Thế giới

Lo ngại hiện tượng tẩy trắng san hô toàn cầu

QUỐC HƯNG (kimoanh125@gmail.com) 24/04/2025 18:47

(QNO) - Một nhà bảo tồn cho biết, tất cả những gì còn lại ở nơi đáng lẽ phải có cá tung tăng bơi lội và màu sắc rực rỡ thì san hô giờ chỉ là màu xám tro và sự tĩnh lặng kỳ lạ.

p.jpg
Thợ lặn kiểm tra san hô bị ảnh hưởng bởi hiện tượng tẩy trắng ở ngoài khơi bờ biển phía Tây Úc vào ngày 12/3 vừa qua. Ảnh: Gettyimages

Ngày 23/4/2025, Sáng kiến ​​rạn san hô quốc tế (ICRI) cho biết, năm ngoái là năm nóng nhất từng ghi nhận trên trái đất và phần lớn nhiệt độ đó chảy vào đại dương, dẫn đến hiện tượng tẩy trắng rạn san hô trên toàn cầu.

Theo ICRI, đây là hiện tượng tẩy trắng san hô toàn cầu thứ tư kể từ năm 1998 và hiện vượt qua thảm họa của giai đoạn 2014 - 2017 từng ảnh hưởng đến khoảng 2/3 rạn san hô.

ICRI lo ngại bởi không rõ khi nào cuộc khủng hoảng tẩy trắng san hô hiện tại sẽ kết thúc. Cuộc khủng hoảng này bắt đầu vào năm 2023 khi các nhà khoa học cho rằng do đại dương ấm lên.

Trong khi đó, các rạn san hô vốn đóng vai trò quan trọng trong sản xuất hải sản, du lịch, bảo vệ bờ biển khỏi xói mòn và bão. Các rạn san hô đôi khi được mệnh danh là "rừng mưa nhiệt đới của biển" vì có mật độ đa dạng sinh học cao - khoảng 25% các loài sinh vật biển có thể được tìm thấy trong, trên và xung quanh rạn san hô.

Nhưng nhiệt độ đại dương cao kỷ lục lan rộng như một đám cháy rừng dưới nước trên rạn san hô trên khắp Thái Bình Dương, Đại Tây Dương và Ấn Độ Dương, gây hư hại và giết chết vô số san hô.

San hô thực chất là loài trong suốt, có màu sắc tươi sáng là nhờ tảo zooxanthellae sống bên trong và là nguồn thức ăn cho san hô. Khi san hô bị căng thẳng do thay đổi môi trường, sẽ thải tảo ra ngoài, khiến san hô chuyển sang màu trắng và đây là hiện tượng tẩy trắng san hô.

2.jpg
Dự án hồi phục san hô ngoài khơi bờ biển Florida của Mỹ. Ảnh: AP

Đến nay, nhiều nỗ lực đang tiến hành để bảo tồn và phục hồi san hô. Một phòng thí nghiệm của Hà Lan làm việc với các mảnh san hô bao gồm một số mảnh từ ngoài khơi bờ biển Seychelles để nhân giống và tái tạo rạn san hô. Một dự án ngoài khơi Florida (Mỹ) nỗ lực phục hồi san hô trước khi thả trở lại đại dương.

Tuy nhiên, các nhà khoa học cho biết điều cần thiết là phải giảm lượng khí thải nhà kính làm nóng hành tinh.

"Cách tốt nhất để bảo vệ san hô là giải quyết nguyên nhân gốc rễ của biến đổi khí hậu. Điều đó có nghĩa là phải giảm lượng khí thải mà con người gây ra, chủ yếu là từ việc đốt nhiên liệu hóa thạch" - chuyên gia Mark Eakin - Thư ký liên lạc của ICRI và là cựu Giám đốc giám sát san hô của Cơ quan Quản lý khí quyển và đại dương quốc gia (NOAA) của Mỹ nói.

ICRI là quan hệ đối tác không chính thức giữa các quốc gia, tổ chức quốc tế và tổ chức phi chính phủ nhằm giúp bảo vệ các rạn san hô trên toàn cầu.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Lo ngại hiện tượng tẩy trắng san hô toàn cầu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO