(QNO) - Nhiệt độ tại một trong những nơi lạnh nhất thế giới nằm ở vòng Bắc Cực, vừa ghi nhận đạt mức cao nhất từ trước đến nay với 38 độ C, theo thông tin từ một trang web tổng hợp dữ liệu khí tượng của Nga.
Nhiệt độ Bắc Cực tăng gấp đôi
Dù thời tiết mùa hè nóng bức không phải là hiếm ở Bắc Cực, song những tháng gần đây khu vực này đã chứng kiến nhiệt độ cao bất thường, có khi đo được 38 độ C và được cho là nóng lên nhanh gấp đôi so với mức trung bình toàn cầu.
Cuối tuần qua, nắng nóng thiêu đốt cả vùng Verkhoyansk - một thị trấn Siberia, cách thủ đô Moscow (Nga) khoảng 4.800km về phía đông và là một trong những nơi lạnh nhất thế giới. Thị trấn này là nơi sinh sống của khoảng 1.300 người. Như mọi năm, Verkhoyansk có khí hậu khắc nghiệt với nhiệt độ giảm mạnh vào tháng 1 đến mức trung bình - 42C và sau đó tăng mạnh vào tháng 6 đến 20 độ C. Nhưng năm nay thì khác.
Một đợt nắng nóng dai dẳng trong năm nay ở Bắc Cực đã khiến các nhà khí tượng học lo lắng. Vào tháng 3 - 5, dịch vụ biến đổi khí hậu của Copernicus báo cáo rằng nhiệt độ trung bình ở đây cao hơn 10 độ C so với thời gian này của những năm trước.
PGS. Dann Mitchell tại Đại học Bristol của Vương quốc Anh cảnh báo: “Các kỷ lục nhiệt độ hằng năm đang bị phá vỡ trên khắp thế giới, nhưng Bắc Cực đang nóng lên nhanh hơn bất cứ nơi nào khác trên trái đất. Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi thấy nhiệt độ tăng cao vực này. Chúng ta sẽ thấy nhiều hơn về hiện tượng này trong tương lai gần”.
Hiểm họa
Sự nóng lên ở Bắc Cực đang dẫn đến sự tan băng của tầng đóng băng vĩnh cửu. Đây là điều đáng báo động bởi các nhà khoa học cho biết vì băng tan, cacbon điôxít và mêtan từ lâu nay vẫn ẩn chứa trong đất băng giá được giải phóng, gia tăng hiện tượng hiệu ứng nhà kính, một vòng luẩn quẩn cho tình trạng khí hậu khắc nghiệt hiện nay.
Nhiệt độ cao hơn cũng khiến băng đất ở Bắc Cực tan chảy với tốc độ nhanh hơn, dẫn đến dòng chảy lớn hơn vào đại dương nơi để góp phần làm tăng mực nước biển.
Tác động của cháy rừng cũng là điều tác động đến Bắc Cực. Cháy rừng rất phổ biến vào mùa hè, nhiệt độ cao và gió mạnh khiến cháy rừng trở nên nghiêm trọng và bất thường.
Do đó, chống biến đổi khí hậu giờ đây đang là mối ưu tiên đặc biệt đối với miền cực bắc của trái đất. Đây cũng là vùng rất nhạy cảm với hiện tượng biến đổi khí hậu. Bởi từ lâu, các nhà khoa học đánh giá Bắc Cực mang những chỉ dấu đầu tiên về những thay đổi khí hậu.