Lơ là với cây lúa!

TƯ RUỘNG 20/10/2015 09:25

Cách đây vài hôm, xuống vùng đông thị xã Điện Bàn tìm hiểu đời sống của nhà nông, Tư Ruộng tranh thủ ghé thăm gia đình anh Hai Điện Nam. Anh cho biết gia đình có 3 sào ruộng. Hè thu 2015, nhờ nước tưới không thiếu hụt, nguồn giống chất lượng cao, các loại sâu bệnh nguy hiểm ít gây hại nên bình quân mỗi sào thu về 260kg lúa khô. Theo anh Hai, với số diện tích và năng suất nêu trên thì mùa vừa rồi tổng sản lượng đạt 780kg. Anh Hai tính toán: "Bây giờ, trên thị trường, 1kg lúa thương phẩm Xi23 có giá 5 nghìn đồng, nếu bán hết toàn bộ sản lượng ấy thì kiếm được 3,9 triệu đồng. Trong khi đó, chi phí cho việc trả công làm đất, thu hoạch và mua hạt giống, vôi bột, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đã tốn hết 2,4 triệu đồng. Làm 3 sào lúa, cả vợ lẫn chồng phải cần mẫn chăm sóc hơn 100 ngày ròng, kết quả cuối cùng chỉ lãi được 1,5 triệu đồng. Ngần đó tiền, chỉ vừa đủ cho mấy đại gia uống chai rượu ngoại, nghĩ mà buồn".

Anh Hai vừa dứt lời thì anh Chín Điện Ngọc cưỡi xe đến. Nghe chuyện chai rượu ngoại và hạt lúa, anh Chín nói: "Mấy năm gần đây, ở quê tui, nhà nông không còn mặn mà với ruộng đồng nữa rồi. Mà cũng đúng thôi, làm 1 sào lúa, nếu trúng mùa lắm thì lời chừng 600 nghìn đồng, trong khi phải mất hơn 3 tháng trời cày cuốc, gieo sạ, tỉa dặm, nhổ cỏ, bón phân, trổ nước và thu hoạch. Tính ra, mỗi ngày công chỉ khoảng 6 nghìn đồng, thật là quá bèo. Vì hiệu quả kinh tế mang lại rất thấp nên bây giờ không ít nông dân của làng tui đã chuyển nghề. Kẻ ra Đà Nẵng phụ hồ, người xuống khu công nghiệp xin làm công nhân… còn việc sản xuất lúa thì canh tác theo kiểu được chăng hay chớ".

Ông Nguyễn Đức Chơi – Trưởng phòng Kinh tế Điện Bàn cho biết, tại 5 địa phương thuộc vùng đông của thị xã gồm Điện Nam Đông, Điện Ngọc, Điện Nam Trung, Điện Dương, Điện Nam Bắc hiện có khoảng 1.300ha đất lúa. Thực tế cho thấy, những năm qua nông dân ở vùng này đã tỏ ra lơ là trong vấn đề đầu tư thâm canh nên năng suất lúa thường đạt thấp. Ông Chơi nói: "Trong khi năng suất lúa bình quân ở các nơi khác trên địa bàn thị xã luôn đạt từ 60 tạ/ha trở lên thì tại những địa phương vừa nêu chỉ đạt chừng 53 tạ/ha. Nguyên nhân chính được xác định là vì nhà nông không quan tâm đúng mức đến việc thực hiện quy trình sản xuất, mà nói đúng hơn là một bộ phận không nhỏ nông dân bỏ bê chuyện đồng áng để chuyển sang các ngành nghề khác có nguồn thu nhập cao hơn".

Trao đổi với Tư tôi xung quanh vấn đề phát triển tam nông bên lề Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI vừa diễn ra trong tuần qua, nhiều đại biểu cho rằng các cơ quan có trách nhiệm cần sớm đưa ra giải pháp căn cơ đối với những vùng đã và đang xảy ra tình trạng suy giảm thâm canh. Theo đó, nếu nơi nào nông dân không còn chú tâm đến việc gieo trồng lúa thì nên nhanh chóng tính đến chuyện tích tụ ruộng đất. Nói rõ ra là, Nhà nước cần có một hành lang pháp lý cụ thể nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp được thuê đất của những hộ dân không có nhu cầu canh tác để đầu tư sản xuất theo phương thức hàng hóa tập trung. Lúc đó, nông dân quay lại làm công nhân cho doanh nghiệp cũng là điều rất tốt và phù hợp với xu hướng chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn mà tỉnh ta đang nỗ lực thực hiện…

TƯ RUỘNG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Lơ là với cây lúa!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO