(QNO) - Tình trạng khai thác cát tràn lan trên sông Vu Gia, đoạn chảy qua các thôn Hòa Thạch - Ấp Bắc (thuộc hai xã Đại Quang và Đại Minh); Mỹ Hảo - Đông Lâm (thuộc 2 xã Đại Phong và Đại Quang)… đã gây ảnh hưởng tới nhiều diện tích đất sản xuất ven sông và đời sống của người dân nơi đây.
Dân lo lắng
Nhận được phản ánh của người dân, chúng tôi tìm về các bãi khai thác, tập kết cát sạn nằm trên địa bàn các xã Đại Quang, Đại Minh và Đại Phong. Trong phạm vi khoảng một cây số mà đoạn sông Vu Gia đi qua địa phận các địa phương nói trên có tới 2 công trường khai thác khoáng sản quy mô lớn.
Bờ bên kia Vu Gia (thôn Mỹ Hảo) đang triển khai xây kè. Ảnh: Triêu Nhan |
Mỗi ngày, đoạn sông này có tới 3 - 4 sà lan hút cát từ ngoài sông chuyển vào hai bãi tập kết nằm trên địa bàn thôn Hòa Thạch (Đại Quang) và Mỹ Hảo (Đại Phong). Đoạn sông cánh Hòa Thạch - Ấp Bắc do Công ty TNHH Hoàng Ân thực hiện; còn cánh Đông Lâm - Mỹ Hảo do Công ty TNHH MTV 18.4 Đại Lộc đứng chân. Tại mỗi điểm tập kết trênhằng ngày có tới 2 xe múc vận chuyển cát, sạn lên các xe ô tô tải trọng lượng hàng chục tấn. Từ 4 giờ sáng tới tới 8 giờ đêm, đoàn xe của các bến bãi chạy liên tục khiến đời sống, sản xuất của người dân khu vực này có phần bị xáo trộn.
Những tời hút cát khoét ruột lòng sông. Ảnh: Triêu Nhan |
Theo ông Trịnh Thanh (thôn Hòa Thạch), cách đây 10 năm, khoảng cách từ bờ sông Vu Gia tới diện tích đất canh tác của ông và nhiều hộ dân thôn Hòa Thạch, Mỹ Hảo, Ấp Bắc là rất xa. Nay, khoảng cách đó đã bị thu hẹp dần, dòng sông bị khoét sâu, tạo nên sự cố lở bờ, dòng chảy bị thay đổi nhiều. Bờ sông khu vực này tạo vách đứng, lâu lâu có một mảng đất bị rớt xuống sông. Hai sào đất canh tác chạy dọc ven sông của gia đình ông Trịnh Thanh đã bị sạt lở hoàn toàn trong đợt mưa lũ đầu năm vừa rồi. Trong khi đó, 3 sào đất sản xuất hoa màu của ông Trịnh Văn Thành (thôn Hòa Thạch) nằm bên con đường đơn vị khai thác cát tự đắp đất đá để vận chuyển cát sạn. Vào mùa mưa 2013, nước cuốn toàn bộ lớp đá mặt đường xuống diện tích đất sản xuất của gia đình, đơn vị khai thác hứa sẽ cải tạo lại nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện. Do không có kinh phí nên gia đình ông phải bỏ hoang diện tích trên, gây thiệt hại không nhỏ đến thu nhập.
Thực tế, hoạt động của các xe chở cát cũng khiến người dân sống khu vực này hứng cảnh mưa lầy nắng bụi. Xe chở cát đã từng gây tai nạn cho người ra đồng. Cụ thể, ngày 10.1 âm lịch vừa qua, chị Trịnh Thị Bình (thôn Hòa Thạch) trong lúc đi ra đồng, bị xe chở cát cuốn vào gầm, hậu quả hai chân của chị bị dập nát, phải cắt bỏ chân phải. Ông Trương Phụng - Trưởng thôn Hòa Thạch xác nhậ, tình trạng đất sản xuất của người dân đang bị thu hẹp do bị sạt lở là có thật; không những bị mất đất sản xuất mà đời sống, kinh tế, sinh hoạt của bà con nơi đây cũng bị ảnh hưởng.
Đoàn xe tải trọng lớn chờ chuyển cát. Ảnh: Triêu Nhan |
Đáng nói, trong khi phía bờ nam Vu Gia, thuộc thôn Mỹ Hảo, nhà nước đang triển khai xây dựng bờ kè thì phía bờ bắc khẩu độ của lòng sông không ngừng mở rộng. Ông Nguyễn Tuấn (thôn Mỹ Hảo) cho biết, trước đây bờ sông cách khu vực đất sản xuất cả chục mét. Phần lớn đất sản xuất nằm trên khu vực mỏ của Công ty 18.4 Đại Lộc là của người dân Mỹ Hảo. Nay, bến đò đã biến mất, bờ sông toàn là vách đứng, không ngừng lở sau mỗi trận mưa lớn, việc đi lại, vận chuyển nông sản khó khăn bội phần vì lòng sông ngày càng sâu.
Theo ông Trần Minh Dũng - Trưởng thôn Mỹ Hảo, vấn đề hút cát sạn ven sông làm lở trôi mất hết đường đi lại sản xuất của bà con, hay như đường ống thải của công ty nhô lên trên mặt đất, đường ống và dây neo ở dưới sông gây cản trở ghe thuyền và trâu bò qua lại… bà con đã phản ánh nhiều. Công ty cần thực hiện đúng theo giấy phép đã được cấp. Chúng tôi cũng mong an ninh trật tự khu vực này cần được giữ vững.
Chính quyền nói “ổn”
Trao đổi với chúng tôi, ông Trương Văn Huấn, Phó trưởng Phòng TN-MT huyện Đại Lộc cho hay, đoạn sông Vu Gia đã nói trên hiện có 2 công ty đang được cấp phép khai thác là Công ty TNHH MTV 18.4 Đại Lộc và Công ty TNHH Hoàng Ân. Mỏ cát xây dựng của Công ty 18.4 Đại Lộc thuộc khu vực đất sản xuất của thôn Mỹ Hảo, xã Đại Phong; thời điểm được cấp phép là 14.11.2014 và thời hạn hoạt động 4 năm 9 tháng. Còn Công ty Hoàng Ân khai thác vùng giữa sông, qua vùng bãi bồi của Đại Minh và tập kết cát sạn về bến bãi thuộc địa bàn thôn Hòa Thạch, xã Đại Quang nên không lo sạt lở khu vực dân cư bên này. “Trước khi mở bãi, dựa trên nhu cầu khai thác của doanh nghiệp, huyện đã tiến hành họp dân lấy ý kiến và được nhân dân đồng tình. Huyện làm hết sức chặt chẽ, có 5 sở vào cuộc, UBND huyện và Phòng TN-MT chủ trì, các ngành khảo sát, trên cơ sở đề nghị của huyện, các ngành và Sở TN-MT xem xét, đề nghị UBND tỉnh cấp phép. Cho tới thời điểm này, tình hình vẫn ổn, không có vấn đề gì”.
Lòng sông ngày càng thăm thẳm, gây khó cho việc vận chuyển nông sản qua bờ kia. Triêu Nhan |
Được biết, Công ty 18.4 Đại Lộc được cấp phép chính thức hoạt động từ 14.11.2014, vị trí cấp phép thuộc thôn Mỹ Hảo, Đại Phong với trữ lượng thăm dò là 102.990m3, trong đó cát 99.251m3, sỏi 3.739m3. Công ty được phép khai thác với công suất khai thác đối với cát là 21.000m3/năm, sỏi là 787m3/năm, thời gian khai thác 4 năm 9 tháng. Công ty Hoàng Ân khai thác vùng bãi bồi ven sông Vu Gia, Đại Minh bắt đầu từ 5.4.2013, với trữ lượng mỏ vùng này khoảng 196.869m3. “Đến thời điểm này, chúng tôi chưa nhận được khiếu nại của dân. Chỉ cần nghe ảnh hưởng tới dân, Phòng TN-MT sẽ kiểm tra, đề xuất tạm thời dừng hoạt động nếu phát hiện đơn vị nào vi phạm. Nếu trong quá trình khai thác có dấu hiệu và nguy cơ sạt lở, Phòng TN-MT sẽ yêu cầu đơn vị khai thác dừng ngay để kiểm tra, xử lý, báo cáo lên trên” - ông Huấn nói.
Đề cập tới vấn đề mất an ninh trật tự trên địa bàn thôn Mỹ Hảo, nơi có doanh nghiệp khai thác cát, ông Trương Văn Huấn cho rằng, cho tới thời điểm này, Phòng TN-MT vẫn chưa nhận được báo cáo của các địa phương cũng như người dân về việc này.
TRIÊU NHAN