Thời điểm này các công trình giao thông và nhà thầu tranh thủ đẩy nhanh tiến độ. Thế nên, suốt mấy tuần vừa qua, phương tiện chuyên chở nguyên vật liệu phục vụ cho quá trình triển khai các dự án chạy nườm nượp trên nhiều tuyến đường, từ xe chở cát, đất đá cho tới vận chuyển các loại bê tông, sắt thép, xi măng… Với mật độ lưu thông dày đặc và chủ phương tiện khi bỏ qua việc tuân thủ tải trọng cầu đường, ý thức kém từ phía lái phụ xe phớt lờ khâu che chắn khiến cho mặt đường sụt lún, bụi bay mù mịt, an toàn giao thông (ATGT) luôn bấp bênh, môi trường chung quanh bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Một người dân sinh sống ven tuyến tỉnh lộ (ĐT) 609B lo ngại, mấy năm trước làm gì có nhiều phương tiện lưu thông như thế này. Bây giờ không những đông, xe nào chở cũng cao ngất thế kia thì đường sá nào chịu thấu, vật liệu thì vương vãi khắp nơi, bụi bay phủ khắp nhà dân ở thì ai thở nổi. Sáu tôi giải thích là phần lớn phương tiện chở đất phục vụ cho đường cao tốc - công trình trọng điểm quốc gia, đây cũng là đường do tỉnh quản lý nên không thể nói cấm là cấm. ĐT609B, ĐT609, ĐT605… tạm thời giao cho chủ đầu tư và nhà thầu sử dụng tiếp cận công trường. Họ có trách nhiệm kiểm tra sự tuân thủ pháp luật của đối tác cung cấp nguyên vật liệu, đồng thời phải sửa chữa đảm bảo ATGT trong quá trình thi công và hoàn trả nguyên trạng sau khi hoàn thành dự án. Ngoài ra, các lực lượng chức năng phải thường xuyên kiểm tra và xử phạt thật nặng, nghiêm minh xe nào xem thường tính mạng người đi đường, có hành vi phá hoại tài sản quốc gia theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Đinh La Thăng - Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban ATGT quốc gia.
Nhân dân đang sinh sống phía tây cạnh đường tránh quốc lộ 1 cũ (hay còn lại là tuyến tránh Vĩnh Điện, Điện Bàn) cũng đang nơm nớp lo mùa khô sẽ nhanh chóng qua. Bởi khi đó, họ lại sợ mùa mưa sẽ xảy ra ngập úng vì “lá chắn nước” - tuyến tránh Vĩnh Điện đắp cao. Hệ thống cống thoát và cống chui bố trí cho tuyến tránh dài khoảng 5km này có khẩu độ quá hẹp, lũ lụt từ thượng nguồn đổ về không chảy thoát kịp làm mực nước ở phía trên đường chênh nhau với bờ phía đông tới hơn 1m. “Lá chắn nước” đường tránh gây trở ngại cho cuộc sống của trên 10 nghìn hộ dân. Sau trận lũ lớn vào cuối năm 2009, nước ứ gần suốt cả tuần lễ vẫn chưa rút hết khiến mọi hoạt động gần như bế tắc. Chính quyền và nhân dân địa phương kiến nghị với đại biểu Quốc hội, Bộ GTVT, hay Tổng cục đường bộ Việt Nam nhiều lần. Cách đây vài tháng, bộ chức năng mới đi khảo sát lại tuyến đường. Ngày 2.2 vừa qua, Bộ GTVT có văn bản gửi UBND tỉnh, Tổng cục đường bộ Việt Nam chấp thuận xây dựng bổ sung cống thoát nước ngang tại km948+435, km951+040, km951+530; còn cầu dầm bản tại km948+865 sẽ bổ sung sau do thiếu vốn. Sáu Còi chưa biết bao giờ 3 cống thoát nước ngang triển khai, nhưng tại điểm giao nhau với tuyến tránh có đường ĐH9 nối trung tâm Điện Bàn với các xã vùng đông hiện đã hoàn thành. Song cống chui có khẩu độ quá nhỏ so với bề rộng mặt ĐH9, tạo “nút thắt cổ chai” rất khó chịu. Nếu Bộ GTVT không sớm xây dựng cầu dầm bản sẽ gây mất cảnh quan và ATGT, gây lãng phí cho dự án giao thông huyết mạch của thị xã Điện Bàn. Thời gian đang ở mùa khô, công tác đầu tư nếu triển khai chậm trễ thì hơn 10 nghìn hộ dân nơi đây sẽ tiếp tục “bơi” khi mùa mưa về.
SÁU CÒI