nhập ở nước bạn quá cao nên số lao động đó sẽ rất ít khả năng về nước khi không được gia hạn hợp đồng. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến việc xuất khẩu lao động của địa phương sau này. “Chúng tôi liên tục vận động trong thời gian qua bằng nhiều cách như: trực tiếp nhắc nhở hoặc thông qua gia đình vận động họ chấp hành nghiêm thời hạn hợp đồng nhưng không hiệu quả. Để hạn chế lao động “chui” ở Hàn Quốc, nhà nước nên có quy định giảm thiểu mức hoa hồng hay phí trung gian quá cao của doanh nghiệp ký hợp đồng lao động rồi đưa ngư dân ra nước ngoài làm việc. Lao động theo hợp đồng, ngư dân đảm bảo tuyệt đối các ưu đãi, được bảo hiểm bảo trợ vậy nhưng do chênh lệch quá cao giữa lao động theo hợp đồng và lao động “chui” nên dẫn đến tình trạng trên” - ông Tám nói.
Theo Sở LĐ-TB&XH, xuất ngoại lao động nghề cá đã đem lại thu nhập rất cao cho ngư dân trên địa bàn tỉnh với mức lương không dưới 30 triệu đồng/người/tháng. Hiện tại, nguồn cung xuất khẩu lao động nghề cá ở Quảng Nam xuất phát chủ yếu tại xã Bình Minh. Điểm đến của các lao động này tập trung tại Hàn Quốc. Ra nước ngoài làm việc, ngư dân được bảo hiểm, có điều kiện lao động rất chuyên nghiệp, nâng cao tay nghề, tích lũy kinh nghiệm. Đáng tiếc là dù có hợp đồng lao động với những quy định rõ ràng nhưng ngư dân vẫn “vượt rào”. Họ bỏ trốn để làm việc với các nghề khác ở trên bờ có thu nhập cao hơn. Chính vì lao động “chui” nên các điều kiện sống, lao động của họ rất bấp bênh, tiềm ẩn nhiều mối nguy ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, thậm chí tệ nạn xã hội. Nhiều trường hợp lao động Quảng Nam đã bị Hàn Quốc xử phạt với mức 90 triệu đồng/người rồi trục xuất về nước.
Từ các vi phạm như vậy, đối tác Hàn Quốc đã và đang giảm hạn ngạch xuất khẩu lao động nghề cá Quảng Nam. Vì thế, cơ hội xuất ngoại hoạt động nghề cá cho các ngư dân khác bị thu hẹp đáng kể. “Để giảm bớt tình trạng bỏ trốn ra ngoài làm việc của các lao động nghề cá trong diện hợp đồng xuất khẩu, nhà nước và doanh nghiệp trung gian đang áp dụng thêm các ràng buộc như tăng mức đặt cọc từ phía ngư dân lên hàng trăm triệu đồng. Các hỗ trợ vay vốn của Nhà nước cũng ngày càng ưu việt hơn để ngư dân học nghề và rèn luyện ngoại ngữ bài bản hơn. Điều đó giúp họ đảm bảo các yêu cầu khắt khe về chất lượng lao động từ phía Hàn Quốc, qua đó giúp ngư dân được gia hạn thời gian làm việc theo hợp đồng, giảm tình trạng “chui” lao động” - ông Võ Văn Lân - Phó Trưởng phòng Lao động - việc làm (Sở LĐ-TB&XH) cho biết.
NGUYỄN QUANG VIỆT