Lo lắng thảm họa

C.B.L 28/12/2018 03:11

Theo dõi những thiệt hại của đợt sóng thần từ Indonesia làm tôi nhớ lại nỗi lo của người thân cách đây chưa lâu. Dạo đó tại một tỉnh của đất nước này cũng xảy ra đợt sóng thần, làm thiệt mạng hàng nghìn người. Phải mất hơn một tuần sau thảm họa này, đứa cháu của chúng tôi đang du học tại Indonesia mới liên lạc được với gia đình. Hơn một tuần lo lắng, ngóng chờ, căng thẳng rồi cũng qua đi, nhưng không dễ gì quên được cảm giác đó mỗi lần được nhắc nhớ. Bây giờ tang thương lại đến với Indonesia một lần nữa, có lẽ cộng đồng người Việt tại đây và người thân của họ, nỗi lo lắng đang bắt đầu.

Tôi cũng nhớ lại sự hốt hoảng của người dân quê mình cách đây 5 năm. Đầu tháng 11 năm 2013, siêu bão Haiyan sau khi gây thiệt hại nặng nề ở Philippines đã đổ bộ vào Quảng Nam. Trước khi bão vào, tâm lý người dân vẫn còn vững vàng lắm. Nhưng sau đó thì khác, tin đồn về sóng thần không biết từ đâu ra, trong một đêm hàng chục nghìn người dân ven biển ở Tam Thanh, Tam Tiến, Tam Hòa hốt hoảng di dời, chạy loạn xạ về phía Tam Kỳ. Tiếng còi hụ và nhiều phương tiện của cơ quan chức năng cũng làm tâm lý chạy bão thêm căng thẳng. Tam Kỳ chưa khi nào đón lượng người đông đảo như vậy, các nhà nghỉ, khách sạn, trường học, trụ sở... đều ăm ắp người. Rồi bão tan, người dân thở phào, lặng lẽ trở về nhà. Cuộc “diễn tập” bất đắc dĩ này dù sao cũng hữu ích, đã giúp người dân có thêm những kinh nghiệm và tạo ra sự phản xạ nên có để ứng phó với thảm họa.

Mấy năm gần đây, tôi quan sát thấy người dân vùng ven biển đã quan tâm hơn đến chuyện ứng phó với thiên tai. Nhiều hộ bây giờ khi xây nhà ráng đổ cho được cái mê để yên tâm trước gió bão. Không ít người khi hay tin gió bão có thể xảy ra liền cập nhật, chia sẻ tin tức, rồi tự động sắm sửa lương thực, các điều kiện thiết yếu để dự trữ... Nhưng như thế vẫn là chưa đủ. Đặc thù ở vùng ven biển là cư dân đông đúc, quần cư theo các làng chài. Đất đai ven biển lại khan hiếm, mật độ xây dựng tăng lên đã làm hao hụt các lá chắn là những rừng dương, cồn cát nơi đầu sóng ngọn gió. Không gian sống vẫn chật chội quá, rồi tình trạng ô nhiễm môi trường, xâm hại sông biển tràn lan, hay những lỗi trong quy hoạch... sẽ làm khả năng đối phó với thiên tai giảm đi.

Tổ chức Tương lai Trái đất và Liên minh Trái đất vừa có báo cáo “10 hiểu biết mới về khoa học khí hậu” tại Hội nghị khung của Liên hiệp quốc vừa diễn ra ở Katowice (Ba Lan); trong đó nhận định nhiều tác động của biến đổi khí hậu đang đến sớm hơn dự kiến. Các nhà khoa học còn khuyến cáo các quốc gia phải nỗ lực hơn mức có thể để ứng phó với thảm họa thiên nhiên. Cách đây 2 ngày, trong một tình huống giả định tại cuộc diễn tập cảnh báo sóng thần, khu vực Quảng Nam - Đà Nẵng chỉ có 2 giờ đồng hồ để ứng phó với đợt sóng thần có độ cao cực đại từ 6 đến 7m. Thời gian giả định thật quá ít ỏi, không biết là với điều kiện thực tế, khả năng ứng phó của người dân ra sao? Chỉ cầu mong thảm họa không xảy ra, bởi cho dù giả định thì vẫn là nỗi lo!

C.B.L

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Lo lắng thảm họa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO