(QNO) - Trong phiên làm việc hội nghị Tỉnh ủy lần thứ 12 vào sáng nay 7/7, nhiều ý kiến của đại biểu xoay quanh việc lo thiếu thuốc, vật tư y tế và lo lắng về tiến độ thực hiện dự án đầu tư xây mới, nâng cấp, cải tạo 5 trung tâm y tế và 76 trạm y tế.
Sẽ “giải” được nỗi lo thiếu thuốc?
Trước đó, nhiều ý kiến thảo luận tại tổ vào chiều 6/7 cho rằng tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế ở các bệnh viện, trung tâm y tế công, nhất là ở cơ sở và các địa phương miền núi kéo dài hơn 1 năm qua nhưng chưa được giải quyết, thẻ BHYT không phát huy tác dụng vì người dân phải mua thuốc bên ngoài, gây bức xúc cho người dân, nhất là các địa phương miền núi cao.
Giải trình về vấn đề này, ông Mai Văn Mười - Giám đốc Sở Y tế cho hay việc thiếu thuốc, vật tư y tế thực sự gặp khó từ sau quý I năm 2023. Một số loại thuốc thuộc phạm vi Bộ Y tế đấu thầu bị chậm trễ dẫn đến thiếu cục bộ. Về đấu thầu thuốc, Sở Y tế đã mở thầu từ cuối tháng 6 với 163 nhà thầu tham gia. Mọi công việc đang được tiến hành khẩn trương, dự kiến có kết quả thầu trước ngày 10/8 sắp tới để giải quyết tình trạng thiếu thuốc trong khám chữa bệnh.
“Với việc áp dụng Nghị quyết 23, ủy quyền Giám đốc Sở Y tế phê duyệt các gói thầu thuốc, vật tư y tế có giá trị dưới 1 tỷ đồng đã tháo gỡ rất nhiều cho việc thiếu thuốc, vật tư y tế. Thực tế cho thấy, với tình trạng thiếu thuốc cục bộ hiện nay, phần lớn nhu cầu đều dưới 1 tỷ đồng, nên việc Chủ tịch UBND tỉnh ủy quyền cho Giám đốc Sở phê duyệt các gói thầu trị giá dưới 1 tỷ này sẽ giúp giải quyết cơ bản những vướng mắc”, ông Mười nói.
Về các trạm y tế, trung tâm y tế, nguồn vốn đầu tư công để xây mới, cải tạo, nâng cấp trong nhiệm kỳ là tương đối tốt. Sở Y tế đã và đang phối hợp tích cực với Ban quản lý các dự án đầu tư xây dựng tỉnh để đẩy nhanh việc thực hiện đối với 5 trung tâm y tế và 76 trạm y tế đã phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu và triển khai các bước tiếp theo.
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh truy vấn Trưởng ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh rằng, nguồn vốn chỉ giải ngân được trong năm, vậy đến cuối năm 2023 có hoàn thành được không?
Trả lời Chủ tịch UBND tỉnh, ông Huỳnh Xuân Sơn - Giám đốc Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng tỉnh nói, Sở Xây dựng đang thẩm định các hồ sơ và sẽ tổ chức đấu thầu. Thời gian rất gấp. Ông Sơn cho hay chiều 7/7 sẽ có kết quả đầu thầu thiết kế đối với 76 trạm y tế tuyến xã.
“Việc xây dựng, cải tạo nâng cấp các trạm y tế tuyến xã trong danh mục này khá phức tạp. Vì việc tiến hành các dự án này gặp vướng mắc liên quan đất đai, giấy chứng nhận quyền sử dụng, thủ tục thanh lý, quy hoạch, thủ tục về môi trường, tốn rất nhiều thời gian khảo sát, giải quyết. Về thời gian thực hiện dự án, giữa Quý III năm 2022 mới có văn bản thông báo danh mục, mức vốn từ Chính phủ. Tỉnh đã xin ý kiến đề nghị chỉ định thầu, nhưng Bộ Kế hoạch và đầu tư trả lời rất chung chung, do đó mọi khâu đều phải đấu thầu để đảm bảo theo quy định, sẽ mất thời gian”, ông Sơn thông tin. Ông Sơn cho hay sẽ “nỗ lực hết mình” để cố gắng kịp tiến độ trong năm 2023 theo mục tiêu đặt ra của dự án.
Phải đôn đốc tiến độ
Sau những trả lời của đại diện Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng, ông Mai Văn Mười cho rằng các cấp, ngành chỉ mới quan tâm xây dựng cơ bản, chưa kịp thời đôn đốc đối với các gói thầu mua sắm trang thiết bị phục vụ các trung tâm y tế.
“Lâu nay hầu như chỉ đôn đốc xây dựng cơ bản, không triển khai mua sắm trang thiết bị cho kịp thời. Nhiều trụ sở xây dựng xong lại phải chờ đợi trang bị máy móc, trang thiết bị để hoạt động. Các đơn vị là chủ đầu tư phải lấy ý kiến của Sở Y tế trong mua sắm trang thiết bị. Vì mỗi trạm y tế có một đặc thù riêng, có con người riêng, không thể áp dụng chung một công thức mua sắm sẽ dẫn đến lãng phí khi con người ở đó không sử dụng được máy móc thiết bị, trong khi những trang bị cần thiết khác thì lại thiếu”, ông Mười bày tỏ băn khoăn.
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, ông Lê Văn Dũng yêu cầu ngành y tế và các ngành có liên quan rút kinh nghiệm trong việc đấu thầu thuốc men chậm chạp.
“Sự dè dặt, sợ sai cũng là nguyên nhân dẫn đến chậm chạp, cần rút kinh nghiệm để chấn chỉnh. Thiếu thuốc, dân rất khổ, người nghèo không có tiền mua thuốc. Các bệnh viện công chết đứng vì dân ra bên ngoài, không khám chữa bệnh ở bệnh viện công. Do đó, ngành y tế phải lo từ sớm, từ xa. Phải có giải pháp căn cơ, chỉ đạo các trung tâm y tế, các đơn vị tập trung làm tốt hơn, tiến tới dứt điểm việc thiếu thuốc men hiện nay như cam kết của Giám đốc Sở Y tế” - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy ông Lê Văn Dũng nhấn mạnh.