Lo ngại ô nhiễm môi trường

QUỐC HẢI 28/02/2017 08:44

Hàng loạt cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp (TTCN) gây ô nhiễm môi trường tại Hội An sẽ được di dời tập trung lên Cụm công nghiệp Thanh Hà. Trong khi đó, hạ tầng tại đây chưa được xây dựng khiến chính quyền địa phương lo ngại.

Hầu hết đều gây ô nhiễm

Gần đây, người dân nhiều khu vực trên địa bàn TP.Hội An liên tục phản ánh và kiến nghị về tình trạng ô nhiễm môi trường từ các cơ sở sản xuất  TTCN. Từ cơ sở sản xuất mộc Lê Thanh Trung (khối Trảng Sỏi, phường Thanh Hà), cơ sở mộc Lê Thị Hành (phường Tân An) đến cơ sở chế biến đậu khuôn Bùi Công Nghĩa ở tổ 32 (thôn Bến Trễ, Cẩm Hà)... Thậm chí, chủ sở hữu khách sạn Vĩnh Hưng 4 ở phường Minh An đã gửi đơn thư kiến nghị lên các cấp thẩm quyền nhiều năm qua về tình trạng gây ô nhiễm môi trường của cơ sở sản xuất thủ công mỹ nghệ Nam Trân - An Hội nhưng đến nay tình hình vẫn chưa được cải thiện. “Sống ở Hội An ai cũng nghĩ là thanh bình, trong lành nhưng suốt ngày tiếng cưa xẻ và bụi bặm bao quanh thì làm răng chịu nổi” - một người dân phường Minh An nói.

Nỗ lực cải thiện môi trường trong khu dân cư. Ảnh: Q.H
Nỗ lực cải thiện môi trường trong khu dân cư. Ảnh: Q.H

Đến cuối năm ngoái, toàn TP. Hội An có 1.321 cơ sở sản xuất công nghiệp và TTCN, giải quyết 5.695 lao động. Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Vân -  Trưởng phòng Kinh tế thành phố, hầu hết hoạt động sản xuất TTCN đều gây ô nhiễm môi trường và ở địa phương nào cũng có. Các chất thải phát sinh từ sản xuất gây ô nhiễm và tác động đến sức khỏe của người dân ngày càng trở nên bức xúc. Các ngành, địa phương và thành phố đã nhiều lần giải quyết, các cơ sở sản xuất cũng đã có nhiều cố gắng cải thiện, làm giảm mức độ song vấn đề ô nhiễm vẫn chưa được giải quyết triệt để. Bên cạnh đó, do sợ mất lòng, ngại va chạm nên nhiều người dân không gởi đơn kiến nghị mà chỉ phản ảnh trong các cuộc họp của thôn, khối phố hoặc với lãnh đạo các ngành, địa phương. “Hầu hết cơ sở sản xuất hạ tầng còn lạc hậu, việc sử dụng máy móc thiết bị mới, hiện đại sản xuất chiếm tỷ lệ thấp, mặt bằng chật chội và tổ chức sản xuất thiếu khoa học. Điều kiện và môi trường lao động không đảm bảo; chưa có hệ thống xử lý nước thải, rác thải, bụi, tiếng ồn đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn quy định trước khi thải ra môi trường. Lượng chất thải phát sinh trong sản xuất chưa được thu gom xử lý triệt để, đã làm ảnh hưởng đến chất lượng sống của cộng đồng dân cư, ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị, đến môi trường du lịch. Vì thế, thành phố đã đề xuất phương án di dời tập trung” - bà Nguyễn Thị Vân nói.

Lo ô nhiễm

Hiện nay, Cụm công nghiệp Thanh Hà tại phường Thanh Hà được quy hoạch để bố trí các cơ sở sản xuất TTCN gây ô nhiễm môi trường trong khu dân cư di dời và phát triển công nghiệp sạch của thành phố. Giai đoạn 1 đã hoàn thành hạ tầng cơ bản như san nền, giao thông, cấp nước, điện, tỷ lệ lấp đầy hơn 70%. Hiện thành phố đang tiếp tục đầu tư giai đoạn 2, san nền vào năm 2016, năm nay và năm 2018 sẽ tiếp tục xây dựng các hạng mục giao thông, thoát nước... Cũng theo bà Nguyễn Thị Vân, diện tích Cụm công nghiệp Thanh Hà hơn 300.000m2, trong đó diện tích đất bố trí sản xuất hơn 200.000 m2; giai đoạn 1 đã bố trí 57.600 m2, diện tích đất dự kiến bố trí cho mỗi cơ sở di dời là 1.000m2.

Căn cứ vào kết quả khảo sát, từ năm 2017 đến năm 2020, Hội An tập trung giải quyết 55 cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Cụ thể, đầu tiên sẽ di dời 28 đơn vị đăng ký di dời tự nguyện và có ô nhiễm về bụi, tiếng ồn trên các tuyến đường trọng yếu hoặc ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị của thành phố (trong đó chủ yếu là các cơ sở chế biến gỗ, sản xuất giường, bàn ghế, tủ, cắt đá granit, sản xuất cơ khí), tiếp đến là 27 đơn vị có ô nhiễm về bụi, tiếng ồn ở các xã phường xa trung tâm thành phố như Thanh Hà, Cẩm Hà... Như vậy, ngay trong năm 2017, thành phố sẽ di dời 28 cơ sở đăng ký tự nguyện và các cơ sở có ô nhiễm bụi, tiếng ồn trên địa bàn các phường trung tâm thành phố như phường Minh An, Cẩm Phô, Cẩm Châu, Cẩm Nam, Tân An. “Họ tự nguyện thì rất dễ dàng, thuận lợi, tuy nhiên vấn đề đặt ra là quỹ đất có đáp ứng đủ không, giai đoạn 1 chỉ còn 24.300m2, trong khi  tổng quỹ đất cần để bố trí cho các hộ này lại hơn 25.000m2. Sang nền xong mà không có hạ tầng làm sao họ vô sản xuất được” - ông Nguyễn Thế Hùng - Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An nói.

Thực tế, các cơ sở sản xuất có vị trí không phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, nằm trên các tuyến đường trọng yếu hoặc trong các khu vực được quy hoạch phát triển mạng lưới lưu trú, ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị của thành phố; loại hình sản xuất có phạm vi gây ô nhiễm rộng, có chất thải nguy hại, khó có khả năng khắc phục ô nhiễm theo quy định; không có hệ thống xử lý ô nhiễm hoặc đã xây dựng nhưng chưa hoàn chỉnh, không đạt Tiêu chuẩn môi trường di dời ra khỏi khu dân cư là việc vô cùng cấp thiết. Tuy nhiên, chính quyền địa phương đang lo phương án sẽ rơi vào trạng thái “gánh cực mà đổ lên non”. Ông Kiều Văn Sang - Phó Bí thư Đảng ủy phường Thanh Hà cho rằng, Cụm công nghiệp Thanh Hà hiện đường chưa có, đất sang nền chưa xong, kè giữ đất trong khu vực cũng chưa hoàn thành thì các cơ sở sản xuất khó vô được. “Khi các cơ sở gây ô nhiễm nước, không khí, tiếng ồn dời vào cụm công nghiệp, kể cả các lò mổ nữa thì tôi lo sẽ ô nhiễm thêm. Đường sá chưa có, cũng không có nhà máy xử lý nước thải, như thế không sớm thì muộn sẽ gây ô nhiễm ở cụm công nghiệp rồi lan sang các khu dân cư” - ông Sang nói.

QUỐC HẢI

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Lo ngại ô nhiễm môi trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO