Sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh vẫn còn tình trạng vi phạm các quy định; trong khi đó, công tác kiểm soát, xử lý an toàn thực phẩm (ATTP) gặp nhiều khó khăn.
Nhiều sai phạm
Các đoàn thanh tra chuyên ngành và liên ngành được Chi cục Quản lý chất lượng nông - lâm - thủy sản (Sở NN&PTNT) thực hiện mới đây phát hiện nhiều sai phạm của các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh. Qua kiểm tra, lấy mẫu xét nghiệm, ngành chức năng đã xử phạt cơ sở sản xuất chả Thành (xã Hương An, Quế Sơn) 20 triệu đồng vì dùng chất Natri Benzoat trong sản xuất, bảo quản chả.
Ông Trần Bốn - Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông - lâm - thủy sản cho biết, Natri Benzoat rất nguy hại đối với sức khỏe của người tiêu dùng vì có thể gây nên ngộ độc cấp tính, nguy hiểm hơn là ung thư, tàn phá sức khỏe người dùng. Tại xã Duy Phước (Duy Xuyên), ngành chức năng đã lấy mẫu kiểm tra, phát hiện hàn the trong sản xuất chả của 1 cơ sở sản xuất. Cơ sở sản xuất chả này sau khi bị xử lý đã dừng hẳn hoạt động.
“Ngoài chả, chúng tôi còn phát hiện, xử phạt nhiều cơ sở sản xuất nước uống đóng chai, kinh doanh cà phê có hàm lượng cafein thấp hơn tiêu chuẩn công bố, bánh ngọt nhiễm vi sinh và nhiều hàng hóa nông, lâm, thủy sản khác” - ông Trần Bốn nói.
Ông Nguyễn Cam - Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Sở Y tế) cho biết, qua thanh tra, kiểm tra đã phát hiện, xử phạt nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm không đáp ứng các quy định về ATTP. Cụ thể, nhiều cơ sở vi phạm quy định về điều kiện bảo đảm ATTP trong kinh doanh thực phẩm đã qua chế biến. Hoạt động kinh doanh, dịch vụ ăn uống của nhiều cơ sở, cửa hàng, quầy hàng không đảm bảo chất lượng. Các cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố như bánh ngọt, bún, phở, mỳ không đảm bảo vệ sinh, thậm chí người bán hàng dùng tay tiếp xúc với thức ăn để phục vụ khách.
Đáng nói, có đến 137 cơ sở vi phạm quy định về điều kiện chung bảo đảm ATTP trong sản xuất, kinh doanh, dùng phụ gia, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm. Ngay cả dụng cụ, vật liệu bao gói chứa đựng thực phẩm cũng không đáp ứng yêu cầu vệ sinh, nguy cơ dẫn đến nhiều bệnh về đường ruột khi người dùng sử dụng.
Theo ông Cam, vẫn còn khá nhiều cơ sở có điều kiện sản xuất, kinh doanh thực phẩm chưa đảm bảo, trần nhà, sàn, nền nhà bẩn, chứa nhiều tạp chất. Thậm chí trong sản xuất thực phẩm, các cơ sở không che đậy, để côn trùng, động vật gây hại tiếp xúc. Nhiều loại bánh kẹo hết hạn sử dụng vẫn được bày bán. Thực phẩm nước ngoài không có nhãn phụ, thậm chí không rõ xuất xứ vẫn còn được bày bán.
Bất cập quản lý
Ông Nguyễn Cam cho biết đang tham mưu Sở Y tế xây dựng kế hoạch bảo đảm ATTP dịp Tết Nguyên đán Canh Tý và mùa lễ hội Xuân 2020 để trình UBND tỉnh thông qua. Theo đó, huy động mọi nguồn lực, hình thức, phương tiện truyền thông để phổ biến các quy định, kiến thức về ATTP; huy động toàn xã hội tham gia phòng ngừa, đấu tranh chống sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả, kém chất lượng. Sắp tới, các cơ quan chức năng của tỉnh sẽ tổ chức các đoàn liên ngành kiểm tra, thanh tra, qua đó kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các vi phạm về ATTP, hạn chế ngộ độc thực phẩm, các bệnh truyền qua thực phẩm, đồng thời đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về ATTP.
Theo Sở Công Thương, lo ngại nhất là trên địa bàn tỉnh chưa có dữ liệu thống kê về ATTP, do đó khó kiểm soát các cơ sở dù đã bị nhắc nhở, xử phạt vẫn liên tục sai phạm các quy định về ATTP. Trên địa bàn tỉnh có quá nhiều cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm nhưng do không có dữ liệu thống kê nên ngành chức năng có khi thanh tra, kiểm tra nhiều lần ở 1 cơ sở còn các cơ sở khác thì chưa hề được kiểm tra.
Theo ông Thiều Việt Dũng - Phó Giám đốc Sở Công Thương, do thiếu dữ liệu thống kê về ATTP cộng với cán bộ phụ trách ATTP cấp huyện, xã thiếu chuyên môn, nghiệp vụ, kiêm nhiệm nên nhiều khi công tác thanh tra, kiểm tra ở cơ sở bị động, chưa đáp ứng yêu cầu về chấn chỉnh, đưa quản lý ATTP vào nền nếp.
Theo ông Nguyễn Cam, trong khi ở 17 huyện, thị xã, thành phố triển khai đầy đủ các hoạt động đảm bảo ATTP thì huyện Phú Ninh còn thiếu sót. Một nguyên nhân không thể không nhắc đến là sự lơ là của các cơ quan chức năng. Ông Phan Đình Mỹ - Trưởng phòng Y tế kiêm Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Phú Ninh cho rằng, vì thiếu cán bộ, cán bộ phụ trách ATTP kiêm nhiệm nên công tác quản lý còn chưa chặt chẽ. Trong khi đó, kinh phí thực hiện quản lý ATTP thì quá ít ỏi, có khi cán bộ tự bỏ tiền túi nên thiếu hăng hái triển khai.
Ông Trần Bốn cho rằng, sự phối hợp chưa chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng trong thanh tra, kiểm tra ATTP là lỗ hổng đáng tiếc. Ví như, có một số đợt thanh tra, kiểm tra, cán bộ của ngành này thiếu nên lĩnh vực thuộc chuyên ngành quản lý bị bỏ ngỏ. Trước đây, khi Chi cục Quản lý thị trường thuộc Sở Công Thương tham gia đoàn liên ngành, chuyên ngành ATTP thì giải quyết được rất nhiều việc nhưng khi trở thành Cục Quản lý thị trường thuộc Bộ Công Thương thì không còn tham gia trong đoàn công tác dẫn đến thiếu hụt nghiêm trọng vì trong số các ngành chức năng gồm Sở Y tế, Sở NN&PTNT, Sở Công Thương, không ngành nào nắm rõ, sâu sắc về diễn biến thị trường.
“Mới đây, ở TP.Hội An có 1 cơ sở kinh doanh cà phê của 1 doanh nghiệp thuộc tỉnh Đắk Lắk, chúng tôi có biên bản sai phạm nhưng chỉ xử lý về ngọn là cơ sở bán cà phê, còn doanh nghiệp ở Đắk Lắk cung cấp cà phê thì dù liên hệ nhiều lần nhưng vẫn không hợp tác, thậm chí còn thách thức. Quản lý ATTP mà không xử lý được về gốc là thiếu căn cơ” - ông Trần Bốn nói.