Lỡ nghĩ

PHAN VĂN MINH 17/09/2017 07:59

Con người ai cũng từng “lỡ”. Đó là những sự cố đã rồi do tự mình làm trong bất chợt và thường dẫn đến hậu quả tai hại, cho dù vô tình hay hữu ý.

Thảm họa bom nguyên tử năm 1945.                            Nguồn: Internet
Thảm họa bom nguyên tử năm 1945. Nguồn: Internet

Nhưng có một tình huống “lỡ” mà ít ai nói tới, đó là “lỡ… nghĩ”. Nếu các thứ “lỡ” khác như “lỡ tay, lỡ chân, lỡ miệng, lỡ lời” thường xảy ra tức thời thì cái sự “lỡ nghĩ” thường đeo bám con người một cách thường trực, thậm chí suốt đời. Nó sẽ điều khiển, thao túng mọi tư duy và hành động tiếp theo của người… nghĩ ra nó. Ngày xưa những nhà giả kim thuật “lỡ nghĩ” rằng tồn tại một cách nào đó có thể biến chì thành vàng vì hai thứ kim loại này có những lý tính gần giống nhau. Vậy là họ giam mình trong những căn hầm bí mật tăm tối với các hóa chất, những bình cổ cong và những cuộc thí nghiệm kỳ dị từ ngày này sang tháng khác cho đến khi tuyệt vọng, thân tàn ma dại. Alexandros đại đế của Hy Lạp cổ đại hay Thành Cát Tư Hãn của Mông Cổ có khi chỉ trong một đêm đã “lỡ nghĩ” rằng không có thành trì nào có thể ngăn cản được vó ngựa và cung tên của họ. Adolf Hitler cũng trong một phút cuồng ngông nào đó đã “lỡ nghĩ” dòng giống Aryan là “thượng đẳng” nên có quyền thống trị cả nhân loại. Pol pot, thủ lĩnh phe Khmer đỏ nửa cuối thế kỷ trước, một kẻ có học nhưng “lỡ nghĩ” về viễn cảnh một “công xã” tương lai của Campuchia. Còn vào đầu thế kỷ này, lại có một gã al-Baghdadi nào đó… đang “lỡ nghĩ” đến một thế giới chỉ có đạo Hồi… Và như chúng ta đã biết, hậu quả của những ý nghĩ này đã để lại những vết nhơ kinh hoàng như thế nào về lương tri của loài người trên con đường đi tới văn minh.

Lỡ chân có thể gượng được, lỡ lời có thể… xin lỗi hoặc “nói đi nói lại” để làm… quân tử khôn. Nhưng “lỡ nghĩ” là một trạng thái nội tâm, không gây hiệu ứng tức thời và cũng không lộ diện ra bên ngoài nên nó cứ mặc nhiên phát triển. Từ “lỡ nghĩ” sai, tất yếu dẫn đến hành động rồi kết quả đều sai. Kẻ “lỡ nghĩ” không phải không nhận ra điều đó nhưng thường thì “ném lao phải theo lao”, phải nghĩ tiếp và hành động tiếp để ngụy tạo, lấp liếm, che giấu các hậu quả. Nhưng theo logic học, một cái đã sai thì dù biến đổi bằng cách nào vẫn dẫn đến sai, trừ phi làm ngược lại.

Khi nghe tin một vị nào đó bị đưa ra xét xử vì tội tham ô, tuy hầu hết chúng ta đều vô cùng hả hê nhưng có lẽ cũng nên dành cho y một phút chạnh lòng, bởi biết đâu kẻ ấy do thiếu… giáo dục, thiếu… liêm sỉ, thiếu khả năng tiết chế tham vọng nên trong một phút “mờ mắt” nào đó đã… “lỡ nghĩ” đến việc chiếm dụng những thứ không phải của mình.

Tuy vậy, cái sự “lỡ nghĩ” không phải bao giờ cũng xuất phát từ động cơ sai. Khi 2 quả bom nguyên tử do Mỹ ném xuống Hiroshima và Nagasaki gây nên thảm họa hạt nhân khủng khiếp đầu tiên cho nhân loại, Einstein đã rất ân hận vì cho rằng mình đã “ lỡ nghĩ” về việc làm phân rã hạt nhân uranium có thể mang lại lợi ích to lớn cho loài người. Bởi suy cho cùng, tổng giá trị của tất cả ứng dụng hạt nhân cho hòa bình và phát triển không thể bù đắp nổi những tai họa mà thứ năng lượng này gây nên như chúng ta đã từng biết. Ngoài hàng triệu sinh linh bị hủy diệt ở hai thành phố của Nhật Bản năm 1945, sau này còn có Chernobyl, Fukushima và những mối nguy cơ đang “hờm” sẵn trên các giàn tên lửa hiện nay. Vậy tội lỗi đâu phải tại nhà bác học Einstein, ân nhân của chúng ta?

Một người “nghĩ quẫn” vì bị phụ tình, vì nợ nần, vì sợ cảnh tù tội mà tự sát  thì mặc dù đáng trách nhưng cũng có thể tha thứ được, nhưng một ai đó trong lúc cao hứng mà nghĩ đến những hành động có thể gây nên nỗi bất hạnh và thiệt hại cho nhiều người, thì đó là tội đồ. Trong thế giới của chúng ta, bất kỳ một hoạt động kinh tế - chính trị - xã hội nào cũng đều bắt đầu từ ý tưởng của một cá nhân, sau đó mới đến vai trò của tập thể và cộng đồng. Nếu có vô số ý tưởng đã mang lại tiện nghi và hạnh phúc cho con người thì cũng tồn tại quá nhiều sự “lỡ nghĩ” dẫn đến tai ương. Một nhà máy đặt không đúng chỗ xả thải hủy hoại môi trường, đánh đổi tương lai cả một vùng dân cư cho cái lợi trước mắt; một dự án hợp tác khai thác dầu khí bên kia đại dương phải “bỏ của chạy lấy người”, mất trắng hơn nửa tỷ đô la mà chẳng thu được giọt dầu nào; một mô hình trường học được du nhập từ một nền giáo dục “thường thường bậc trung” về, được cho là “mới” nhưng sau 4 năm “thí điểm” chẳng mang lại lợi ích gì ngoài việc biến hàng triệu trẻ em thành… chuột bạch, chắc chắn đều do những cái đầu cụ thể nào đó nghĩ ra trước. Liệu đã có hình phạt nào tương xứng với những sự “lỡ nghĩ “ này hay chưa?

Ai cũng có khả năng nghĩ ra một ý tưởng, nhưng trước khi biến nó thành hiện thực cần phải tiếp tục nghĩ đến những gì bị tác động tiêu cực bởi nó, theo cách “uốn lưỡi bảy lần” như cha ông ta đã dạy. Hơn nữa, nếu sản phẩm của ý tưởng đó có liên quan đến quyền lợi của số đông thì cần phải tạo cơ hội cho nhiều người cùng tham gia… “uốn lưỡi” với. Có vậy thì cộng đồng xã hội mới giảm thiểu được gánh nặng do cái sự “lỡ nghĩ” của một ai đó gây ra.

PHAN VĂN MINH

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Lỡ nghĩ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO