Lo nợ nông thôn mới

TRỊNH DŨNG 20/07/2016 10:02

Nợ xây dựng nông thôn mới là câu chuyện được đề cập khá nhiều tại các cuộc họp gần đây. Hiện ngành chức năng và địa phương đã lên kế hoạch trả nợ và không để phát sinh nợ từ việc rà soát, quản lý chặt các dự án đầu tư…

Đầu tư vượt khả năng ngân sách

Con đường bê tông nối tuyến ĐT610B, kẻ một đường xẻ ngang lòng 3 xã Gò Nổi đến tận bến đò Ông Đốc rộng thênh thang. Ven lộ dần mọc lên những căn nhà ngói tinh tươm. Ông Trần Đình An, thôn Kỳ Lam Nam (Điện Phước, Điện Bàn) nói đường sá mới dựng đã giúp người ven sông thuận lợi đi lại và vận chuyển hàng hóa. Dân địa phương nói 3 xã đã tính toán kỹ lưỡng cho cuộc đầu tư nông thôn mới mà không phải “gánh nợ” đồng nào trên bảng kê đầu tư…

Chương trình xây dựng nông thôn mới đã tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân ở nhiều địa phương phát triển sản xuất. Ảnh: T.D
Chương trình xây dựng nông thôn mới đã tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân ở nhiều địa phương phát triển sản xuất. Ảnh: T.D

Sự thành công của Gò Nổi chỉ là một lát cắt trong nỗ lực xây dựng nông thôn mới tại Quảng Nam trong nhiều năm qua. Có thể khẳng định kết quả xây dựng nông thôn mới đã tạo ra khá nhiều điểm sáng về hạ tầng và thiết chế văn hóa, hình thành các vùng sản xuất nông sản theo các trục giao thông, thủy lợi…, tạo nên không gian sống và hưởng thụ vật chất văn hóa, tinh thần cho đông đảo người dân. Tuy nhiên, điều đó cũng chỉ là bước đi ban đầu trước những điểm nghẽn, thách thức cần nỗ lực để vượt qua. Ngày 7.7, Sở KH&ĐT công bố số nợ xây dựng cơ bản của chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011 - 2015 đến ngày 31.1.2016 (theo tổng hợp của Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh) là khoảng 157,2 tỷ đồng; trong đó ngân sách trung ương và tỉnh là hơn 15,9 tỷ đồng (riêng năm 2015 gần 9,2 tỷ đồng), huyện hơn 57,2 tỷ đồng, xã hơn 83,9 tỷ đồng. Một số huyện, thị xã, thành phố nợ nhiều như Phú Ninh (33,129 tỷ đồng), Thăng Bình (22,652 tỷ đồng), Điện Bàn (19,694 tỷ đồng), Đại Lộc (17,683 tỷ đồng), Duy Xuyên (14,053 tỷ đồng), Tam Kỳ (11,388 tỷ đồng)…

Theo Sở KH&ĐT, do nguồn vốn hàng năm phân bổ trực tiếp cho chương trình hạn chế, chỉ bình quân 2 tỷ đồng/xã điểm/năm, nhưng một số tiêu chí hạ tầng trung ương quy định tỷ lệ đạt chuẩn cao như 100% nhà văn hóa - khu thể thao thôn đạt chuẩn, 70% giao thông, kênh mương bê tông hóa, 50% hộ dân sử dụng nước sạch theo tiêu chuẩn quốc gia…, nên bắt buộc các xã phải tìm mọi cách để thi công công trình nhằm đạt mục tiêu đề ra nên dẫn đến một số nơi phát sinh nợ. Ngoài ra, khi được giao vốn, một số xã đã bố trí cho nhiều danh mục (bố trí vốn đủ để khởi công), nhưng năm sau không xây dựng kế hoạch để thanh toán khối lượng cho các công trình chuyển tiếp, chủ yếu xây dựng kế hoạch cho xây dựng mới nên phát sinh nợ hoặc các địa phương chậm quyết toán nên chưa có cơ sở xử lý nợ.

Ông Lê Phước Hoài Bảo - Giám đốc Sở KH&ĐT cho hay số nợ này chỉ là con số thống kê ban đầu. Khả năng sẽ còn gia tăng. Số nợ của xã gần như chưa có nguồn để trả. Thực tế, nguồn vốn xây dựng các công trình được trung ương, tỉnh hỗ trợ bình quân 70 - 80% tổng mức đầu tư, phần còn lại là vốn đối ứng của huyện, xã và huy động khác. Nhưng rất ít địa phương ưu tiên bố trí ngân sách để đối ứng vốn đầu tư, chủ yếu trông chờ vào nguồn khai thác quỹ đất để có vốn đối ứng. Song việc khai thác quỹ đất ở cấp xã bị trở ngại do vướng các quy định và giá đất nông thôn thấp nên khó khai thác được quỹ đất để trả nợ phần đối ứng này.

Kế hoạch trả nợ

Theo ông Lê Phước Hoài Bảo, để giải quyết số nợ trong chương trình xây dựng nông thôn mới, sở đã đưa ra nhiều giải pháp. Số nợ cấp tỉnh sẽ được xử lý bằng cách tiếp tục thanh toán sau khi các địa phương quyết toán dự án hoàn thành và UBND cấp huyện, xã có bổ sung vốn đối ứng theo quy định, xây dựng cơ chế nguồn thu từ quỹ đất để lại cho xã xây dựng nông thôn mới và nghiên cứu lập phương án đấu giá quyền sử dụng đất, tạo nguồn thu từ quỹ đất để xây dựng nông thôn mới trên địa bàn. Đối với nợ cấp huyện, các UBND các huyện, thị xã, thành phố sẽ phải tăng cường công tác quản lý vốn đầu tư và xử lý nợ, phải có lộ trình thanh toán từ nguồn ngân sách cấp huyện, nguồn xây dựng cơ bản tập trung, nguồn khai thác quỹ đất, nguồn tăng thu, vượt thu (nếu có) và các nguồn khác, kể cả huy động từ các doanh nghiệp và các nhà hảo tâm… Sẽ đẩy mạnh việc khai thác quỹ đất để lại cho xã và bố trí nguồn ngân sách tập trung huyện cấp cho xã để xử lý nợ trước năm 2019. Nếu xã đã đạt chuẩn nông thôn mới mà chưa xử lý xong nợ xây dựng cơ bản thì yêu cầu các huyện không giao vốn để duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí. Riêng giai đoạn 2016 - 2020 cần tập trung bố trí vốn đối ứng. Địa phương nào để phát sinh nợ mới thì chủ tịch UBND địa phương đó chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh.
Theo ông Võ Hồng - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, vấn đề là kiểm soát nợ và dòng tiền trả nợ chứ không phải nợ bao nhiêu. Một kế hoạch mới mẻ cho tiến trình đầu tư xây dựng nông thôn mới đã được đưa ra, đó là sẽ có một cuộc rà soát, xem xét lại các xã đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020. Nếu xã nào có nhiều tiêu chí khó đạt hoặc đòi hỏi nhu cầu vốn quá lớn thì loại khỏi danh sách để tập trung nguồn lực cho các xã còn lại, cũng như giảm áp lực nợ cho tỉnh, huyện xã… Ngoài ra, UBND tỉnh sẽ tiếp tục có văn bản đề nghị Chính phủ cho Quảng Nam được thanh toán hơn 6,3 tỷ đồng vốn trung ương hỗ trợ chương trình xây dựng nông thôn mới năm 2011 đã bị tạm dừng. Giải quyết hết chuyện này thì nợ nông thôn mới là điều không có gì đáng lo ngại.

TRỊNH DŨNG

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Lo nợ nông thôn mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO