Lo ngày lên phố

XUÂN KHÁNH 21/04/2018 11:21

Cà kê gần hết một buổi sáng cuối tuần ở Duy Hải, Duy Nghĩa (huyện Duy Xuyên), mà vẫn “không tìm thấy nhau” cái dạng hình đô thị sắp khởi động ven dòng Cửa Đại, chỉ rặt toàn những xa xăm…

Một góc khu tái định cư Tây Sơn Đông sẽ là một phần khu đô thị Duy Hải - Duy Nghĩa sau này. Ảnh: XUÂN KHÁNH
Một góc khu tái định cư Tây Sơn Đông sẽ là một phần khu đô thị Duy Hải - Duy Nghĩa sau này. Ảnh: XUÂN KHÁNH

1. Cách đây hai năm, chính xác là tháng 4.2016, sau khoảng lặng của cơn sốt xây nhà “chạy” đền bù dự án Nam Hội An, chúng tôi trở lại Duy Hải, đi thẳng vào khu tái định cư Tây Sơn Đông. Ở đó, vào thời điểm ấy, hạ tầng cho tái định cư còn thiếu trầm trọng và đối diện muôn vàn khó khăn. Gió thốc lên một tí, là cát bay đầy nhà. Nước sạch không có, phải đóng giếng khoan, nước hút lên, nhiễm phèn đỏ ngầu, không dùng được. Điện đóm thì heo hút… Sau hồi liệt kê những cái khổ không ngờ tới ấy, người dân buông thõng câu thở dài: “Bán không được, chớ bán được tui đi rồi”.

Họ muốn bán miếng đất đó, để đi đến một nơi khác, miễn là không còn phải khổ sở trong khu tái định cư bên cạnh dự án nghỉ dưỡng tỷ đô đang được triển khai. Nhưng chẳng ai mặn mà trước nơi gió bụi này, nên thành ra, khổ chủ chỉ còn cách bấu víu lấy nơi này. Tất nhiên, những ai có điều kiện hơn, thì tìm một nơi ở khác mà không cần phải rao bán miếng đất trong khu tái định cư. Và những người ấy, không ngờ đó là một khoản tiết kiệm sinh lời đột biến, khi giá đất nơi này liên tục nhảy múa đến chóng mặt. Từ một miếng đất chỉ từ 200 cho đến dưới 300 triệu đồng ngày nào, nay muốn mua, phải bỏ số tiền ít nhất phải gấp 10 lần, một mức giá không tưởng! Trước, ngồi ở chợ Nồi Rang bên Duy Nghĩa, tôi cũng chỉ nghe chuyện đất đai. Tất nhiên, so với Duy Hải, thì Duy Nghĩa không “nóng” bằng, nhưng với cái đà ấy, trước sau gì giá đất cũng “lên trời”!

Trở lại khu tái định cư Tây Sơn Đông, nay nhà cửa vườn tược đã bắt đầu nên hình nên dáng, chỉ còn một khoảng trống mênh mông khó san lấp, nó được tạo ra từ… cơn sốt đất đai. Nói như ông Trần Văn Siêm - Phó Chủ tịch UBND xã Duy Hải, đó là khoảng trống trong các mối quan hệ ruột thịt. Cuộc đời sấp ruộng ngửa biển, đoàng một cái, cầm trong tay tiền tỷ. Nhiều người mua sắm vô tôi vạ, ăn chơi xả láng, để đến khi nhìn lại, thì mới hay thật sự là trắng tay. Tất yếu đi cùng, là những gia đình rạn nứt và không ít đã đổ vỡ. Bây giờ, chưa chi đã thế, thì vài ba năm nữa, trong tiến trình của đô thị, không biết họ sẽ bị lọt thỏm nơi nào sau cái phung phí của mình?

2. Sau hồi lang thang, chúng tôi trở ngược về phía biển. Giờ giấc sắp đi vào trưa, nên bến cá An Lương dần thưa người. Bến cá nhỏ này đang phải oằn mình gồng gánh sự quá tải. Vào mùa biển, mỗi sáng, những chiếc xe đông lạnh cả lớn lẫn bé, nối đuôi nhau ra vào bến cá khiến cho con đường vốn nhỏ, càng thêm chật chội. Ông Nguyễn Văn Thống - Chủ tịch UBND xã Duy Hải nói rằng đã có đề nghị cấp trên triển khai những quy hoạch nhằm giảm bớt áp lực cho An Lương, nhưng vẫn chưa thấy động thái nào chứng tỏ sự điều chỉnh. Ông nói đùa: “Nhiều lúc muốn cho anh em chặn bớt xe. Nhưng làm thế thì đâu có được, vì cũng ảnh hưởng đến vấn đề mưu sinh của dân mình mà”.

Nói thiên nói địa, rồi câu chuyện cuối cùng cũng trở về vấn đề đã băn khoăn từ khoảng hai năm trước, là câu chuyện dạy - học nghề cho người dân địa phương. Đó là một bài toán cần giải quyết, nếu không muốn người dân trở thành những kẻ lơ ngơ trên đất của mình sau này, khi những khu nghỉ dưỡng đi vào hoạt động! Ông Thống cho biết, hiện có khoảng vài trăm người dân xã Duy Hải đang làm việc trong khu Nam Hội An và Vinpearl ở bên xã Bình Dương (huyện Thăng Bình). Nhưng đó là những công việc tay chân đúng nghĩa mà phần lớn là lớp trung niên. Còn cái mong muốn của địa phương, phải đào tạo nghề, nhất là cho lớp trẻ, để họ có thể vào làm trong các khu nghỉ dưỡng với những công việc dịch vụ khách chứ không chỉ là tưới nước, tỉa cây.

Có dịp tham vấn một số chuyên gia kinh tế lẫn quy hoạch, họ đều nhìn nhận rằng việc dạy - học nghề phải luôn được tiến hành nơi triển khai dự án. Bởi suy cho cùng, số tiền đền bù nhận được, cũng chỉ là để làm lại nơi ở mới chứ không phải dùng để phung phí. Còn việc làm, là vấn đề dài hơi mà tầm quan trọng đem lại chính là sự ổn định của khu đô thị Duy Hải - Duy Nghĩa sau này. Nếu họ không có việc làm, họ sẽ trở thành những kẻ lay lắt trong khu đô thị và chẳng ai dám khẳng định rằng, điều ấy sẽ không sản sinh ra những tệ nạn. Hoặc nếu họ bỏ đi để tìm việc ở một nơi khác, thì khu đô thị ấy, sau này, còn có được bao nhiêu người dân địa phương sinh sống?

Bản sắc của đô thị, suy cho cùng không phải là vẻ hào nhoáng bên ngoài, mà nó phải được xây dựng từ những lối sống, nếp sinh hoạt…, của chính người dân địa phương mà nên.

XUÂN KHÁNH

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Lo ngày lên phố
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO