Không trồng đại trà các loại rau màu như những địa phương khác, người dân ở các xã vùng đông huyện Thăng Bình lâu nay vẫn canh tác loại cây trồng chuyên biệt, đem lại giá trị kinh tế khá và ổn định.
Vùng đông Thăng Bình hầu hết diện tích là cát trắng. Những ngày này, các cánh đồng trồng kiệu vươn lên màu xanh giữa cát trắng. Mỗi năm, nông dân ở các xã Bình Phục, Bình Giang, Bình Triều, Bình Sa… chỉ sản xuất 1 vụ kiệu, bắt đầu từ tháng 6 âm lịch đến sắp tết thì thu hoạch. Tết đã cận kề, ở khắp các cánh đồng, nông dân đang tất bật chăm sóc kiệu.
Cùng với cây kiệu, nông dân ở vùng đông Thăng Bình cũng đang hướng đến mở rộng canh tác cây nén. Do các diện tích trồng nén phân tán nên chính quyền địa phương đang xem xét để quy hoạch vùng tập trung sản xuất hàng hóa lớn, thúc đẩy phát triển, đưa cây nén tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm - OCOP.
Ông Trần Văn Bảy (thôn Tất Viên, xã Bình Phục) cho biết, gia đình ông trồng 5 sào kiệu, sau 5 tháng canh tác, kiệu phát triển tốt, dự kiến sẽ thu hoạch được 200kg/sào. Ông Bảy tính toán theo giá thị trường mỗi sào sẽ thu được 12 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi 9 triệu đồng. “Vợ chồng tôi tuổi cao, hợp với lao động trồng kiệu, không quá vất vả lại có thu nhập khá” - ông Bảy nói.
Người trồng kiệu ở vùng đông Thăng Bình chia sẻ, cây kiệu rất hợp với thổ nhưỡng vùng đất cát, nhờ tơi xốp, có mùn và dễ thoát nước. Kiệu bán vào dịp tết là món ăn dân dã nhưng không thể thiếu. Hằng năm, vào quãng giữa tháng 11 âm lịch, tư thương đã “giao kèo” mua kiệu để đến tháng Chạp thu hoạch chở đi bán khắp các thị trường Quảng Nam, Đà Nẵng, TP.Hồ Chí Minh...
Ông Lê Thông - Chủ tịch UBND xã Bình Phục cho biết, trên địa bàn có hơn 100ha diện tích trồng kiệu, phân tán rải rác ở các thôn. Hằng năm, chính quyền xã phối hợp với Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện hỗ trợ, tư vấn người dân trồng kiệu các kỹ thuật về phòng trừ dịch bệnh.
Trong đó, trồng kiệu phải chú trọng cải tạo đất bằng cách vun xới kỹ, bón vôi để bảo vệ gốc, rễ cây; cùng với bón phân chuồng, người dân được khuyến cáo sử dụng chế phẩm sinh học để hạn chế tác hại cho kiệu từ các loại sâu, rầy, ruồi…
“Bảo vệ kiệu bằng phương pháp sinh học thay cho thuốc hóa học giúp cây trồng phát triển tốt, tăng năng suất, sản lượng kiệu thu hoạch và sản phẩm “sạch” hơn. Thị trường chuộng kiệu vùng đông Thăng Bình cũng một phần nhờ sản xuất đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm” - ông Thông nói.