Lò tạo xoay vần

NGUYỄN DỊ CỔ 13/04/2023 07:58

(VHQN) - Với một quốc gia có nền văn minh lúa nước từ lâu đời gắn liền nông cụ cùng với trường kỳ lịch sử chống giặc ngoại xâm phải cần vũ khí, Việt Nam chắc hẳn đã có nghề rèn từ rất sớm và liên tục phát triển. Dấu vết đó còn lưu lại trong truyền thuyết Thánh Gióng, nỏ thần An Dương Vương; địa danh phố Lò Rèn thuộc 36 phố phường Hà Nội, nhiều địa danh có yếu tố Nôm là “Rào” ở phía bắc hay tên chữ như “Hồng Lư” ở Tam Kỳ.

 

“Kiếp tro bụi” dễ mấy trăm năm

Nếu truyền thuyết Thánh Gióng cho chúng ta biết về trình độ kỹ thuật nghề rèn nước ta dưới thời Hùng Vương thì những đồ khai quật được là dụng cụ bằng sắt của cư dân tiền Sa Huỳnh tại các di chỉ khảo cổ Bãi Ông, Hậu Xá II, An Bang, Thanh Chiếm, Đại Lãnh… cũng cho thấy sự tinh xảo về kỹ thuật rèn sắt của cư dân bản địa Quảng Nam cổ xưa.

Hiện nay, nhiều người chủ hay thợ của các làng nghề, xóm nghề rèn ở Quảng Nam cho rằng lịch sử hình thành nghề rèn tại địa phương trong vòng vài trăm năm, tính bằng các thế hệ kế nghiệp mà không trưng dẫn tư liệu thư tịch.

Nghề rèn ở xóm Phú Nhiêu (làng Thạnh Phú, xã Đại Chánh, huyện Đại Lộc) trên dưới 200 năm, ở Sơn Phong, Cẩm Châu (Hội An) trải qua đã được 6 đời, ở Quế Châu (Quế Sơn) 3 thế kỷ…

Truyền thuyết Thánh Gióng thời vua Hùng được thư tịch hóa vào thế kỷ 13, 14. Hai thế kỷ sau, nghề rèn ở Quảng Nam cũng đã được chính thức ghi chép trong Phủ tập Quảng Nam ký sự, với nội dung: “Trên mỏ cày có thêm trạnh phụ, làm cho cùng một công cày mà bội tăng đất thục, đó là cái lợi của việc đổi mới kỹ thuật”; “Khuyến khích các nghề như: thợ rèn, thợ mộc, thợ đúc, thợ dệt vải, thợ dệt chiếu, thợ chằm tơi nón, khi làm được hàng hóa, đem ra chợ bán không đóng thuế chợ”.

Tác phẩm “Quảng Nam tỉnh phú” của Trương Trọng Hiếu (cuối thế kỷ 19) mô tả các ngành nghề thủ công địa phương, có câu: “Công tượng quy tông tổ chi mô, lô dã tắc Kiều xã, Phú Xuân, phủ cân tắc Kim Bồng, Phú Thị” (nghĩa: Công thì giữ nghề tổ phụ, lò rèn Phước Kiều, Phú Xuân, xưởng mộc Kim Bồng, Phú Thị).

Đặc biệt với bài văn tế thợ rèn bằng chữ Nôm của Tú Quỳ giữa thế kỷ 19, chúng ta khẳng định nghề rèn ở Quảng Nam đã tồn tại mấy trăm năm.

“Nghề rèn đập” vang tiếng muôn nơi

Quảng Nam có nghề nấu, đúc kim khí (đồng, chì, sắt). Theo “Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ”, thợ nấu kim khí được sung vào ngạch thợ, tuyển mộ và chia thành hai ban thay nhau về kinh đô Huế để làm việc, mỗi tháng mỗi người được phát 1 quan tiền, 1 phương gạo.

Ảnh: PHƯƠNG THẢO
Ảnh: PHƯƠNG THẢO

Thiệu Trị năm thứ 3 (1843) có lệnh: phàm thợ nấu kim khí Quảng Nam có con em ở xã thôn nào đi làm ăn ở các địa phương khác đều phải rút về nguyên quán bổ vào ngạch thợ.

Sách “Đồng Khánh địa dư chí” chép liên quan nghề rèn tỉnh Quảng Nam “có làm nghề và có sản phẩm, nhưng trong 6 huyện thì huyện có huyện không, nơi nhiều nơi ít không giống nhau”.

Ở mỗi làng đều có một vài lò rèn, rèn sắt thành nông cụ cùng một số dụng cụ cần thiết khác nhau (dao, rựa, cuốc xẻng, liềm, hái, cưa, đục…), đôi khi cả các loại vũ khí (đao, kiếm, mã tấu).

Dưới thời Pháp thuộc, việc mở mang đường giao thông (đường bộ, đường sắt, đường thủy), việc xây cất nhà cửa, cầu cống phát triển mạnh. Nghề làm gạch, ngói, gốm sứ, đá, nghề mộc, rèn, sửa chữa cơ khí… thu hút một lực lượng lao động đông đảo.

Những làng nghề, xóm nghề rèn xuất hiện sớm ở Quảng Nam như làng nghề rèn Phú Nhiêu, lò rèn của ba tộc họ Lê, Phạm, Lâm ở Hội An, nghề rèn truyền thống Gia Cát (Quế Sơn), làng nghề rèn xã Quế Châu (Quế Sơn), làng nghề rèn Hồng Lư (Tam Kỳ)… Về sau, nghề rèn còn được lan truyền đến vùng núi phía tây Quảng Nam.

Nguyên liệu của nghề rèn là sắt thép. Dưới thời chúa Nguyễn, vùng Quảng Nam và cả xứ Đàng Trong rất khó khăn về nguồn sắt thép, phải thông qua ngoại thương mới có được.

Tài liệu chữ Hán của Nhật Bản và Trung Quốc ghi chép, năm 1577 có 14 ghe mành chở đồng, sắt và đồ sành sứ từ Phúc Kiến tới Thuận Hóa để bán. Đến giai đoạn nửa cuối triều Nguyễn, người Quảng Nam đã thực hiện việc khai thác sắt.

Điều này đã được ghi chép trong sách “Đại Nam nhất thống chí” là sắt sản ở huyện Duy Xuyên, nộp thuế mỗi năm 60 cân; hay trong “Đồng Khánh địa dư chí” là thuế sắt luyện cả năm gồm 8.880 cân, hạng biệt nạp thuế sắt chín gồm 317 người, xã Phú Xuân Trung (huyện Hà Đông) luyện sắt sống, sắt rèn.

Sản phẩm nghề rèn được đem đi bán cho nhiều địa phương khác. Ông Trương Như Sơn (sinh năm 1925 tại làng Phú Nhiêu) kể rằng các thương lái như bà Trợ Sanh (xã Đại Đồng), ông Khế (xã Đại Tân), ông Trương Khôi (xã Đại Cường)… thường đặt hàng cho chủ các lò rèn gồm rựa (rựa bờ, rựa đốn tre, gỗ), dao (dao lỡ, dao phay, dao xép…), liềm (giằng cắt lúa, đốn củi…), cuốc (cuốc bàn, cuốc xỉa, cuốc con). Khi đủ hàng, họ gánh bộ đi bán lẻ khắp nơi, hoặc bỏ mối tại các chợ trong huyện, tỉnh, từ Đại Lộc, Duy Xuyên, đến Điện Bàn, Hội An, ra tận Đà Nẵng.

“Thép gang xù xì” rèn thổi giai âm

Nghề rèn cũng được hóa thân trong ngôn ngữ nghệ thuật. Những câu ca dao, tục ngữ, câu đố truyền miệng từ lâu đời: “có gang có thép”, “lời nói như rựa chém xuống đất”, “thợ rèn ăn dao lụt”, “tốn than tan lưỡi cày”, “Ba ông ngồi ghế/Một ông cậy thế/Một ông cậy thần/Một ông tần ngần/Đút bòi vào bếp”…

Cày đất bằng trâu. Ảnh: NGUYỄN ĐIỆN NGỌC
Cày đất bằng trâu. Ảnh: NGUYỄN ĐIỆN NGỌC

Nghề rèn đi vào “Tỉnh quốc hồn ca” (năm 1907) của Phan Châu Trinh để kêu gọi duy tân: “Người ta trọng có tài có nghiệp/ Kẻ không nghề cả kiếp khó hèn/ Dẫu rằng thợ mộc thợ rèn/ Tài hay trí tốt tiếng khen vang rần”.

Hằng năm đến ngày 17 tháng 2 âm lịch là ngày giỗ tổ thợ rèn - Lư Cao Sơn. Lễ giỗ tổ được tổ chức tại làng La Qua (Vĩnh Điện, Điện Bàn). Đây là ngày mà tất cả thợ rèn tại đất Quảng tề tựu dự lễ. Mỗi dịp lễ Tổ nghề, giai âm nghề rèn lại vang vọng trong bài văn tế, với những câu từ ca ngợi công đức của Lư Cao Sơn. Bài văn tế thợ rèn của Tú Quỳ không chỉ là tiếng đe tiếng búa mà đó còn là “lời sắt đinh căn dặn cõi trăm năm”.

Ngày nay với công nghiệp máy móc hiện đại, nghề rèn sẽ “khóa gãy chìa rơi/ búa tè đe dội” nhưng cho ta triết lý “lò tạo xoay vần/ thợ trời thay đổi” (Tú Quỳ).

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Lò tạo xoay vần
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO