Đang hiển thị
Tỉnh thành khác
Chủ Nhật, 15/12/2024
Theo dõi các phiên thảo luận tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV được truyền thông đưa tin, thấy nổi lên vấn đề: cử tri bày tỏ lo lắng dù kinh tế nước ta đã bước sang giai đoạn phục hồi và phát triển nhưng chưa đồng đều và bền vững.
Những khó khăn mới phát sinh như học phí và giá các dịch vụ tăng cao; việc đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh gặp nhiều bất trắc; việc làm, thu nhập của người lao động eo hẹp trong khi tiền lương của công chức, viên chức và người lao động chưa tăng.
Đáng chú ý, cùng với cử tri 10 tỉnh thành khác, cử tri Quảng Nam ở vùng nông thôn lo ngại giá cả các mặt hàng nông sản chủ lực không ổn định, giá vật tư nông nghiệp, nhất là phân bón, thức ăn chăn nuôi duy trì ở mức cao, chi phí đầu vào tăng cao phụ thuộc lớn vào thị trường xuất khẩu, nhất là Trung Quốc. Những điều này đã ảnh hưởng đến thu nhập, giảm chất lượng cuộc sống người dân.
Khó khăn ở đồng bằng một thì khó khăn ở miền núi mười.
Một con số đáng chú ý ở miền núi Quảng Nam: thu nhập bình quân đầu người năm 2021 đối với các xã biên giới là 20,8 triệu đồng/năm (trong đó, huyện Tây Giang là 23,6 triệu đồng/năm, huyện Nam Giang là 18 triệu đồng/năm). Mức này chỉ mới tương đương thu nhập bình quân đầu người của cả tỉnh cách đây 8 năm - là năm 2013 (21 triệu đồng).
Con số này, là khoảng cách quá xa với chỉ tiêu GRDP bình quân đầu người của Quảng Nam đến năm 2025: từ 110 - 113 triệu đồng theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Với miền núi, nếu đầu tư không đồng bộ, nhỏ giọt thì chỉ như muối bỏ bể. Kết thúc giai đoạn 2016 - 2021, nhìn lại việc thực hiện chính sách phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo, gắn với bảo đảm quốc phòng - an ninh khu vực biên giới vùng dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh, Quảng Nam đã đề nghị Chính phủ và bộ, ngành Trung ương ưu tiên hỗ trợ nguồn vốn từ ngân sách trung ương để thực hiện nhiệm vụ theo Nghị quyết số 16 ngày 10/10/2017 của Bộ Chính trị, trong đó ưu tiên hỗ trợ đầu tư, nâng cấp hạ tầng các cửa khẩu, các tuyến đường tuần tra, công trình bảo vệ biên giới phù hợp với đặc điểm địa hình miền núi để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh tuyến biên giới đất liền.
Đồng thời, đề nghị Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải và các bộ, ngành trung ương xem xét bố trí nguồn vốn ngân sách để đầu tư nâng cấp, mở rộng tuyến 14D nhằm nâng cao, mở rộng cơ hội hợp tác về kinh tế, thương mại, du lịch tuyến Hành lang kinh tế Đông - Tây, giữa Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung Việt Nam với các tỉnh Nam Lào và Đông Bắc Thái Lan thông qua Cửa khẩu quốc tế Nam Giang.
Có thể thấy, việc đầu tư phát triển kinh tế - xã hội khu vực miền núi, biên giới chưa tương xứng. Trong khi đó việc phân bổ vốn của Trung ương thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia cho các địa phương chậm, khiến các chính sách dân tộc bị gián đoạn, chậm cơ hội tiếp cận nguồn lực để phát triển cho khu vực này.
Hôm cuối tuần rồi, tham gia thảo luận tại tổ, đại biểu Lê Văn Dũng - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam tiếp tục đề nghị Chính phủ có cơ chế hỗ trợ ngân sách đầu tư cho các xã biên giới từ 15 - 20 tỷ đồng/năm để phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm, tăng thu nhập; bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội; giảm nghèo bền vững, thu hẹp chênh lệch vùng miền. Đề nghị Quốc hội, Chính phủ cho chủ trương gia hạn thời gian thực hiện giải ngân đến 30/6/2023 đối với các chương trình mục tiêu quốc gia…
Lo trước mắt, Quảng Nam đã kiến nghị bằng nhiều hình thức, nhưng bao giờ những kiến nghị được đáp ứng, thì nỗi lo lâu dài mới vơi đi.