Lo lắng môi trường và bất cập chính sách đất đai

TRẦN HỮU 18/07/2018 17:41

(QNO) - Tại phiên thảo luận nhóm của ngày làm việc thứ 2 kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh khóa IX, nhiều ý kiến phản ánh bức xúc dai dẳng về ô nhiễm môi trường nhưng chưa được khắc phục triệt để. Trong khi đó, các vướng mắc khi thực hiện chính sách đất đai lại tiếp tục đưa ra mổ xẻ.

Hạ tầng các khu tái định cư đầu tư thiếu đồng bộ. TRONG ẢNH: Khu tái định cư xã Bình Dương, Thăng Bình.
Hạ tầng các khu TĐC đầu tư thiếu đồng bộ. TRONG ẢNH: Khu TĐC xã Bình Dương, Thăng Bình. Ảnh: T.HỮU

Lo ngại môi trường

Nhiều nhà máy, cơ sở sản xuất kinh doanh tại huyện Núi Thành, thị xã Điện Bàn, khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh tuy đã cảnh báo là “điểm đen ô nhiễm” nhưng vẫn chưa có biện pháp khắc phục kịp thời. Hành vi sai phạm thường thấy là các nhà máy xả thải, không đấu nối vào nhà máy xử lý nước thải tại các khu công nghiệp.

Nhà máy xử lý nước thải Khu công nghiệp cơ khí ô tô Chu Lai - Trường Hải đến nay chưa đưa vào vận hành. Hệ thống quản lý quan trắc xử lý nước thải kết nối trực tuyến từ các nhà máy xử lý nước thải đến Sở Tài nguyên và môi trường theo quy định đã đầu tư nhưng chưa vận hành đồng bộ. Người dân ở xã Tam Xuân 2 (Núi Thành) lo ngại trước hoạt động xử lý rác thải không đảm bảo môi trường của Công ty CP Môi trường đô thị Quảng Nam và công trình xử lý gây ra hiện tượng rò rỉ nước thải.

Người dân thôn Tiên Xuân 2 (xã Tam Anh Nam, Núi Thành) cho rằng, việc xả thải nguồn nước chưa qua xử lý từ các công ty, nhà máy thuộc khu công nghiệp trong Khu kinh tế mở Chu Lai ra khu vực sông Cầu (xã Tam Anh Nam) làm ngăn dòng chảy, ô nhiễm nguồn nước và đất canh tác.

Theo báo cáo của Tổ đại biểu HĐND tỉnh khu vực Tam Kỳ, Núi Thành, hiện nay nước thải của các nhà máy trong Khu công nghiệp Tam Hiệp và Khu công nghiệp Bắc Chu Lai phần lớn được đấu nối vào 2 nhà máy xử lý nước thải tập trung (đặt tại Khu công nghiệp Tam Hiệp và Khu công nghiệp Bắc Chu Lai). Vận hành, xử lý và xả nước ra môi trường sau khi xử lý đảm bảo theo quy định nhưng việc quan trắc xả nước thải ra môi trường của nhà máy xử lý nước thải chưa được kết nối trực tuyến theo dõi, quản lý của cơ quan chức năng. Ngoài ra, năng lực thoát nước tại sông Eo 10 còn hạn chế khi trời mưa lớn, gây ngập úng cánh đồng Gò Bứa (thôn Tiên Xuân 2, xã Tam Anh Nam).

Tại phiên thảo luận sáng 18.7, nhiều ý phàn nàn về rác thải ngập tràn ở khu vực nông thôn, bệnh viện, vì vậy đề xuất giải pháp quản lý nhà nước trong xử lý rác thải cần quy về một đầu mối để tránh chồng chéo.

Nêu giải pháp về bảo vệ rừng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Ngọc Quang cho rằng cần có cách tiếp cận mới về giữ rừng, nghiên cứu khoán bảo vệ rừng cho lực lượng kiểm lâm; nâng cao vai trò trách nhiệm của chủ rừng là các ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng. Các địa phương miền núi thì nhìn nhận nguyên nhân xảy ra phá rừng có liên quan công tác quản lý cấp ủy, chính quyền; nhận thức của người dân; bố trí kiểm lâm thiếu đồng bộ. Cho nên xem xét tinh giản sắp xếp bộ máy, cán bộ cần thiết tính đến bổ sung, bố trí các lực lượng phù hợp với từng nhiệm vụ cụ thể.

Gần đây, ô nhiễm môi trường do khói, bụi, tiếng ồn tại tuyến ĐH3 (Núi Thành) trong tình trạng báo động. Dự án ĐH3 từ quốc lộ 1 đi Dốc Mít (xã Tam Anh Nam) do Ban Quản lý các dự án đầu tư và xây dựng Núi Thành làm chủ đầu tư triển khai từ tháng 5.2017 (hợp đồng thi công trong 12 tháng) chậm tiến độ. Đây là tuyến đường có lưu lượng xe vận tải nhiều (chở đất, đá, keo); lại thường xuyên bị ô nhiễm bởi khói bụi và tiếng ồn. Chủ đầu tư dự án đang điều chỉnh thiết kế mặt đường từ thâm nhập nhựa sang đổ bê tông và còn 9 hộ chưa thống nhất bàn giao mặt bằng nên dự án này đang dừng lại.

Vướng thực hiện cơ chế đất đai

Từ năm 2005, hạ tầng các khu tái định cư (TĐC) Chợ Trạm (xã Tam Hiệp, Núi Thành), Tiên Xuân 1 (xã Tam Anh Nam); hạ tầng khu dân cư An Hà - Quảng Phú (TP.Tam Kỳ) bắt đầu xây dựng song đến nay các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội vẫn còn dở dang so với quy hoạch được duyệt, gây khó khăn cho sản xuất, đời sống của nhân dân. Đối với khu dân cư Tiên Xuân 1, phần diện tích cách ly với quốc lộ chưa quan tâm đầu tư, nước không thoát được. Phần khu dân cư phía tây dự án do thấp trũng so với khu vực dự án nên ngập úng vào mùa mưa. Tương tự, hạ tầng khu TĐC Chợ Trạm xuống cấp, mương nước bị hỏng gây tù đọng, ngập nước. Tuy nhiên, Ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai lại chưa có các giải pháp khắc phục.

Tham gia ý kiến sôi nổi nhất tại phiên thảo luận nằm ở lĩnh vực bồi thường (BT), giải phóng mặt bằng, TĐC. Cơ chế BT, giải phóng mặt bằng còn bất cập, ảnh hưởng đến tiến độ thi công và giải ngân vốn đầu tư. Bất hợp lý ở chỗ hộ trong diện giải tỏa được BT theo Luật Đất đai cũ đất bố trí TĐC có thể được nhiều lô tùy theo số hộ, khẩu và diện tích đất ở thu hồi nhiều hay ít và không phải thực hiện nghĩa vụ tài chính. Hộ thuộc diện này đã nhận tiền BT nhưng chưa xây dựng xong khu TĐC nên chưa bố trí đất ở TĐC được. Nhưng nay thực hiện theo luật mới, BT thiệt hại áp theo giá thị trường, còn bố trí đất ở tại khu TĐC mới hộ có đất thu hồi bằng 1 lô, nếu có nhiều khẩu có thể bố trí thêm 1-2 lô nhưng về diện tích nhỏ hơn định mức đất ở 120m2 và phải thực hiện nghĩa vụ tài chính theo suất đầu tư tại khu TĐC. Như vậy, người dân bị thiệt thòi quyền lợi không bàn giao mặt bằng.

Các huyện Duy Xuyên, Núi Thành, TP.Tam Kỳ… kiến nghị  HĐND tỉnh, UBND tỉnh cần có cơ chế cá biệt đối với các trường hợp đã nhận tiền BT theo Luật Đất đai cũ thì được hưởng các chính sách TĐC theo quy định trước đây. Theo Phó Chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ Bùi Ngọc Ảnh, một trong những nguyên nhân làm chậm tiến độ giải phóng mặt bằng của các dự án trên địa bàn Tam Kỳ là thời gian thẩm định đơn giá đất ở cụ thể thường kéo dài (do năng lực của đơn vị tư vấn và thẩm định của các ngành liên quan). Việc hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp khi thu hồi đất nông nghiệp của các dự án mới (áp dụng Luật Đất đai năm 2013) là quá thấp so với các dự án đang triển khai dở dang theo Luật Đất đai năm 2003. Thực hiện Quyết định số 23 ngày 30.9.2010 của UBND tỉnh thì mức hỗ trợ là 40% giá đất ở bình quân trong vùng dự án, nhưng khi thực hiện theo Quyết định số 43 ngày 22.12.2014 của UBND tỉnh thì mức hỗ trợ tối đa là 3 lần giá đất nông nghiệp theo bảng giá đất nông nghiệp do UBND tỉnh ban hành. Hiện nay, UBND tình chỉ đạo Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất tỉnh chấn chỉnh những sai sót trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất 4 xã khu vực vùng đông Tam Kỳ.

Ông Nguyễn Đức - Trưởng ban Kinh tế - ngân sách HĐND tỉnh cho rằng, một số địa phương, ngành chức năng chưa quan tâm trong công tác chỉ đạo, phối hợp lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hằng năm; năng lực chuyên môn của một số đơn vị tư vấn, lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất còn hạn chế; đội ngũ làm công tác chuyên môn về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất còn thiếu ở cấp tỉnh và yếu ở cấp cơ sở. Đây là những nguyên nhân gây lúng túng cho chính quyền địa phương thực hiện kế hoạch sử dụng đất theo quy hoạch được duyệt.

TRẦN HỮU

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Lo lắng môi trường và bất cập chính sách đất đai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO